Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?

(Dân trí) - “Thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới của văn học nước nhà…”, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”.

Trong không khí cả nước tưng bừng chào mừng 41 năm ngày Thống nhất đất nước, sáng nay, ngày 28/4, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia có chủ đề “Thế hệ nhà văn sâu 1975” nhằm tạo ra diễn đàn khoa học, nhìn nhận, đánh giá tôn vinh thế hệ cầm bút sau năm 1975, để từ đó hướng tới việc tiếp cận, kỹ càng, khách quan hơn về thế hệ nhà văn và giai đoạn văn chương này.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ với Văn hóa (Ảnh: Minh Ước)
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước dâng hoa trước tượng đài "Bác Hồ với Văn hóa" (Ảnh: Minh Ước)

Hội thảo đã nhận được 85 tham luận với sự tham gia đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước.

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới.

“Có thể họ đã sinh ra và lớn lên trong thời chiến nhưng họ cầm bút và trưởng thành trong thời bình. Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ đổi mới, nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới của văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mĩ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ảnh: Minh Ước)
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ảnh: Minh Ước)

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nói thêm: “Thế hệ nhà văn sau 1975 cầm bút và sáng tạo vào thời điểm công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước do Đảng khởi xướng năm 1986. Vì thế, họ đã có được một tinh thần đổi mới mạnh mẽ, và trên thực tế đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn chương thấm đẫm tinh thần đổi mới cả về tư tưởng và nghệ thuật”.

Tại Hội thảo, TS Chu Văn Sơn đã “điểm danh” những cây bút tiêu biểu của thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975, có thể kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh... (văn xuôi); Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Hùng, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Thị Ngọc Liên... (thơ); Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Huỳnh Như Phương, Phạm Xuân Nguyên... (nghiên cứu - lý luận - phê bình); Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Đình Thành... (dịch thuật).

TS Chu Văn Sơn khẳng định đó là “một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được”.

TS Chu Văn Sơn còn so sánh thế hệ nhà văn sau 1975 với giai đoạn “nhà văn chiến sĩ” trong chiến tranh: “Thế hệ này không ca ngợi hiện thực, mà tra vấn hiện thực. Do tinh thần tra vấn hiện thực mà khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạnh thoái vị nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại. Hoài nghi và đối thoại trở thành nhu cầu của thời đại”. Theo TS Chu Văn Sơn, điều này cũng lý giải vì sao từ văn xuôi đến thơ, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tùy bút tản văn, tạp bút, từ thơ cực ngắn đến những bản trường cả của chặng này đều thấm đượm những cung bậc day dứt, trăn trở, đều thấm thía những lo âu, hoang hoải. Trang văn nào dường như cũng nặng trĩu triết luận buồn…

PGS.TS Ngô Văn Giá khẳng định những đóng góp lớn của thế hệ nhà văn sau 1975 đối với nền văn học nước nhà (Ảnh: Nguyễn Hằng)
PGS.TS Ngô Văn Giá khẳng định những đóng góp lớn của thế hệ nhà văn sau 1975 đối với nền văn học nước nhà (Ảnh: Nguyễn Hằng)

Nếu như TS Chu Văn Sơn so sánh thế hệ nhà văn sau 1975 với giai đoạn “nhà văn chiến sĩ” thì PGS.TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Viết Văn -Báo chí lại tiếp cận cụ thể “ghi công cho đợt sóng cách tân đầu tiên, mang tinh thần tiên phong, đột khởi với ba nhà thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều”. TS Đỗ Hải Ninh lại đề cập đến sự tiếp nối và chuyển động của những thế hệ nhà văn Việt Nam thời đổi mới…

TS. Thái Phan Vàng Anh đọc bài tham luận tại hội thảo sáng nay, ngày 28/4 (Ảnh: Nguyễn Hằng)
TS. Thái Phan Vàng Anh đọc bài tham luận tại hội thảo sáng nay, ngày 28/4 (Ảnh: Nguyễn Hằng)

Nhìn riêng từ góc độ văn học nữ, TS Thái Phan Vàng Anh nói, văn xuôi nữ có đóng góp rất đặc biệt cho văn học Việt Nam sau 1975: “Ở đề tài nào, thể loại nào, các nhà văn nữ cũng tạo nên những dấu ấn nhất định, không chỉ bởi tài năng, bởi những nhọc nhằn nghiêm túc của nghiệp viết lách, mà còn bởi những đặc trưng giới tính đậm nhạt trong các trang văn.”

“Phụ nữ trong trang viết của các nhà văn nữ, phụ nữ của đất nước Việt Nam thời hậu chiến, thời đổi mới, đã ý thức hơn về bản thân, về giới tính của chính mình. Và từ những thức tỉnh giới tính ấy, trong nhiều tác phẩm, tiếng nói nữ giới (tiếng nói của nhà văn nữ, của nhân vật nữ, của tự thân những câu chuyện về phụ nữ...) đã trở thành những diễn ngôn mang đậm tinh thần nữ quyền”, TS Thái Phan Vàng Anh khẳng định.

Nguyễn Hằng