“Tâm thư” NSƯT Chí Trung gửi NSƯT Trần Hạnh khiến nhiều người rớt nước mắt

(Dân trí) - Mới đây, NSƯT Chí Trung đã viết một bức “tâm thư” rất xúc động gửi NSƯT Trần Hạnh khi đến thăm ông tại cửa hàng ở 16 Trần Quý Cáp (Hà Nội). “Tâm thư” này đã khiến không ít khán giả ngẹn ngào bởi cảnh đời đáng thương cũng như những lời lẽ tha thiết của một bậc hậu sinh đối với bậc tiền bối.

Nhắc đến NSƯT Trần Hạnh là người ta nhớ ngay đến những vai diễn khắc khổ của ông trên truyền hình. Đã khá lâu rồi, vì tuổi cao và sức yếu nên NSƯT Trần Hạnh không đóng phim nhiều như trước. Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc đời, những vai diễn và nhân cách sống của ông thì vẫn được giới nghệ sỹ lần khán giả mến mộ nhắc tới thường xuyên.

Theo NSƯT Chí Trung thì vợ của NSƯT Trần Hạnh mất cách đây đã 5 năm. Ông có hai người con trai, một anh bị tai nạn giao thông nằm liệt một chỗ đã nhiều năm, một đã có gia đình riêng. Ngoài ra, ba cô con gái của ông đều đã có gia đình và đều là cán bộ nhà nước. Công việc hàng ngày của ông hiện tại là chăm sóc cậu con trai bị liệt và phụ giúp con dâu bán hàng tạp hóa ở gần ga Trần Quý Cáp (Hà Nội).

NSƯT Chí Trung đến thăm NSƯT Trần Hạnh tại cửa hàng của ông ở Trần Quý Cáp. Ảnh: PCT.
NSƯT Chí Trung đến thăm NSƯT Trần Hạnh tại cửa hàng của ông ở Trần Quý Cáp. Ảnh: PCT.

Mặc dù cuộc sống của ông không đến nỗi khó khăn vì ông vẫn có lương hưu nhưng người ta luôn thương cảm với người nghệ sỹ này bởi dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn phải chăm sóc con trẻ. Mới đây, đích thân NSƯT Chí Trung đã viết một “tâm thư” khá xúc động gửi cho NSƯT Trần Hạnh nhưng thực chất cũng là chia sẻ cho mọi người biết rõ hơn về cảnh đời của ông trong những năm tháng tuổi già. NSƯT Chí Trung viết: “Gửi người chú mà cháu kính yêu!

Đến thăm vào 8h sáng đã thấy chú bộn bề công việc giữa đống giầy dép quần áo ngổn ngang trong gian hàng chật hẹp của ga B Hà nội.

Yêu mến chú từ những năm 80, khi cháu mới chập chững bước chân vào nghề biểu diễn. Khi đó chú đã là một trong những cây đa cây đề của ngành sân khấu. Cháu thầm học hỏi từ nơi chú lối diễn bình dị, nhẹ nhàng "diễn mà như không".

Đi làm phim vài lần, chứng kiến phong cách giản dị khiêm nhường, cháu càng học hỏi nhiều hơn từ nhân cách sống của một nghệ sỹ lớn.

Bẵng đi nhiều năm lao vào cuộc vật lộn mưu sinh, trôi theo dòng "trụ hạng" của toàn thể sân khấu miền Bắc cho đến gần đây đọc mấy bài báo về chú, bỗng cảm thấy tâm hồn xao xuyến khi nhớ về một “Idol” của thuở hàn vi và lần tìm đến 16 Trần Quý Cáp thấy chú vẫn vậy, với nụ cười hiền hậu tuy đã bước qua 86 mùa xuân.

Chú Trần Hạnh ơi...!

Không lẽ là nghệ sỹ cứ phải chịu cảnh nghèo vào cuối đời sao? Cứ phải đi chiếc xe máy cà tàng con gái tặng cho đã 12 năm có lẻ. Và châm lửa thâm trầm đốt hai bao thuốc lá rẻ tiền để nuốt vào lòng những mặn chát của cuộc đời. Để rồi lặng lẽ cười hiền khi cháu hỏi về những công danh phẩm hàm mà không bao giờ có được khi với lòng tự trọng, người nghệ sỹ già đó không cất lời hỏi xin.

