Tết Covid xa quê - Nhớ một khoảng trời trong ký ức

Trần Hoàng Thiên Kim

(Dân trí) - Đối với nhiều người xuất thân từ làng quê và đang có mẹ cha sinh sống ở làng quê như tôi, thì việc không trở về quê mỗi dịp Tết đến xuân về khiến Tết như thiếu đi một phong vị và gợi lại bao ký ức.

Sau 20 năm rời xa quê hương, năm nay, vì dịch Covid tôi ở lại Hà Nội đón Tết. Đối với nhiều người xuất thân từ làng quê và đang có mẹ cha sinh sống ở làng quê như tôi, thì việc không trở về quê mỗi dịp Tết đến xuân về khiến Tết như thiếu đi một phong vị và gợi lại bao nhiêu ký ức.

Tuổi thơ đẹp đẽ và bình an khiến tâm hồn chúng ta được nương náu những cảm giác gần gũi, thân quen và ấm áp. Tôi nhớ, ngày xưa do cuộc sống vất vả nên cha mẹ tôi, cũng như những gia đình khác ở thôn quê,  dù là công chức nhà nước nhưng vẫn có nghề phụ là nghề làm hương trầm bán Tết. Loại hương trầm này với các loại hương xe bột, sau đó phải phơi cho khô, thì loại hương của gia đình tôi làm, mọi thứ đã được phơi khô từ trước. Bột hương được làm từ nguyên liệu tự nhiên là các loại rễ cây hương bài, các loài cây củ quả khác như quế, hồi...

Tết Covid xa quê - Nhớ một khoảng trời trong ký ức - 1

Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim và bố mẹ.

Thời ấy, tôi dù mới là học sinh học cấp 1, cấp 2 thì bàn tay bé nhỏ của mình đã cùng cha mẹ và anh chị quấn hương nhanh thoăt thoắt. Tôi và anh chị lớn thi nhau xem ai quấn hương được nhiều nhất. Hồi ấy bột hồ dán chưa có, cha tôi lấy củ từ, khoét một lỗ và chất kết dính từ củ từ có thể làm keo dán. Anh chị em tôi quấn xong từng cây hương hương thì cha tôi sẽ bó thành từng bó mười cây một, bằng một loại giấy màu quét mực màu xanh đỏ, cắt nhỏ dán thành 3 mức, đầu cây hương, giữa cây hương và cuối cây hương.

Ngày ấy, từ tháng 11 là cả nhà tôi đã bắt đầu sản xuất hương Tết. Cả căn nhà nhỏ xinh ngập trong giấy, mùi hương liệu tự nhiên, những bàn tay thoăn thoắt và cả những tiếng cười vui trong câu chuyện của gia đình. Hồi ấy, cứ có một mẻ bột mới là tôi lại được phân công quấn cây đầu tiên để đốt lên thử mùi đã đạt độ thơm và độ cháy hay chưa.

Điều thú vị nhất của hương trầm quấn tay là lõi của cây hương được làm bằng nứa chẻ nhỏ, có cật nứa đủ độ và ngâm nhiều ngày để tạo được độ xoăn của cây hương trong quá trình cháy. Theo quan niệm, đầu năm mới, thắp một cây hương cháy xoăn từ đầu đến cuối tạo thành một vòng tròn như lò xo, thì biết rằng tổ tiên ông bà đang ấm áp nơi chín suối và năm ấy, gia chủ sẽ may mắn, đắc tài, đắc lộc. Không hiểu bằng cách nào đó, mà những cây hương của nhà tôi làm ra, khi thắp thử lên, cây nào cũng cháy xoăn tít. Mỗi lần như vậy, chúng tôi, những người làm ra cây hương ấy, đều cảm thấy trong lòng hân hoan. Có nghĩa là sản phẩm của chúng tôi, sẽ mang lại một điều hạnh phúc may mắn trong năm mới cho những người khách hàng thân yêu.

Đầu tháng Chạp, cha tôi bắt đầu những chuyến hàng ra chợ. Khác với các gia đình khác. Người phụ nữ thường sẽ là người chợ búa bán buôn. Thì trong gia đình tôi, việc bán hương là của cha tôi. Mẹ tôi chạy chợ hàng xáo, lo cơm nước trong gia đình. Còn cha tôi, sẽ là người đi bán hương Tết. Nhiều năm ròng rã như thế, năm nào cũng tháng chạp lạnh là cha tôi đóng gói hương trong một thùng sắt to, chở sau chiếc xe đạp phượng hoàng, từ sáng sớm tinh mơ, 4-5 giờ sáng, là đạp xe lên chợ Găng, chợ Rạng cách nhà 30-40 km, chợ này họp phiên, hai ngày một lần của 3 xã vùng ven thị trấn, một vùng khá hẻo lánh nhưng đông dân cư và dân cư nghèo. Hồi ấy, một nắm hương tầm 2 nghìn đồng. Cha tôi đi bán một thùng hương cỡ trăm bó, bán hết thì tầm 11-12 giờ trưa ông về đến nhà.

Bao giờ cũng thế, trở về nhà cha tôi luôn mua thức ăn hoặc quà vặt cho chị em tôi thưởng thức, khi thì cái bánh nếp, khi thì chiếc kẹo lạc... để tiếp thêm tinh thần hăng hái làm việc cho các con. Để cách nhật, sáng sớm hôm sau có đủ hương để cha tôi đạp xe lên đường.

