Thật giả ảnh nuy

Đã qua rồi thời mà cứ có bộ ảnh nuy nào thì người xem xôn xao, dị nghị. Ngày nay, những bộ ảnh khỏa thân đẹp về nghệ thuật, trong sáng về nội dung được người xem đón nhận. Nhưng, không phải ngẫu nhiên mà nhiều bộ ảnh nuy bị người xem phản ứng quyết liệt vì “phi nghệ thuật”.

Nghệ thuật chân chính

Ảnh khỏa thân là một phần của nhiếp ảnh nghệ thuật, bởi vậy, nền nhiếp ảnh nào cũng có những tác phẩm, những nghệ sĩ chụp nuy. Tôi đã trò chuyện với nhiếp ảnh gia Thái Phiên, một người chuyên chụp ảnh nuy. Anh cho biết: “Nghề nhiếp ảnh nuy rất vất vả, lại không nổi tiếng, ít giải thưởng, ít triển lãm, theo đuổi như một cái nghiệp thôi”. Quả thật việc triển lãm ảnh nuy thời nào cũng khó. Nhưng đam mê vẫn cuốn hút Thái Phiên.

Nghệ sĩ Thái Phiên kể rằng một số người mẫu tìm tới nhờ anh chụp để lưu lại những hình ảnh đẹp của mình, song với tư cách nghệ sĩ, đa số ảnh của anh đều do anh tự tìm người mẫu, thuyết phục họ chụp, trả toàn bộ chi phí đi lại và kinh phí chụp ảnh của mình, chỉ mong có tấm ảnh đẹp. “Chụp rồi, không có nơi triển lãm, có khi treo đầy nhà”.


Hạnh phúc. Ảnh: Thái Phiên.

Hạnh phúc. Ảnh: Thái Phiên.

Các nhiếp ảnh gia nữ cũng chụp nhiều ảnh nuy. Như nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc, chị cho biết từng theo đuổi môn này và những bức ảnh của Đỗ Ngọc thường gắn với những chủ đề, ẩn chứa những nội dung sâu sắc về thân phận người phụ nữ và con người.

Nhiều nghệ sĩ coi nhiếp ảnh nuy là một thứ “đền thiêng”, điển hình là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, thường cho rằng người ta phải đạt tới một trình độ rất cao mới có thể chụp nuy và có thành tựu về nuy. Hơn nữa theo anh Nguyễn Hữu Bảo: “Ảnh nuy không phải dứt khoát phô bày những phần kín của người phụ nữ mà đôi khi một bức ảnh kín đáo, chỉ lộ một đôi bàn tay, bàn chân của người mẫu cũng gợi lên cái đẹp cơ thể của người phụ nữ và cũng là ảnh nuy”.

Những tác phẩm giả mạo

Bên cạnh những tác phẩm nhiếp ảnh nuy nghệ thuật, thì ngày nay, khi mà chỉ cần một khoản tiền không lớn đã sở hữu được máy ảnh và chỉ cần học hành sơ sài cũng cầm được máy ảnh thì việc chụp ảnh nuy trở nên quá dễ dãi. Anh P, một nhiếp ảnh gia ở Sài Gòn cho biết: “Người ta sẵn sàng trả 30-50 triệu để thuê một nhiếp ảnh gia tiếng tăm chụp ảnh khỏa thân cho họ. Nhưng mục đích là gì? Chủ yếu là để họ khoe hàng, dùng tên tuổi nghệ sĩ nhiếp ảnh để tự phong cho họ là người mẫu nhiếp ảnh, để làm những việc xấu, thậm chí đi bán dâm”.

Câu chuyện của anh P, không phải là cá biệt, khi có một mối liên hệ quá rõ giữa các đường dây bán dâm của các má mì có nhiều “chân dài”, “người mẫu nghiệp dư”, đã bị phát giác và đưa ra tòa. Điểm chung của các vụ bán dâm chân dài này, đều có điểm chung là các đối tượng từng tung lên internet những bức ảnh khỏa thân gợi dục để “câu khách” với giá bán dâm nhiều USD. Tệ hại hơn, một số vụ án công an đã bắt chính những tay máy chuyên chụp ảnh khỏa thân cho gái bán dâm tung lên mạng để “chào hàng”.


