“Thảm họa” MC: Nói vội làm tội cái thân

Sau những “thảm họa” âm nhạc, thời trang, điện ảnh, gần đây xuất hiện “thảm họa MC”. Cái mác chẳng hay ho này được gán cho nhiều người, từ người có kinh nghiệm đến người mới vào nghề “cầm mic”, mà nguyên nhân cũng chỉ tại “nói vội làm tội cái thân”.

MC Cát Phượng (trái) và Phan Anh tại chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”.

MC Cát Phượng (trái) và Phan Anh tại chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”.

Hot như nghề “dẫn chuyện”

Với xu thế phát triển của ngành truyền thông, cùng sự ra đời của hàng loạt chương trình giải trí lớn nhỏ, nghề MC đang ngày càng hot và hấp dẫn chẳng kém nghề ca sĩ, người mẫu, diễn viên. Bởi lẽ, họ vừa có cơ hội được thể hiện mình, vừa tỏa sáng như những ngôi sao, đặc biệt được “sắm vai” người điều hành sự kiện, có quyền lực dẫn dụ khán giả theo ý của mình.

Việc trở thành một MC bây giờ không khó. Chỉ cần có một chút thanh - sắc hay cộng tác với các công ty truyền thông là được trao quyền dẫn chuyện và tha hồ “chạy sô” sự kiện. MC không chỉ hấp dẫn các bạn trẻ mang tham vọng được nổi tiếng, mà người đã nổi tiếng muốn có thêm cái quyền của MC nên cũng lấn sân.

Diễn viên hài làm MC với mong muốn mang đến sự tươi mới, hóm hỉnh cho nghề “cầm míc”. Người mẫu làm MC để khoe nhan sắc trên sóng truyền hình. Ai cũng biết, người dẫn chương trình đóng vai trò quan trọng thế nào đối với sự thành bại của một sự kiện, nhưng trên thực tế đang xảy ra tình trạng người người đua nhau làm MC, dù thiếu phông kiến thức nền tảng về văn hóa, đạo đức, vốn kiến thức chuyên ngành và kỹ năng ứng xử.

Một người làm truyền thông cho một công ty giải trí nổi tiếng tâm sự, để tạo sức hút cho chương trình, ban tổ chức các sự kiện thường nhắm đến những tên tuổi đang "hot" hoặc đang nổi trong làng giải trí để trao quyền dẫn chương trình. Với mục đích hút quảng cáo, gây sự chú ý với khán giả, không ít nghệ sĩ được trao cho những “chiếc áo” quá rộng, cộng thêm việc không chuẩn bị kỹ trước khi nhập vai, nên đã để xảy ra những sự cố đáng tiếc và được ví là “thảm họa MC”.

Theo một MC kỳ cựu từng dẫn chương trình “Những ước mơ xanh”, nghề MC cần 4 yếu tố: Chính xác, truyền cảm, linh hoạt, nhiệt tình. Chính xác để không nói nhầm, nói sai; Truyền cảm để hóa thân vào vai diễn của mình tốt nhất; Linh hoạt để xử lý những tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào; Và nhiệt tình để đủ đam mê, yêu nghề và trụ vững với nghề. Những điều này là hoàn toàn chính xác, nhưng nhiều người làm trong nghề cho rằng nên thêm vào đó yếu tố sáng tạo, để không biến MC thành “máy nói” trên truyền hình. Có điều, trong thời gian qua, công chúng lại chứng kiến không ít sự “sáng tạo quá đà” của người dẫn chuyện, từ việc chúc khán giả vui vẻ trong ngày quốc tang, đến việc cãi tay đôi với nhân vật khi chương trình đang phát sóng trực tiếp trước hàng ngàn khán giả.

Chỉ tại “vạ miệng” nên “tội đến thân”

Những ngày qua, dư luận “dậy sóng” khi 2 MC dẫn chương trình thảm đỏ tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội -Thái Dũng và Thùy Linh - đã có những màn giao lưu bị cho là “vô duyên”. Phải chăng vì muốn tạo không khí sôi động cho thảm đỏ, nên 2 MC của chương trình khá thoải mái trong cách dẫn chuyện, liên tục có những tiếng hú háo mỗi khi có khách mời xuất hiện, rồi vô tư chụp hình “tự sướng” cùng các nghệ sĩ khi chương trình đang lên sóng truyền hình.

Điều khiến khán giả thất vọng nhất là những màn giao lưu nhạt nhẽo mà 2 MC này thực hiện với những khách mời thảm đỏ như Lê Hoàng, Trần Bảo Sơn, Trương Ngọc Ánh… Trong khi Thái Dũng đọ kính với Lê Hoàng và “khích” Kim Lý, Trương Ngọc Ánh diễn lại cảnh hôn cháy bỏng trong “Hương Ga”, thì Thùy Linh lại khiến Trần Bảo Sơn “ngượng ngùng, nói không nên lời” với câu hỏi “nghĩ sao khi năm nay lẻ bóng trên thảm đỏ”, hay vô tư “đổi giới tính” cho nam diễn viên Khương Ngọc thành nữ diễn viên.

