Thế giới năm… 2084
(Dân trí) - Cảnh quan của các thành phố lớn nhất thế giới trong tương lai sẽ như thế nào? Sẽ gồm những tòa nhà vươn ra ngoài vũ trụ, những chiếc ô tô bay, những màn hình cảm ứng khổng lồ đặt trên khắp các phố…?
Đó là viễn cảnh mà chúng ta thường thấy trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. Họa sĩ thiết kế đồ họa người Pháp Paul Chadeisson mới đây đã thực hiện một loạt các bức vẽ tưởng tượng về tương lai của những thành phố lớn như Paris, New York trong vòng chưa đầy một thế kỷ tới.
Những đại lộ thênh thang, những tòa nhà có kiến trúc tuyệt đẹp… đều biến mất. Thay vào đó là một sự phát triển không đồng đều, thậm chí đối lập. Bên cạnh những không gian hiện đại bậc nhất là những con phố tối tăm, bẩn thỉu, người dân nghèo sống trong không gian tù túng, chật hẹp và ảm đạm…
Những hình ảnh cho thấy viễn cảnh không tươi sáng của những thành phố lớn khi bước vào kỷ nguyên công nghệ. Con người chạy theo công nghệ, không gian sống bị thu hẹp, cảnh quan thiên nhiên dần biến mất, để nhường chỗ cho sự phát triển của công nghệ.
Những con phố đông đúc giờ mất đi vẻ rực rỡ, náo nhiệt, thay vào đó là một quang cảnh hoang tàn, buồn thảm. Sự phát triển không phải luôn đồng nghĩa với sự tiến bộ. Công nghệ nếu phát triển vượt trên khả năng kiểm soát của con người, ai biết cuộc sống sẽ ra sao?
Khải Hoàn Môn trở nên lạc lõng so với không gian xung quanh.
Thời đại của những robot và màn hình cảm ứng khổng lồ. Những công việc đơn giản giờ để dành cho những thiết bị công nghệ thực hiện, con người trở nên nhàn rỗi, thậm chí thừa thãi lao động. Những thiết bị công nghệ xuất hiện trên khắp các phố, kiểm soát hành vi của con người.
Những thành phố lớn lúc này thoạt nhìn ở bề nổi có vẻ ấn tượng và tiến bộ, nhưng trên những ngõ hẻm là một diện mạo hoàn toàn trái ngược. Trong ảnh, vương cung thánh đường Sacre-Coeur ở Paris vẫn hiện lên nguy nga, tráng lệ nhưng những con phố tỏa ra từ đó không có được vẻ đẹp như thế.
Tác giả của loạt ảnh - anh Paul Chadeisson - đã tưởng tượng về các thành phố lớn trên thế giới ở năm 2084 với những tòa nhà chọc trời, những chiếc ô tô bay, những chiếc máy bay giám sát không người lái, những địa danh đã trở thành phế tích…
Sự phát triển của công nghệ dù tiên tiến đến mấy cũng khó lòng chăm sóc được cho người dân trong cả một thành phố, vì vậy, sự đối lập giữa tiến bộ và tụt hậu ngày càng trở nên rõ nét. Có những khu vực trọng điểm được phát triển hiện đại tột đỉnh, thì cũng có những khu vực bị rơi vào quên lãng, mang một vẻ u ám, ảm đạm.
Lúc này, con người ngày càng đổ xô về những khu vực phát triển công nghệ, vì vậy, các thành phố lớn trở nên đông đúc hơn bao giờ hết, không gian sống trở nên chật hẹp, tù túng. Sự riêng tư, bí mật cũng không còn, bởi mạng xã hội phát triển ở trình độ cao đã lưu trữ được tất cả các thông tin về từng cá nhân, khiến con người giờ là những cuốn sách mở.
Sự phát triển quá nhanh của công nghệ khiến cơ sở hạ tầng không theo kịp, vì vậy, bên cạnh những phát triển đến không tưởng, người ta bắt gặp những ngóc ngách tối tăm, u ám bị bỏ quên.
Những công việc đơn giản giờ đã được máy tính, robot thực hiện, con người trở nên nhàn rỗi, thậm chí dư thừa lao động.
Trên những con phố lớn, người ta bắt gặp sự phát triển tột cùng, nhưng đây chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.
Những con tàu không gian khổng lồ, những phương tiện đi lại trên không, những thành phố vệ tinh…
Không gian trong thành phố vô cùng hiện đại, con người ngày càng đổ về những trung tâm công nghệ để được hưởng những tiện ích, khiến các thành phố trở nên đông đúc, quá tải.
Sự phát triển không thể bao trùm lên từng ngóc ngách, vì vậy, có những khu vực bị lãng quên, bị sự phát triển bỏ sót.
Bên trong một nhà máy, người ta thấy quang cảnh vắng hoe, những công việc thuần túy về tay chân đã được các robot xử lý, chỉ còn rất ít người ở lại nhà máy để vận hành cả một hệ thống.
Những tòa nhà cao tầng mọc lên xuyên qua những đám mây, vươn ra ngoài vũ trụ. Sống ở trên này, con người gần như không thể nhìn thấy thế giới bên dưới.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail