"Táo" Tự Long: "Tôi bị bố đánh phồng rộp người, từ gáy đến chân"
(Dân trí) - Cho đến bây giờ, NSND Tự Long vẫn không thể quên trận đòn đau nhớ đời ngày bé, bởi vì sự "ngỗ ngược, bỏ ngoài tai lời người lớn" của mình.
Nhắc tới đòn roi, có lẽ gần như bất cứ ai cũng từng trải qua suốt thời thơ ấu. Nhưng để hồi tưởng lại thì giờ chỉ là những ký ức đáng nhớ về ông bà, cha mẹ. Gắn liền với chiếc roi là rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" của các nghệ sĩ Việt.
Chia sẻ trong tập 8 "Ký ức vui vẻ", nghệ sĩ gắn liền với "Táo Văn hóa xã hội", NSND Tự Long cho biết ngày nhỏ, anh là đứa trẻ ham chơi, nghịch ngợm và không ít lần "ăn roi" của người thân.
"Tôi là đứa trẻ ham chơi, cứng đầu. Người lớn bảo đến lần… thứ 5 vẫn chưa nghe vào đầu. Tôi là mẫu người, mẹ trợn mắt và nói: "Con à, sao con không làm nhỉ? Em đã làm rồi", Rồi mẹ đập bàn quát: "Ơ kìa, lần mấy rồi, sao chưa làm?". Tôi cứ vâng vâng, dạ dạ khiến mẹ phải quát lên.
Với đứa trẻ như tôi thì cái roi là hữu hiệu. Bà thì hay lấy cái đũa cả để quấy cơm ấy, gõ vào đầu. Chú thì lấy đòn gánh phang tôi...
Mọi người có cảm giác, sai đứa trẻ con đi mua hành mà về khách ăn cơm xong rồi mà nó vẫn cầm hành trên tay để… đá bóng? Đấy là trận đòn roi khiến tôi nhớ nhất, giờ nghĩ đến vẫn buồn.
Một lần, tôi mắc lỗi, bố cầm thanh tre to để đánh. Tôi liền chạy quanh khu tập thể, chạy 3 vòng mà bố vẫn không đuổi kịp. Mọi người bảo: Sao bố con nhà này cứ đuổi nhau xung quanh khu này là như thế nào? Thằng kia, bố mày có đuổi được đâu mà mày chạy?
Lúc đó tôi sợ bị đánh đau thì chạy, chứ không nghĩ được bố càng chạy càng mệt. Chạy đến vòng thứ ba, tôi dừng lại. Và đó là trận đòn roi nhớ đời của tôi. Bố trút cơn giận vào trận đòn roi đó, tôi bị đánh từ gáy xuống chân, không chỗ nào là không phồng. Lúc tôi bị đánh, không ai can, còn bảo: "Cứ đánh cho nó chừa đi. Bố đánh thì phải đứng lại, đằng này chạy như thế…"
Mọi người chỉ nghĩ tôi ngỗ ngược, không nghĩ rằng chỉ vì sợ bị đau mà tôi chạy.
Sau trận đòn, tôi cởi quần áo ra, mọi người mới lấy dầu xoa cho tôi. Đối với tôi, đó là kỷ niệm buồn…"
Sau này, Tự Long cũng bị bố mẹ đánh đòn vì quá say mê… ca hát. Nam nghệ sĩ từng chia sẻ, khi bước vào Trung học cơ sở, anh không sống cùng bà nội nữa. Bố mẹ đưa anh về thị xã Bắc Ninh, sống cùng bố mẹ tại khu tập thể của Đoàn Dân ca Quan họ. Ngoài giờ học, nam nghệ sĩ và một số bạn (con của NSND Thúy Cải, nghệ sĩ Xuân Trường...) thường thập thò ở sàn tập, mải mê xem các bác, các cô đoàn chèo tập hát, rồi cùng nhau tập diễn trích đoạn Tuần ty, đào Huế, vở kinh điển của nghệ thuật chèo, được nhiều người khâm phục.
Từ thực tế khó khăn, vất vả của nghệ sĩ chèo, bố mẹ Tự Long không muốn con theo nghiệp mình. Bảo không được, có lần bố mẹ đánh Tự Long vì vẫn mê mải với ca hát…
Nam nghệ sĩ không phủ nhận, nhờ những trận đòn roi mà mình nên người, mới có một NSND Tự Long của ngày hôm nay.
Tự Long là nghệ sĩ mặc áo lính trẻ nhất được phong tặng danh hiệu NSND. Anh nhận danh hiệu khi mới bước sang tuổi 43. Ngày 15/92014, Tự Long được quyết định bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.
Trong dàn diễn viên Táo quân, anh là người duy nhất đứng trong quân ngũ. Và cũng là "Táo quân" nhận nhiều vai nhất. Trong chương trình Táo quân, một số nghệ sĩ được đóng đinh ở một vai nhất định, ví dụ như NSƯT Quốc Khánh vai Ngọc Hoàng, NSƯT Xuân Bắc vai Nam Tào và NSND Công Lý vai Bắc Đẩu…
Còn NSND Tự Long từng đảm nhận rất nhiều dạng vai, từ Táo Giao thông, Táo Văn hóa - Giáo dục, Táo Thể thao đến Táo Thổ địa, Táo Tinh thần... Ở dạng vai nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc và để lại ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả.
Về đời tư, Tự Long đang có một gia đình hạnh phúc bên người vợ giáo viên kém 12 tuổi, Minh Nguyệt cùng hai con gái đáng yêu, giống bố như đúc.
Là một người rất kín tiếng về cuộc sống riêng, nhưng qua cách Tự Long thường xuyên chia sẻ ảnh vợ con lên trang cá nhân, dành cho bà xã những cử chỉ ân cần, ngọt ngào... cũng đủ thấy nam nghệ sĩ là người chồng chăm lo, quan tâm tới gia đình.