"Tang ma, hiếu hỉ không hút thuốc" được khuyến khích đưa vào hương ước mới
Tồn tại song song với luật pháp, hương ước từng là một công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và phương thức quản lý trong xã hội truyền thống của người Việt. Hương ước ngày nay vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của làng xã Việt Nam.
Tối 20/6, tại Trung tâm văn hóa Pháp đã diễn ra hội thảo “Một số vấn đề về hương ước làng xã người Việt” với sự tham gia thuyết trình của ông Bùi Xuân Đính, Phó giáo sư, Tiến sĩ sử học, Viện Dân tộc Học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ông Đinh Khắc Thuân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hán Nôm, Viện Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Các diễn giả đã tập trung làm rõ những nội dung cơ bản của hương ước làng xã, vai trò và tác động của hương ước trong đời sống làng Việt cổ truyền…Vấn đề hương ước trong đời sống làng xã hiện nay và quá trình văn bản hóa hương ước được khán giả đặc biệt quan tâm.
Kho tàng văn bản hương ước của người Việt vô cùng phong phú, tồn tạo với các dạng thức: Hương ước cổ (soạn trước cuộc Cải lương hương chính năm 1921) -Hương ước cải lương (gắn với cuộc Cải lương hương chính năm 1921) - Hương ước mới (hiện nay).
Nội dung cụ thể của hương ước làng xã cổ truyền, do mỗi làng, tuỳ theo đặc điểm riêng, mà có những tập tục, quy ước riêng. Nội dung tập trung ở một số điều khoản liên quan đến việc tế tự, cúng lễ trong làng và xác định rõ tôn ty trật tự; ngoài ra là các điều khoản về bảo vệ (làng xóm) nông nghiệp, ruộng đồng, đóng góp với làng xóm, vấn đề khuyến khích học tập, tinh thần trọng lão...
Hương ước cải lương gồm 2 phần: Chính trị: thể chế hóa các mặt hoạt động của bộ máy quản lý làng xã và của làng xã (thu, chi ngân sách; bảo vệ an ninh…) và Phong tục (các phong tục tập quán).
Hương ước giữ một vị trí quan trọng trong đời sống làng xã, là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, để quản lí làng xã; đồng thời là biểu hiện sự dung hoà giữa tục lệ và luật pháp, giữa quyền lợi làng xã và nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực kể trên, hương ước trong làng xã người Việt cổ truyền cũng tồn tại những hạn chế như: góp phần củng cố tính cục bộ làng xã, tạo tư tưởng địa vị ngôi thứ, biến phong tục thành hủ tục, tạo ra lối sống không tuân thủ pháp luật, “phép vua thua lệ làng”,…
Còn Phó giáo sư Bùi Xuân Đính thì cho rằng: “Hương ước ngày nay thường soạn theo một mẫu chung chung nên còn cứng nhắc hóa, đơn điệu hóa. Hương ước làng xã ngày xưa quy định cụ thể trách nhiệm của từng người với cộng đồng, đề cao lợi ích, danh dự của cộng đồng. Ví dụ với trai tráng ngày xưa, nuôi lợn thờ là một việc linh thiêng, khi một thanh niên phấn đấu nuôi lợn thờ thì đổi lại họ sẽ có ruộng, gia đình họ được tham gia vào các hoạt động cồng đồng. Hương ước ngày nay chưa gắn liền với quyền lợi của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, phải để các cộng đồng làng tự chủ trong việc soạn thảo hương ước, đề cao mối quan hệ của các cá nhân trong cộng đồng làng. Hương ước dựa trên một quy chuẩn chung nhất định nhưng vẫn phải đảm bảo tính riêng biệt của từng làng, gắn với đặc điểm riêng của từng làng. Không nên biên soạn hương ước xong là cất riêng vào tủ của trưởng thôn”.
Phương Nhung