Táo quân 20 năm: Từ chương trình được săn đón đến show gây nhiều tranh cãi
(Dân trí) - Từ chương trình được nhà nhà mong ngóng, chờ đợi vào mỗi đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, "Táo quân" lại trở thành show gây nhiều tranh cãi...
Từ chương trình được khán giả mong ngóng...
Táo quân ra đời từ năm 2003, suốt 20 năm qua, chương trình đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo khán giả truyền hình Việt Nam vào mỗi thời khắc chia tay năm cũ, đón năm mới.
Nhắc đến Táo quân là người ta nói đến những vấn đề nhức nhối, những câu chuyện thời sự đáng được quan tâm đã trở thành "đặc sản" của chương trình. Nhưng trên tất cả, Táo quân vẫn là người bạn đồng hành với khán giả Việt ở mọi lứa tuổi: từ những đứa trẻ cho đến các cụ già đều có thể xem và yêu thích "Táo".
Giữa cuộc sống hiện đại với bao bộn bề, lo toan, người trẻ có những mối quan tâm của người trẻ, người lớn cũng có những lo lắng, sở thích riêng của họ... nhưng sau tất cả, chính tiếng cười và những câu chuyện của Táo quân vẫn đủ để kéo các thành viên ngồi quây quần bên nhau trước màn hình tivi... trong khoảnh khắc thiêng liêng - Giao thừa. Không quá khi nói rằng, Táo quân là chương trình "quốc dân"!?
Nhưng đó là... Táo quân của những mùa trước với những "quả" chín thơm, đậm đà, thâm thúy và nhiều dư vị. Những mùa Táo quân ấy, khi mạng xã hội chưa bùng nổ và phát triển như bây giờ, đạo diễn Khải Hưng chủ trương không né tránh điều gì: Từ nạn tham nhũng, bạo hành cho tới vệ sinh an toàn thực phẩm, từ giao thông tới điện lực, văn hóa tới giáo dục..., Táo quân chẳng ngần ngại nhắc tới.
Thông qua buổi chầu, nơi các Táo bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm, chương trình Táo quân tập trung vào phản ánh thẳng thắn, đả kích sâu cay những gì nổi cộm của xã hội, đất nước. Chương trình với cách thể hiện sáng tạo, thú vị và hấp dẫn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tiềm thức của người xem.
Khán giả quên sao được cuộc thi "Hoa Táo" của Táo quân 2009 - kịch bản dựa theo cuộc thi Hoa hậu, hay năm 2011 là "Táo Idol" theo chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol. Đến năm 2013 kịch bản lại mượn chương trình Giọng hát Việt, năm 2015 với Ai là triệu phú và Chiếc nón kỳ diệu - Vòng quay tham nhũng là câu chuyện của Táo quân 2016.
Chưa kể, đó còn là những ca khúc, những bản nhạc chế đình đám, gây sốt của Táo quân mỗi năm đến nay vẫn thu hút lượt xem khủng trên Youtube hay mạng xã hội.
Khán giả vẫn như in giai điệu bài Lụt từ ngã tư đường phố năm 2009, sau trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Năm 2011, bài hát chế Đi học với những ca từ cười ra nước mắt "Hôm qua em đến trường, bạn đánh em gần chết. Bao nhiêu bạn quay phim, cả trường em biết hết...", phản ánh nhiều vụ bạo lực học đường của ngành giáo dục. Hay năm 2013, ca khúc Hoang mang Style (cải biên từ Gangnam Style) của Táo Kinh tế Quang Thắng với câu "Một năm kinh tế buồn" vừa hài hước, vừa phản ánh thời điểm khó khăn của đất nước. Hay Y tế xinh (Con bướm xuân), Không cảm xúc của táo Điện Lực...
Những câu thoại độc đáo thành trend của Táo quân nhiều năm qua vẫn khiến khán giả ở mọi thế hệ ghi nhớ mãi về sau.
Táo quân 2016, ngoài vòng quay tham nhũng còn có rất nhiều câu thoại hài hước nhưng vô cùng thâm thúy: "Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi" hay "Nghèo bền vững, tham nhũng giữ ở mức ổn định", "Không làm gì mà vẫn giàu, chỉ có đi lừa đảo", "Người dân ăn cá urê, ăn rau dầu nhớt, uống chè phân lân", "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt", "Trước mình cần một chỗ đứng, bây giờ mình cần đứng đúng chỗ đó"…
Táo quân 2018 với những câu nói thú vị khác đã được đưa vào chương trình khiến khán giả không thể quên: "Cuộc đời thật lắm éo le, nhân sâm thì ít mà rễ tre thì nhiều", "Cầm tiền thì sợ tiền rơi. Cầm tờ A4 đời đời ấm no"...
Câu thoại "Cống rãnh mà đòi sóng sánh với đại dương, kênh mương mà đòi tương đương với thủy điện" của cô Đẩu Công Lý đến nay vẫn nằm lòng với nhiều tầng lớp khán giả.
Vì sao Táo quân ngày càng đuối, nhạt và gây tranh cãi?
Táo quân 2023 lên sóng đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão đánh dấu chương trình tròn 20 tuổi, hai thập kỷ gắn bó với mọi người, mọi nhà, mọi thế hệ khán giả - một hành trình chẳng phải là ngắn với một chương trình truyền hình. Không thể phủ nhận, Táo quân vẫn là chương trình đáng chờ đợi và ký ức đẹp của nhiều người.
Tiếc rằng, Táo quân tuổi 20 lại không như khán giả kỳ vọng. Sau khi lên sóng, chương trình nhận không ít những bình luận trái chiều thậm chí là những nhận xét chê của khán giả như: "Táo quân ngày càng nhạt", "Táo quân không có điểm nhấn, tiếng cười nhạt, nhảm", "Chương trình ngày càng chán, Tết đến không có cảm giác thích xem Táo như mấy năm trước nữa", "Táo quân không còn gì mới mẻ, nên dừng lại thôi"...
Nhà văn Song Hà cũng viết trên trang cá nhân: ''Một năm đầy biến động với hàng loạt vụ việc nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội thì không biết khai thác để tạo ra tiếng cười sâu cay cho khán giả, mà cứ bày ba cái trò thi thố táo tiếc nhí nha nhí nhố như tấu hài hội chợ miệt vườn. Chán cho các anh!''.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ bày tỏ: ''Nếu Táo Quân đơn thuần chỉ có là mua vui thì mua vui kiểu như thế này nó nhạt... Ngôn ngữ, điệu ngữ cũng cũ cũng mòn lắm rồi đấy, cười không nổi''.
Thực tế, không phải đến năm nay, khi Táo quân kỷ niệm tròn 20 tuổi, khán giả kỳ vọng nhiều, chương trình mới gây nhiều tranh cãi, mới nhận những ý kiến trái chiều. Táo quân 5 - 7 năm trở lại đây đã nhận về nhiều lời chê nhạt và đuối.
Cái sự "đuối" ấy nó thể hiện ở việc tiếng cười ngày càng nhạt, vấn đề chưa được đẩy lên cao trào, sự trào lộng bị cắt xén, hiện tượng được đưa vào câu chuyện chưa điển hình, diễn viên không có nhiều cái mới... Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng Táo quân chịu nhiều sức ép khiến chất lượng ngày càng kém đi. Vậy nguyên nhân thật sự là ở đâu?
Đề cập tới vấn đề này trong một bài phản ánh trước đây, PV Dân trí đã nhận được những chia sẻ, ý kiến của những người trong cuộc và những chuyên gia nghiên cứu về sân khấu và nghệ thuật học.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái từng cho rằng, những năm trở lại đây, chương trình không mang đến nhiều thú vị như trước. Có thể do bị "soi" nhiều quá nên ê-kíp không dám mạnh tay và cũng có thể do khán giả đòi hỏi ngày càng cao nên chưa đáp ứng kịp.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng chia sẻ rằng, Táo quân xuất hiện trên sóng VTV từ năm 2003, nếu chương trình không hấp dẫn, thú vị và không có nhiều đổi mới… chắc chắn sẽ không giữ được cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, theo vị đạo diễn được xem là "linh hồn" của Táo quân thì việc đánh giá sự hay dở của một bộ phim hay một bản nhạc còn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và trạng thái ở thời điểm thưởng thức. Bản thân người xem sẵn có những ác cảm hoặc định kiến thì dù bản nhạc hoặc bộ phim có hay đến mấy cũng khó mà hấp dẫn được.
MC Thảo Vân, người đã đồng hành với chương trình này rất nhiều năm qua cũng từng chia sẻ, chất lượng của Táo quân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là kịch bản. Kịch bản của Táo quân có năm hay, có năm chưa hay. Lý do còn nằm ở "chất liệu" là các sự kiện xã hội xảy ra trong năm đó. Chưa kể, Táo quân còn chịu sức ép từ nhiều phía. Khán giả chỉ là một trong số những sức ép mà những người thực hiện Táo quân phải đối diện.
Nói về những ý kiến trái chiều sau khi chương trình Táo quân 2023 phát sóng, mới đây, chia sẻ với PV Dân trí, MC Thảo Vân cũng cho hay, một chương trình đáp ứng được hết mong đợi của triệu triệu người là quá khó. Chính vì thế ê-kíp luôn có áp lực làm thế nào để đa số đón nhận, yêu thích. Mặt khác, MC Thảo Vân cũng cho rằng có những vấn đề rất hay chưa chắc nên nói, ngược lại có cách thể hiện hay nhưng lại chưa chắc đã phù hợp với sân khấu truyền hình.