Thanh Hóa: Rộn ràng lễ khai ấn đền Lý Thường Kiệt
(Dân trí) - Sáng 3/3 (tức 25 tháng Giêng), người dân khắp nơi trong tỉnh Thanh Hóa đã đổ về đền thờ Lý Thường Kiệt, huyện Hà Trung để dự lễ khai ấn. Lễ hội ngoài tưởng nhớ công lao vị anh hùng dân tộc họ Lý còn để bắt đầu ngày làm việc cho năm mới, cầu mong mọi điều tốt đẹp.
Đền thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) là ngôi đền cổ, có tuổi đời hàng trăm năm nay. Theo sử sách ghi lại, khi Lý Thường Kiệt khi tiếp quản Thanh Hóa ông luôn được nhân dân trong vùng kính mến. Ông được nhiều người trọng nghĩa bởi đã dùng “Tâm” và “Tín” để răn dạy nhân dân.
Thời Lý Thường Kiệt, nhân dân trong vùng được nghỉ Tết Nguyên đán từ Mùng 1 cho đến 25 tháng Giêng mới bắt đầu đi làm trở lại. Vì thế, trong ngày nghỉ cuối cùng (ngày 25 tháng Giêng), Lý Thường Kiệt cho tổ chức lễ khai ấn để bắt đầu một năm làm việc mới, đây cũng là ngày triều đình khao quân. Lễ khai ấn được diễn ra với ý nghĩa to lớn, cầu mong một năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trăm họ an khang thịnh vượng…
Sau khi Lý Thường Kiệt qua đời, người dân xứ Thanh đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc tại xã Hà Ngọc. Lễ hội khai ấn cũng được người dân nơi địa phương lưu giữ, tổ chức nhiều năm qua.
Bà Hoàng Thị Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc cho biết, cứ đến ngày 25 tháng Giêng, người dân khắp trong vùng xã Hà Ngọc lại tưng bừng vui lễ hội khai ấn đền Lý. Từ nhiều năm nay, lễ khai ấn đền Lý được sự quan tâm, tổ chức của Đảng ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã Hà Ngọc nên nét đẹp văn hóa được lưu giữ trọn vẹn, đậm đà bản sắc dân tộc.
“Lễ khai ấn đền Lý hàng năm gồm có hai phần là lễ và hội. Phần lễ được các cụ cao niên trong xã tổ chức với những nghi thức truyền thống xưa lưu lại như: tế lễ, múa dân gian… Còn phần hội là các trò chơi dân gian như: múa lân, chơi cờ người, kéo co, đu quay…” - bà Phương cho hay.
Nét truyền thống tốt đẹp còn lưu giữ của lễ khai ấn đền Lý ngoài các nghi lễ thì còn có phần góp lễ của các làng và các khối đơn vị sự nghiệp tại địa phương thể hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, cùng một lòng chung nghĩa... Theo đó, cứ đến ngày lễ khai ấn diễn ra, từ sáng sớm người dân các làng trong xã Hà Ngọc lại chuẩn bị sẵn và cùng nhau đem lễ vật gồm xôi thịt, hoa quả đến đền thờ dâng tiến anh hùng Lý Thường Kiệt.
Lê khai ấn đền Lý được bắt đầu bằng màn trống hội, múa lân, múa dân gian, dâng xớ, hát chầu văn, lễ dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
Ông Lê Hồng Phú, Cán bộ văn hóa xã Hà Ngọc chia sẻ, lễ hội khai ấn đền Lý của địa phương tuy chưa được phục dựng lại hoàn toàn giống truyền thống xưa nhưng đã thể hiện được truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân về đạo lý “uống nước nhờ nguồn”. Đây còn là niềm tự hào của địa phương, là sự kiện quan trọng thể hiện nét văn hóa lịch sử truyền thống của xã Hà Ngọc. Chính quyền và nhân dân xã Hà Ngọc đang ngày càng nỗ lực hơn nữa để gìn giữ truyền thống của cha ông, làm sao ngày càng phát huy hơn nữa giá trị truyền thống tốt đẹp này để thêm nhiều người dân biết đến lễ hội truyền thống khai ấn đền Lý hơn nữa.
Quang Tân