Rất nhiều khán giả cho rằng, MC trong sự kiện này đã “bới móc” quá đáng đến chuyện đời tư nghệ sĩ và không phù hợp để được “chọn mặt gửi vàng” làm người đón khách trong lễ khai mạc liên hoan phim. Giải thích về điều này, MC Thái Dũng cho rằng mình làm việc đó không hề phản cảm như khán giả nghĩ, lỗi là tại mọi người không “update” kịp các xu hướng dẫn chuyện tự nhiên đang được ưa chuộng trên thế giới như anh đã mang đến cho chương trình này. “Trước hết, tôi muốn nói rằng, không một sự việc nào nghiêm trọng đến mức khiến MC thảm đỏ của LHP Quốc tế Hà Nội 2014 bị gắn mác là thảm họa. Tôi nghĩ rằng, tôi và Thùy Linh đều đã cố gắng hết sức để mang đến một tinh thần thảm đỏ đúng nghĩa quốc tế. Tất nhiên, vì đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, vai trò của MC thảm đỏ được đánh giá quan trọng nên chúng tôi đã có một vài sự cố nhỏ khi lên sóng trực tiếp. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều đó không có gì to tát cả”, Thái Dũng chia sẻ với truyền thông sau khi bị khán giả “ném đá”. Còn Thùy Linh thì sượng sùng nhận lỗi, cũng tại “vạ miệng”, thao thao bất tuyệt nên mới lỡ lời.

Và những sự cố lỡ lời thời gian gần đây lại xảy ra rất nhiều với những người làm nghề dẫn chuyện. Từ khi nữ MC Yumi trong “Giọng hát Việt” yêu cầu khán giả “dành một tràng vỗ tay cho nạn nhân bão lũ” đến nay thì cụm từ “thảm họa MC” liên tục được dành tặng cho người làm nghề này. Ấn tượng nhất là "thảm họa MC" mang tên Nguyên Vũ. Anh này đã liên tiếp mắc lỗi “vạ miệng” và sơ suất khi không chuẩn bị kỹ kịch bản trước khi ghi hình. Đầu tiên, trong phần nhận xét của ban giám khảo dành cho tiết mục múa hiện đại của Trương Nam Thành, Nguyên Vũ đã "thách đố" kiện tướng dance sport Chí Anh bịt mắt nhảy chỉ vì vị giám khảo này cho rằng Nam Thành nhảy mà vẫn mở mắt. Rồi anh còn nhận “gạch đá” vì đọc sai tên người được trao giải thưởng trong đêm chung kết khiến người thì mừng hụt, người lại tẽn tò.

Một sự cố lỡ lời cũng gây xôn xao dư luận đó là việc MC của bản tin về an toàn giao thông kênh truyền hình HTV1 lỡ lời chúc khán giả truyền hình vui vẻ trong ngày quốc tang... Sự cố ngay lập tức khiến khán giả phẫn nộ và đương nhiên MC này bị “ném đá”. Để trấn an dư luận, lãnh đạo nhà đài đã phải lên tiếng và gửi lời xin lỗi tới khán giả cả nước.

Gần đây mới xuất hiện thêm “thảm họa MC” khác trong một chương trình giải trí đang hot hiện nay - Cặp đôi hoàn hảo. Sau 4 đêm dẫn cùng MC Phan Anh, nữ diễn viên Cát Phượng đã “đuối sức”, những chiêu trò gây cười chẳng còn, thay vào đó là những câu nói rời rạc, những biểu hiện “vô hồn” trên gương mặt. Mỗi lần xuất hiện, Cát Phượng đều giữ nét mặt như nhau, u buồn, có vẻ gì đó trầm trọng, giọng nói chậm và nhiều lúc không nhớ kịch bản của chị khiến khán giả ngán ngẩm. Cách gây cười với điệp khúc kêu "wéo weo wèo" trong liveshow 4 tuần qua của Cát Phượng cũng bị khán giả cho là phản cảm.

Sau những sự việc này mới thấy, nghề MC không trải đầy hoa hồng như nhiều người nghĩ, mà nó là nghề “làm dâu trăm họ”, chỉ cần sơ sẩy là nhận “gạch đá” như chơi. Những người đang, sẽ có ý định lấn sân sang nghề MC nên lưu ý rằng, không chỉ tôi luyện phần thanh - sắc mà cần cả phông kiến thức nền và am hiểu văn hóa bản địa, để có những hành động và câu nói phù hợp ngữ cảnh khi được giao “cầm trịch” trong một chương trình.

Theo Bích Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm