Táo Quân 2016 động chạm đến những “vấn nạn” nào?

(Dân trí) - Trong hai ngày 29 và 30/1 vừa qua, “Táo Quân” một trong những chương trình truyền hình được chờ đợi nhiều nhất vào dịp cuối năm đã hoàn tất việc ghi hình. Trên tổng thể, “Táo Quân 2016” đậm đặc các vấn đề thời sự, tiếng cười cũng dí dỏm, sâu sắc và thú vị hơn so với trước.

Thực phẩm bẩn, đa cấp, tham nhũng...

Có thể nói, sau vài năm bị khán giả đánh giá là nhạt nhẽo, tiếng cười gượng gạo, không còn sức “chiến đấu”... thì năm nay “Táo Quân 2016” đã trở lại với sự sắc sảo vốn có của mình. Thông qua lăng kính hài hước, một loạt các vấn đề nổi cộm trong xã hội năm qua đã được “Táo Quân” đề cập đến một cách sâu sắc và đa chiều, để đằng sau mỗi tiếng cười lại là cả một câu chuyện đáng suy nghĩ đối với bất cứ ai.

Năm nay, Táo được phân chia theo 4 lĩnh vực: Táo Kinh tế, Táo Xã hội, Táo Tinh thần và Táo Giáo dục. Đây được xem là 4 lĩnh vực bao quát được tất cả các vấn đề trong xã hội.

Bắc Đẩu và 4 Táo.
Bắc Đẩu và 4 Táo.

Năm nay, bên cạnh việc chạm thẳng đến những vấn đề nổi cộm của các bộ ngành, “Táo Quân” còn gióng hồi chuông cảnh tỉnh ý thức người dân đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Những câu chuyện quen thuộc như: rau muống tưới dầu nhớt, rượu dởm chế xuất từ nước lã pha cồn... được làm mới dưới góc độ trào lộng mà thâm thuý.

Điều đáng nói là khi Ngọc Hoàng truy vấn Táo Xã hội lý do vì sao để thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường thì Táo lại thể hiện thái độ dửng dưng với điệp khúc cửa miệng “nhà em không bao giờ ăn rau nhà trồng”, “họ nhà em không bao giờ ăn thịt bò nhà bán”... Điều này phản ánh ý thức của một bộ phận người dân vì đồng tiền mà coi thường tính mạng của đồng loại. Đồng thời cũng cho thấy sự thiếu mạnh mẽ của các cơ quan chức năng đối với “quốc nạn” này. Và thực tế xót xa “chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa gần đến thế” lại tiếp tục được thốt lên để cuối cùng Ngọc Hoàng phải khẳng định thực phẩm bẩn là “quốc nạn” và không chỉ các bộ ngành mà người dân phải cùng chung tay đẩy lùi “quốc nạn này”.

Táo Xã hội bị ngộ độc rượu dởm.
Táo Xã hội bị "ngộ độc" rượu dởm.

Bên cạnh đó, “Táo Quân 2016” cũng đề cập đến nhiều vấn đề của lĩnh vực kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp trong nước bị còi cọt, yếu ớt, thấp bé... do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và các thủ tục “bôi trơn” trong nước. Từ câu chuyện này, Ngọc Hoàng cũng đề nghị cần phải “cởi trói” và tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp phát triển.

Một trong những điểm nổi bật và sắc sảo nhất của “Táo Quân 2016” chính là biến tiếng cười thành một vũ khí sắc bén để lên án thực trạng nhận đút lót, hối lộ đang gây xói mòn đạo đức, làm ảnh hưởng trầm trọng đến niềm tin của người dân. Những màn tung hứng, đối đáp của các Táo trước hoài nghi của Ngọc Hoàng về nạn hối lộ, đút lót dưới hạ giới đã mang đến những tiếng cười sảng khoái nhưng cũng rất thâm thuý.

Ngọc Hoàng tung hứng theo phong cách “ngôn tình”

Giống như thường lệ, phần âm nhạc của Táo Quân cũng luôn là một điểm được nhiều khán giả chờ đợi và yêu thích. Năm nay, khá nhiều ca khúc được đưa vào Táo quân, trong đó có những ca khúc được nhiều người biết đến như: “Vợ người ta”, “Bố ơi mình đi đâu thế”, “Em là hoa hồng nhỏ”, “Vũ điệu cồng chiêng”, “Trách ai vô tình”... Bên cạnh những ca khúc hiện đại thì âm nhạc cổ điển và những làn điệu dân gian cũng được các Táo thể hiện rất duyên dáng trong phần trò chơi ở cuối chương trình. Và không chỉ có các Táo mà năm nay Ngọc Hoàng cũng cất lời hát.

Nam Tào vào vai thủ lĩnh đa cấp.
Nam Tào vào vai "thủ lĩnh" đa cấp.

Được biết, phần âm nhạc của “Táo Quân 2016” được đầu tư rất kỹ càng với sự góp mặt của những nhạc sỹ tên tuổi như: Đỗ Bảo, Xuân Phương, ca sỹ Lê Anh Dũng...

Ngoài phần ghi hình ở trường quay, khán giả xem truyền hình năm nay sẽ không khỏi bất ngờ khi thấy Táo quân có một phần ghi hình ngoại cảnh, được lồng ghép khéo léo, áp dụng những kỹ xảo đẹp mắt, thể hiện sống động hành trình lên chầu của các Táo.

Năm nay, ngoài bộ ba “bất di bất dịch” là Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu (do NSƯT Quốc Khánh - NSƯT Xuân Bắc và NSƯT Công Lý đảm nhận) thì các vai Táo được gia: Táo Xã hội do NSƯT Chí Trung đóng, Táo Kinh tế giao cho NSƯT Quang Thắng, Táo Tinh Thần do NSND Tự Long thể hiện và Táo Giáo dục do diễn viên Vân Dung đảm vai. Đặc biệt, năm nay đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã cơ cấu đội ngũ “nhân sự thiên đình” bằng một Thiên răng vẩu do ca sỹ Minh Quân đóng và Thiên Lôi đẹp trai do diễn viên Bình Minh đóng. Đây là lần đầu tiên Bình Minh góp mặt trong “Táo Quân”.

Ngọc Hoàng có nhiều tung hứng bất ngờ.
Ngọc Hoàng có nhiều tung hứng bất ngờ.

Điều đáng nói là năm nay việc xây dựng kịch bản do nhiều thành viên cùng góp sức nhưng từ Ngọc Hoàng đến Nam Tào - Bắc Đẩu rồi các Táo và cả Thiên Lôi đều rất duyên dáng, ai cũng có đất để phô diễn tài năng. Bất ngờ nhất chính là Ngọc Hoàng – Quốc Khánh. Năm nay, Ngọc Hoàng không chỉ tung hứng và đi lại nhiều hơn mà còn hát. Chi tiết Ngọc Hoàng bất ngờ “tiếp lời” Táo Xã hội theo phong cách “ngôn tình” bằng một đoạn thoại khá sướt mướt khiến khán giả cười không thể dừng lại cũng được xem là một nét duyên khác biệt.

Khán giả cười từ đầu đến cuối chương trình.
Khán giả cười từ đầu đến cuối chương trình.

“Táo Quân 2016” cũng rất được đầu tư về trang phục. Trong suốt chương trình, riêng Táo Giáo dục - Vân Dung đã thay đến 3 bộ trang phục, Nam Tào - Xuân Bắc cũng 3 lần thay trang phục, các Táo còn lại đều có 2 bộ để làm mới hình ảnh. Riêng “cô Đẩu” Công Lý thì ngoài hai bộ trang phục được NTK Đức Hùng thiết kế riêng còn được tạo hình với mái tóc giả kèm cách trang điểm đầy xinh xắn. Được biết, để có thể hoàn thành kịp tiến độ trang phục cho Bắc Đẩu cùng một số Táo, NTK Đức Hùng đã phải huy động nhân lực làm cả ngày lẫn đêm trong suốt gần một tháng. Trong đó, trang phục của Bắc Đẩu là mất nhiều thời gian nhất bởi độ cầu kỳ và tinh tế của áo thêu tay.

Hà Tùng Long

Dòng sự kiện: Táo Quân 2016

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm