"Thằng gù nhà thờ Đức Bà": Tiếng vọng của tình yêu cao cả

Dung Nhi

(Dân trí) - Ra mắt vào năm 1831 với nguyên văn tên tiếng Pháp là Notre-Dame de Paris, cuốn tiểu thuyết "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" đã nhanh chóng tạo nên tiếng vang và trở thành một kiệt tác xuất sắc, bất hủ.

Salma Hayek vào vai Esmeralda trong phim The Hunchback

Thằng gù nhà thờ Đức Bà: Tiếng vọng của tình yêu cao cả - 1

Thằng gù nhà thờ Đức Bà là tiểu thuyết "gối đầu giường" của bao thế hệ.

Tầm ảnh hưởng của Thằng gù nhà thờ Đức Bà không chỉ nằm ở phạm vi văn học mà tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo đã được chuyển thể sang sân khấu opera, ballet, kịch nói, nhạc kịch và hơn 15 phiên bản điện ảnh, từ truyền hình cho tới hoạt hình.

Nói như thế để thấy rõ rằng, Thằng gù nhà thờ Đức Bà sớm đã trở thành một câu chuyện, một hiện tượng quá đỗi phổ biến với nhiều thế hệ độc giả và khán giả.

Và dường như đã có cả một thời kỳ liên miên các nhà sản xuất phim cũng như các kịch gia sân khấu chẳng thể cưỡng lại được tiếng gọi từ Thằng gù nhà thờ Đức Bà và tất cả phải khẩn trương bắt tay vào nhào nặn nên một phiên bản mới, dưới khung nền tiểu thuyết kinh điển.

Hiện tại, có lẽ Thằng gù nhà thờ Đức Bà đã hiện hình dưới quá nhiều phiên bản khác nhau và mọi người cuối cùng đã có thể cho kiệt tác này được "nghỉ ngơi" đôi chút. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng ngồi lại và đưa ra những nghiền ngẫm bất tận về thiên tiểu thuyết xuất sắc của Victor Hugo.

Thằng gù nhà thờ Đức Bà: Tiếng vọng của tình yêu cao cả - 2

Đã có vô số những phiên bản phim khác nhau của Thằng gù nhà thờ Đức Bà.

Có một điều khá thú vị là theo nhan đề đầu tiên mà Victor Hugo lựa chọn cho đứa con tinh thần gan ruột thì dường như, chính nhà thờ Đức Bà và thủ đô Paris hoa lệ, nước Pháp mới thực sự là những nhân vật chính của tác phẩm.

Thực vậy, nhà thờ Đức Bà như một chứng nhân lịch sử bất biến, là nơi đã xảy ra một cuộc hoán đổi ngoạn mục giữa hai con người đại diện cho hai tầng lớp xã hội khác nhau, một phó giám mục Claude Frollo cao sang quyền lực và một tên gù xấu xí bị cả xã hội cự tuyệt, Quasimodo.

Đồng thời, nơi đây cũng ghi dấu và làm chứng cho tình yêu cao thượng nhưng nghiệt ngã giữa Quasimodo và Esméralda, cô gái xinh đẹp kiếm sống bằng việc biểu diễn các vũ đạo trước quảng trường của nhà thờ Đức Bà.

Bi kịch ở chỗ, sự xuất hiện của Esméralda đã kéo theo tình yêu của ba người đàn ông mà cả ba đều sai trái, vô hậu.

Người đầu tiên, đại úy Phoebus, là người mà nàng Esméralda dâng trọn trái tim. Trớ trêu thay anh chàng lại là kẻ trăng hoa, lừa dối, sớm đã có vị hôn thê và chỉ xem Esméralda như một mối tình qua đường.

Tiếp đến là tình yêu đầy cấm kị của phó giám mục Claude Frollo với Esméralda. Vốn được xem là kẻ khổ hạnh cao thượng nhưng Frollo lại không cưỡng nổi vẻ đẹp của Esméralda. Và trong con người Frollo dần ngập tràn một thứ tình cảm chiếm hữu, ích kỷ đến bệnh hoạn.

Người cuối cùng là Quasimodo, một kẻ dị dạng không ai dám đến gần, một chàng trai tật nguyền, bị tổn thương và bị cả xã hội khinh thường. Thế nhưng, chính Esméralda đã làm thức tỉnh trái tim hoen rỉ của Quasimodo và gieo vào lòng anh một tình yêu mãnh liệt, cao thượng và chẳng cần hồi đáp.

Thằng gù nhà thờ Đức Bà: Tiếng vọng của tình yêu cao cả - 3

Tình yêu của Quasimodo đẹp đẽ và cao thượng đến khó tin.

Khi nút thắt cao trào được đẩy lên đến đỉnh điểm, các nhân vật trong Thằng gù nhà thờ Đức Bà đã xô tụ lại với nhau, trong cái hỗn loạn của những âm mưu ghen tuông, mù quáng đến tuyệt vọng.

Từng nhân vật bị nhấn chìm trong các trang sách cao trào nghẹt thở để rồi bất ngờ, tình yêu vùng lên trên tất thảy như một tiếng thét gào giữa cơn bi kịch tăm tối.

Và đến khi tất cả được giải thoát, bằng sự hy sinh, thậm chí là cả cái chết, thì khúc ca cuối cùng của Thằng gù nhà thờ Đức Bà đã âm trầm vang lên. Thông qua những câu chữ sau chót ấy, ta lại thấy dư vị đắng cay man mác dâng trào của một tình yêu cao thượng, đẹp đẽ đến vô ngần.

Gina Lollobrigida trong vai nàng Esmeralda

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm