Thanh Thảo tiết lộ "sốc" thời chạy show ở quán bia, vừa hát vừa "thủ thế"
(Dân trí) - "Các nữ ca sĩ như tôi vừa hát, cứ phải vừa "thủ thế", giọng hát nhiều khi lạc cả đi vì sợ sệt", ca sĩ Thanh Thảo kể về thời chạy show ở quán bia, đám cưới và nỗi e sợ khi diễn ở các vùng hẻo lánh...
Mới đây, trên trang cá nhân, ca sĩ Thanh Thảo chia sẻ lại thời điểm mới bước chân vào nghề ca hát, chạy show quán bia, đám cưới…; giai đoạn hát lót cho các nghệ sĩ nổi tiếng tại các tụ điểm, trải qua nhiều khó khăn chua chát để tìm kiếm cơ hội.
"Tôi lao vào chạy show đám cưới với cường độ chóng mặt"
"Ở những năm tháng đó (1995, 1996), rất nhiều ca sĩ bước chân vào nghề hát đều là "ca sĩ đám cưới". Những show diễn tại đám cưới chính là nơi lý tưởng cho ca sĩ trẻ kiếm tiền và làm quen sân khấu.
Tôi lao vào chạy show đám cưới với cường độ chóng mặt. Có khi một ngày hát đến 6 tiệc cưới! Cũng may là cả 6 tiệc tổ chức trong cùng một nhà hàng, tôi chỉ việc chạy lên chạy xuống giữa các tầng lầu và đợi tới lượt mình lên bục hát.
Tôi còn nhớ trang phục đầu tiên khi lên sân khấu tiệc cưới là cái "đầm ba tầng" màu xanh lá cây đậm và đôi giày bít trắng rộng hơn chân mình một số mà tôi mượn của… mẹ tôi. Ban ngày tôi vẫn đi học, buổi tối tôi chỉ nhận show từ 7 giờ đến 9 giờ vì đó chính là giờ "đi học Anh văn" mà tôi nói dối với mẹ.
Thỉnh thoảng, tôi cũng "cúp cua" học ở trường nếu nhận lời hát những đám cưới tổ chức vào buổi trưa. Sau nhiều ngày đi hát đám cưới, nhà hàng, vũ trường nhỏ và cả những quán… bia, tôi cũng đủ tiền mua quần áo mới và bắt đầu thật sự đam mê nghề hát", nữ ca sĩ viết.
Giọng ca "Búp bê con trai" khẳng định, trước khi đắm đuối ca hát, cô học rất giỏi. Bằng chứng là nhiều năm liền, Thanh Thảo đều là học sinh khá giỏi, đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp quận. Đặc biệt, nữ ca sĩ còn thi đậu cả 2 trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ Văn Lang. Chính thành tích này đã giúp Thanh Thảo thuyết phục được gia đình cho đi hát sau một thời gian dài bị mẹ "cấm cửa".
Thanh Thảo kể: "Từ ca sĩ tiệc cưới, quán bar, vũ trường…, tôi quyết định đăng ký dự thi Tiếng hát truyền hình 1998 để hy vọng được nhiều người biết đến, nhưng lại rớt ngay từ vòng loại. Không nản chí, tôi rong ruổi theo các đại nhạc hội tổ chức ở khắp mọi miền đất nước, với nghệ danh là Thanh Thảo".
"Đi hát ở đâu cũng có bà ngoại đi theo trông chừng và bảo vệ"
Theo Thanh Thảo, hầu hết các ca sĩ thành danh sau này đều trải qua những năm tháng đi hát lót cho ngôi sao. Và cô cũng trải qua quãng thời gian "khó khăn và chua chát" đó.
"Cũng như bao ca sĩ trẻ kém tên tuổi khác, tôi đi "hát lót" ở các tụ điểm ca nhạc trong thành phố, lúc bấy giờ nổi tiếng nhất là các sân khấu Bách Diệp, Trống Đồng, 126.
Tất cả những ca sĩ đều hiểu "hát lót" là như thế nào. Đó là khi bạn phải ngồi chờ hằng giờ trong những góc tối phía sau sân khấu, chỉ được bầu sô và người dẫn chương trình kêu tên mỗi khi ca sĩ ngôi sao đến trễ hay sân khấu bị "tăng-mo" (sân khấu gián đoạn vì có sự cố kỹ thuật hay thiếu ca sĩ).