Hình ảnh tôi nhớ nhất trong ký ức đó là trong sương sớm, cha tôi khoác chiếc áo dù mang về từ thời ông còn là chú bộ đội biên phòng, trên đầu đội một chiếc mũ cối nhà binh, chân đi một đôi ủng dài màu nâu, dắt xe bộ ra cổng nhà. Nhân việc kể chuyện cha mình là chú bộ đội, tôi nhớ mẹ tôi kể, vì cha tôi đi bộ đội vắng nhà nhiều năm liền, khi ông đi thì mẹ tôi vừa sinh anh trai, nhưng khi ông trở về anh trai tôi đã biết nói, biết chạy. Có lần cha tôi về phép mua quà cho hai con. Chị gái và anh trai tôi đang ngồi chơi thì chị gái tôi chạy đến mách: "Chú ơi, thằng này (anh trai tôi) lấy đồ của cháu".

Cũng hình ảnh chú bộ đội ấy, khi từ chợ bán hương về tới nhà, cha tôi nở nụ cười tươi, bắt dầu kể chuyện. Trong câu chuyện có hình ảnh những vị khách quen thuộc bao nhiêu năm nay đã mua hương trầm của gia đình tôi. Ai đấy đều phấn khởi khi gặp lại "ông bán hương năm ngoái" và dành những lời khen ngợi không ngớt vì hương thơm cháy đẹp. Cha tôi còn chế câu thơ vui: "Hương thơm hương cháy tận cùng/ Ai mua hương Tết thì đến ông Hàm Đà Sơn".

Công cuộc quấn hương Tết suốt cả mùa ấu thơ cũng đã một phần nào đó đỡ đần cha mẹ và anh chị em tôi qua mùa giáp hạt. Rồi anh chị lớn lên, đi học đại học, gia đình neo người, nên dần dần, gia đình tôi không làm thêm nữa. Mẹ tôi chạy chợ hàng xáo, chăn nuôi, công với đồng lương hưu của cha mẹ tôi cũng đủ trang trải. Rồi anh chị em đều lớn khôn, trưởng thành, lập gia đình, ở riêng... Nhưng mỗi lần tụ họp bên nhau ngày Tết về quê, thì cái thuở hàn vi ấy luôn được chúng tôi nhắc lại bên mâm cơm đầm ấm của ngày Tất niên, khi gia đình, con cháu, dâu rể quây quần bên nhau để vọng về những ký ức ngọt ngào, như vị trầm hương ngày Tết!

Tôi lập gia đình và sinh sống xa quê. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", năm mới tôi không về quê đón giao thừa mà thường sẽ về thăm cha mẹ sau mồng Một tết. Những ngày cùng với gia đình nhỏ của mình ở Hà Nội chuẩn bị mọi thứ để đón Tết, dù bận rộn mọi bề nhưng lòng tôi không nguôi nỗi nhớ về quê nhà.

Tết Covid xa quê - Nhớ một khoảng trời trong ký ức - 2

Tôi nhớ mọi thứ trong ký ức của mình, nhớ về tuổi thơ cùng anh chị nghịch đùa, nhớ đêm giao thừa ngày xưa lon ton ra đầu ngõ lắng nghe tiếng pháo râm ran khắp trong thôn ngoài xóm. Nhớ cái ao nhỏ trước nhà với đàn cá quẫy tung tăng buổi sáng đầu năm bình an và trong lành. Nhớ tiếng nhạc dân ca xứ Nghệ trong chiếc đài catset cha tôi mang về từ chiến trường cất lên một điệu hò đón chào năm mới.

Trong nhà tôi, mọi thứ đều mang dấu ấn thời binh nghiệp của cha tôi, dù sau này ông chuyển ngành sang làm Đài phát thanh truyền hình, song những tấm ảnh từ hồi đi bộ đội, những quyển sách, những vật dụng của cha tôi mang về từ chiến trường vẫn là những vật đồng hành cùng gia đình tôi trong cuộc sống. Bây giờ cuộc sống phát triển và đủ đầy hơn, mọi người không dùng những đồ cũ nữa, tôi đã xin cha tôi để mình được giữ lại, như một kỷ vật nuôi dưỡng tuổi thơ tôi đầy bình an, hạnh phúc.

Trong một bài thơ tôi viết tặng cha mình đã lâu, có đoạn viết:

"Con sinh ra sau những năm chiến tranh

Chỉ biết mùi đạn bom, khi những hôm trở trời vết thương cha đau nhức

mẹ gục đầu vào hai bàn tay đầy mùi dầu cao xoa khắp thân thể cha

dáng mẹ gầy, đôi vai hằn vết chai quang gánh.

Nhà mình bao năm rồi vẫn giữ chiếc bi đông cha mang về từ chiến trường

lớp men đã ố màu, nắp đã chờn ren

cái quai đeo đã đứt.

mẹ khâu lại cho con đựng nước mang theo ngày ngày vượt cánh đồng

Bàu Chai đến lớp.

bạn bè con chung nhau chia khát

bây giờ nhắc lại chẳng đứa nào quên.

Con mang theo giấc mơ của cha ra phố

mang theo cánh đồng trăng rải lúa thơm vàng

mang theo ngọn gió Lào hong chiều cháy sém

mang theo sông Lam, Miếu Già long lanh triền cát

mong vết thương cha dịu đau mỗi bận trở trời

Cha ơi,

Hà Nội của những ngày cha chiến đấu khác bây giờ

Phố đẹp, nhà sang, những con đường thẳng tắp

Đồng đội của cha ai còn, ai mất

ai tìm về với Phố Nhà binh?

Con đã đi hết những địa danh cha chú thích trên những bức ảnh ngày xưa cha và bạn bè từng đi qua

vẫn Năm cửa ô, vẫn Ba sáu phố phường

vẫn tiếng chim chuyền cành, vẫn bầu trời xanh ngắt

cả tuổi trẻ của cha... cả vết thương trở trời đau nhức...

cả những bức thư đôi khi làm con tê buốt

vẫn đồng hành cùng con theo nhịp thời gian..."