Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên

Thảo Trinh

(Dân trí) - Sống ở Điện Biên, anh Hiếu mong muốn trở thành người tiên phong trồng dưa lưới "trên nóc nhà", làm vườn rau trái sạch cho gia đình sử dụng.

Anh Nguyễn Trọng Hiếu (hiện đang công tác tại trường THPT Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bắt đầu làm vườn sân thượng cách đây 5 năm. Ban đầu, vườn chỉ trồng rau và hoa nhưng năm nay, anh Hiếu mạnh dạn chinh phục cả dưa lưới.

Thầy giáo 43 tuổi mong muốn gây dựng được khu vườn trên cao để cung cấp rau trái sạch phục vụ gia đình, vừa tạo không gian sống xanh, thỏa mãn đam mê trồng trọt vừa giáo dục con cái biết trân quý sức lao động và nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên.

Thời gian đầu làm vườn trên cao, anh Hiếu cũng gặp chút khó khăn như chưa có kỹ thuật chăm sóc cây và công đoạn vận chuyển đất, vật tư từ dưới nhà lên sân thượng tầng 4 khá vất vả. Ngoài ra, anh còn phải tìm mua các giống cây chuẩn ở các địa chỉ tin cậy, đồng thời tham khảo kiến thức từ bạn bè, mạng internet,...

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 1

Khu vườn sân thượng của gia đình anh Hiếu tuy không rộng nhưng được bố trí khoa học, gọn gàng.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 2

Gia đình anh Hiếu có hai khu vườn trên cao, tuy diện tích khiêm tốn nhưng vẫn đủ cung cấp nguồn thực phẩm sạch hàng ngày. Một khu vườn nhỏ khoảng 13m2 ở ban công tầng 3 được anh bố trí trồng hoa hồng cổ và rau các loại như rau muống, mồng tơi, rau cải, cà chua, diếp cá, rau răm, húng chó, hành lá,... 

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 3

Rau xanh được trồng trong khay nhựa, đảm bảo thẩm mỹ và thuận tiện chăm sóc. Mỗi loại, anh Hiếu trồng một ít để cả nhà có thực phẩm sạch sử dụng thường xuyên.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 4

Ngoài ra trong vườn còn có một số cây ăn quả như dưa chuột, chanh tứ quý, nho, cóc Thái.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 5

Còn vườn sân thượng rộng khoảng 26m2, gia chủ dành 15m2 để trồng dưa, diện tích còn lại làm sân chơi thư giãn cho các thành viên. Năm nay, thầy giáo 43 tuổi thử sức trồng vụ dưa lưới đầu tiên. Thấy dưa lưới đẹp và lạ nên anh tận dụng không gian sân thượng tràn ngập nắng để chinh phục giống cây khó trồng này.

"Dưa lưới vốn là giống cây thích hợp với điều kiện thời tiết ở miền Nam nhưng nay đã có thể trồng ở cả vùng Tây Bắc. Mình muốn là người đầu tiên ở Điện Biên, nơi có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển có thể trồng được dưa lưới trên sân thượng. Loại trái cây này có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng, ai cũng thích", anh Hiếu nói.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 6

Vụ đầu tiên, thầy giáo trẻ trồng khoảng 40 gốc dưa. Mỗi gốc được trồng trong một thùng sơn, đảm bảo có đủ đất và dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển. Khi dưa lưới đậu quả, anh giữ lại mỗi gốc 1-2 trái. Quả nhỏ khoảng 1kg, còn quả to được hơn 2kg. Vụ đầu tiên, anh thu hoạch được khoảng 40-50kg dưa. 

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 7

Trước khi trồng dưa, anh cũng phải tính toán bố trí sao cho hợp lý, vừa giúp cây đón được nhiều nắng, vừa tăng tính thẩm mỹ cho khu vườn. 

Dưa lưới là giống cây ưa nắng, đòi hỏi quá trình chăm sóc kỳ công. Anh Hiếu phải lên mạng, tự mày mò và học hỏi kiến thức về trồng dưa của những người đi trước rồi rút ra kinh nghiệm. Về giá thể, anh trộn đất thịt với hỗn hợp trấu hun, xơ dừa, phân chuồng ủ hoai mục theo tỷ lệ 3:7. 

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 8

"Mình nghĩ muốn trồng dưa hiệu quả thì hai yếu tố quan trọng là đất trồng và nước. Khi cây lên được 3-5 lá thì cần phun thuốc phòng các bệnh như vàng lá, nấm, thối gốc... Chỉ nên dùng thuốc sinh học để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Giai đoạn thụ phấn, mình phải thụ phấn thủ công cho cây, vào lúc 8-9h sáng là tốt nhất. Lúc cây nuôi quả thì chú ý bón phân mỗi tuần một lần và bổ sung phân NPK, phân ủ từ rác sinh hoạt hoặc phân Nhật, phân hữu cơ, vô cơ. Dưa ưa nước nên cần tưới ẩm gốc", chủ nhân khu vườn chia sẻ.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 9

Vợ chồng anh Hiếu đều là giáo viên nên thời gian dạy học trên lớp gần như kín lịch. Mỗi ngày, anh chị chỉ tranh thủ chút thời gian sáng sớm, trưa hoặc chiều sau khi tan làm để lên vườn chăm cây. Chủ nhật rảnh rỗi cả ngày, gia đình anh lại dành nhiều thời gian cho vườn hơn. 

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 10

Gia chủ lắp đặt hệ thống tưới tự động để đảm bảo cung cấp lượng nước cần thiết cho cây cối trong vườn và tiết kiệm được thời gian, công sức chăm sóc.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 11

Suốt hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là những đợt giãn cách ở nhà, gia đình anh Hiếu càng cảm nhận được giá trị đúng nghĩa của khu vườn trên cao. Không chỉ cung cấp nguồn rau trái sạch, khu vườn còn trở thành góc thư giãn, giải trí thiết thực cho các thành viên.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 12

Thầy giáo Điện Biên còn lập một kênh Youtube, chuyên đăng tải các video hướng dẫn làm vườn, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau trái sạch với mọi người.

Thầy giáo vác đất lên sân thượng, làm vườn rau trái sum suê ở Điện Biên - 13

"Nhờ có khu vườn mà cả gia đình mình trở nên gắn kết hơn khi cùng nhau chăm sóc cây cối. Các con rất thích lên vườn thu hoạch thành quả lao động và phụ giúp bố mẹ một số việc vặt...", anh Hiếu bày tỏ.