Một tác phẩm của Đỗ Ngọc.

Một tác phẩm của Đỗ Ngọc.

Tìm lại sự trong sáng

Hoàn toàn không dễ dàng để tìm được chân giá trị đích thực cho ảnh nuy ngày nay. Bởi người xem, mỗi người một ý. Những bức ảnh khiêu dâm cũng được ngụy trang khéo léo chứ không quá lộ liễu. Một vài nhiếp ảnh gia đã nói với chúng tôi: “Không muốn đề cập đến những bộ ảnh nuy đang gây xôn xao trên mạng, vì điều đó khiến nhiều người cho rằng chúng đáng được quan tâm. Thật sự những bộ ảnh như vậy không liên quan gì đến nghệ thuật để mà bàn về chúng”.

Sự ngụy trang khéo léo của những bức ảnh dung tục, “khoác áo” ảnh nghệ thuật rất khó phân biệt thật giả. Đôi khi những bức ảnh ấy còn “kín đáo” hơn nhiều so với những bức ảnh nghệ thuật nuy đích thực. Song điểm khác biệt giữa chúng là ảnh nghệ thuật thì hướng người ta đến cái đẹp của người phụ nữ, còn ảnh dung tục thì lôi kéo người xem vào lãnh địa của trụy lạc và mua bán thân xác không ngại ngần.

Nhận xét những bộ ảnh nuy đang gây nhiều phản ứng trong thời gian gần đây, nhà phê bình mỹ thuật Hà Vũ Trọng ở TPHCM cho biết: “Theo tôi, chúng thuộc vào thể loại ảnh cho các tạp chí thương mại dành cho nam giới, tương tự như Playboy, nhưng có tính lãng mạn hơn”. Anh cũng cho biết, một số tấm hình nom nhìn bắt mắt nhưng không phải là ảnh nghệ thuật, mà là “nghệ thuật thương mại” (commercial art) quyến rũ kiểu như hình ảnh các cô trong các tạp chí thời trang nước ngoài, vì nó không đẹp thậm chí khá thô thiển nên không phải là tác phẩm nghệ thuật”.

Những bộ ảnh khiêu dâm “khoác áo nghệ thuật” sớm muộn cũng bị người xem phản đối, nhưng chúng sẽ để lại những ấn tượng không tốt về nhiếp ảnh khỏa thân nghệ thuật, đặc biệt trong điều kiện ảnh khỏa thân nghệ thuật lại không mấy phổ biến tại Việt Nam. Các nhà phê bình và các nhiếp ảnh gia cho rằng “Việc xử phạt những bộ ảnh khiêu dâm trên báo chí và trên mạng không khó khăn gì khi có thể thành lập các hội đồng nghệ thuật và áp dụng chế tài nghiêm khắc”.

Nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc:

Ảnh khỏa thân, không chỉ là câu chuyện của chi tiết, bộ phận. Nó là câu chuyện của đường nét, ánh sáng và cảm xúc. Tôi luôn thích và mong muốn “bắt” được vẻ đẹp của “câu chuyện” giữa bối cảnh thiên nhiên. Và như thế, cần sẵn sàng tinh thần có thể bị “thăm hỏi”, lập biên bản hành chính (chẳng hạn). Một nhiếp ảnh gia nam từng bị giữ, lập biên bản vì chụp ảnh nude trong sân golf, và người đứng đầu Hội nhiếp ảnh phải “bảo lãnh” về. Đồi cát nắng bỏng da, lăn lê xoay trở, nơi “công việc” luôn bị dừng vì xuất hiện người gánh cá đi qua, đàn bò đi lại. Bãi biển cả ngày trời không chụp được một cảnh ưng ý vì luôn có ghe tàu cá chạy qua, ngư dân khiêng lưới về nhà, dù đã chọn nơi hoang vắng. Rừng thoắt nắng thoắt âm u, muỗi bay như vừng, cuối ngày cả trăm nốt đốt trên thân trần người mẫu và đoàn tuỳ tùng…

Theo Trần Nguyễn Anh
Tiền Phong