Nếu đêm nào mà ca sĩ đến đầy đủ và tôi không có cơ hội để lên hát thì lòng buồn lắm. Lúc đó bầu show trả 50.000 đồng gọi là "tiền đổ xăng" an ủi.
Bà ngoại rất thương tôi, tôi hát ở đâu ngoại cũng đi theo để trông chừng và bảo vệ cháu. Nhiều khi bà rơi nước mắt vì những khó khăn thử thách quá chua chát mà tôi phải trải qua, nhất là đối với một cô bé vừa rời ghế nhà trường.
Nhờ có bà ngoại theo sát bên cạnh mà tôi không bị cám dỗ với những phù phiếm, không rơi vào những bẫy lừa nguy hiểm thuở ban đầu. Nhiều khi hát nhà hàng, quán bia, khách thật sự có nghe và thưởng thức lời ca tiếng hát gì đâu, chỉ dúi tiền "boa" cho ca sĩ và yêu cầu hát "quậy lên, tưng lên" cho không khí vui nhộn là được rồi. Hoặc khi khách có tâm sự buồn thì tôi phải hát ỉ ôi những lời ca sầu não mà tôi còn chưa hiểu hết ý nghĩa của ca từ.
Có lần tôi mê bộ đồ vải jean của một cô vũ nữ mang ra bán, ngoại tôi biết được đã mua trả góp với giá một triệu đồng cho tôi để tôi có bộ đồ mới mặc đi diễn. Sau này mỗi khi nhớ đến bộ đồ vải jean ấy, tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt vì thương bà.
Những lúc tôi rong ruổi theo đại nhạc hội đi các tỉnh, bà và mẹ ở nhà sốt ruột không yên, gửi gắm khắp nơi, nhờ người này người nọ trông chừng cháu. Có khi đi hát cả tuần, cả tháng về lại bị bầu show "quỵt" hết cả tiền cát-sê, tôi về nhà chẳng biết nói sao với gia đình, lại còn bỏ lỡ cả việc học", nữ ca sĩ tâm sự.
"Nỗi e sợ khi diễn ở những địa phương xa xôi hẻo lánh"
Không chỉ nhớ về thời đi hát nhà hàng, quán bia; Thanh Thảo cũng không thể quên thời đi hát "đại nhạc hội" ở các tỉnh:
"Ngày ấy tôi chưa có xe hơi riêng, phải đi nhờ xe của đoàn như bao ca sĩ trẻ khác. Chúng tôi đến điểm hẹn đi chung xe đoàn từ rất sớm để còn kịp chui vào phía sau sân khấu, dùng ánh đèn leo lắt để trang điểm và ngồi chờ đến lượt mình lên hát.
Thường hằng đêm, chúng tôi phải chạy đến ba điểm diễn để hát. Khổ nỗi, mỗi điểm cách nhau từ vài chục đến trăm cây số. Do thời gian gấp gáp, tài xế nhấn ga chạy như bay trên đường, nhiều lúc các ca sĩ ngồi trên xe "tim muốn rơi ra ngoài lồng ngực". Đến được sân khấu là rất mừng, leo lên diễn rồi lại tất tả chạy ra xe đi sang sân khấu khác. Màn phóng xe tốc độ lặp lại và ca sĩ lại thấp thỏm không yên. Tôi biết đã từng có nhiều xe chở ca sĩ bị lật xuống đồng trống trên đường đi diễn như vậy.
Chưa kể nỗi e sợ của ca sĩ khi đến diễn ở những địa phương xa xôi hẻo lánh. Có vài khán giả thuộc loại "con sâu làm rầu nồi canh", văn hóa kém, thường nhảy cả lên sân khấu "quậy" như chính họ mới là người biểu diễn. Mà sân khấu "đại nhạc hội" hầu hết đều được dựng "dã chiến" với khung sắt lỏng lẻo, các thanh gỗ lót lên trên đầy tạm bợ. Mỗi khi ca sĩ nhảy mạnh, sân khấu cứ rung lên ầm ầm cứ như có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.
Những khán giả quá khích dường như chỉ muốn chọc phá ca sĩ đang hát, tranh thủ tặng hoa để được níu kéo, ôm hôn. Ca sĩ, nhất là các nữ ca sĩ như tôi vừa hát, cứ phải vừa "thủ thế", giọng hát nhiều khi lạc cả đi vì sợ sệt và vì chất lượng âm thanh khá tệ. Lắm lúc ca sĩ còn ho khan vì bụi phía dưới tung lên mù mịt do những đứa trẻ chạy nhảy tung tăng trước mặt tiền sân khấu"…