Thế hệ chúng cháu khác chú! Chúng cháu rất rạch ròi trong hợp đồng biểu diễn và không bao giờ để mình lâm vào cảnh khi hát xong cứ loanh quanh đợi tiền cho dù rất ít ỏi như bố cháu, NSND Quý Dương từng kể cách đây chục năm chỉ với ba trăm ngàn đồng thù lao. Không thấy người tổ chức nào xuất hiện, ông lủi thủi đi về mà chả dám cất lời hỏi ai bởi cái danh dự nghệ sỹ không cho phép ông hạ mình mở miệng.

Đã theo kiếp "con tằm nhả tơ", ai cũng hiểu mình sẽ làm gì cho cuộc đời và bản thân sẽ được thỏa mãn những khát vọng gì. Nhưng mấy ai sinh ra trên đời lại an phận chịu mãi cảnh phải vật lộn kiếm sống cho đến tận năm tháng cuối cùng vì đã trót vấn vương nghiệp diễn.

Dù cho chú không bằng lòng khi nói về khó khăn của bản thân trước công chúng, chỉ thần tượng nghệ sỹ lúc ánh đèn sân khấu sáng lên. Còn trở về đời thường, họ cũng lầm lũi, lo toan và chẳng hề được miễn giảm bất cứ thứ gì khi chìm mình trong đời sống. Nhưng cháu vẫn viết ra những dòng này để những người yêu mến chú, như cháu và nhiều anh chị khác sẽ có những hành động thiết thực mong "giữ một niềm yêu".

Và cháu sẽ tìm những tấm lòng vàng đó, cùng với cháu, sẽ làm chú cảm thấy cuộc đời này còn những giá trị cao đẹp, mà vì điều đó, chúng ta đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình”

Đừng giận cháu nhé, chú Trần Hạnh ơi...”.

Ngay khi bức thư này được NSƯT Chí Trung chia sẻ với một vài người bạn và đăng trên trang cá nhân thì đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm.

Anh lý giải rằng, NSƯT không hoàn toàn thiếu tiền vì chỉ có nhu cầu hút hai bao thuốc một ngày. Ông cũng không bia rượu gì cả. Nhưng anh thấy cần phải làm gì đó để tri ân ông và cũng để cho chính mọi người thấy đời còn nhiều giá trị tốt đẹp qua việc cùng chung tay làm một việc ý nghĩa.

Nhiều người góp ý với NSƯT Chí Trung là nên thành lập một quỹ dành cho các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn vì ngoài nghệ sỹ Trần Hạnh còn nhiều người nữa. Tuy nhiên, nghệ sỹ Chí Trung cho rằng, anh không thể đảm đương được trọng trách lớn lao này vì anh không phải nhà từ thiện chuyện nghiệp. Anh chỉ làm những gì khi thấy con tim mình mách bảo là “đúng”.

Nhiều năm nay, NSƯT Trần Hạnh mưu sinh bằng công việc bán hàng. Ảnh: PCT.
Nhiều năm nay, NSƯT Trần Hạnh mưu sinh bằng công việc bán hàng. Ảnh: PCT.

Một khán giả cũng góp ý rằng: “Anh Chí Trung thật là có lòng nhưng tôi nghĩ cách làm của anh không thật sự hay. Theo như anh kể thì bác Trần Hạnh rõ ràng không cần sự giúp đỡ của ai. Hơn nữa bác còn khỏe mạnh để bán được hàng, còn minh mẫn và cười tươi thế kia là cũng mãn nguyện và hạnh phúc rồi. Nếu quả thực quầy hàng là của bác, và hàng ngày bác vẫn phải bán hàng thì đó không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm vui, cũng như sự tự hào và hãnh diện của bác (ở vào tuổi của bác, còn lao động được để kiếm ra tiền bằng nghề tay trái là rất đáng hãnh diện với những người đồng niên đấy).

Tại sao lúc nào mọi thứ chúng ta cứ qui đổi ra tiền, qui chiếu bằng tiền nhỉ? Tiền đúng là cần thiết và quan trọng nhưng không phải nó có quyền lực vô biên, cũng không phải lúc nào cũng đem lại niềm vui và hạnh phúc, nhất là đối với một người đầy tự trọng như bác Trần Hạnh.

Thiết nghĩ sao anh Chí Trung không hô hào vận động mọi người qua mua hàng ủng hộ bác Trần Hạnh có phải rất thú vị hơn không? Quầy hàng của bác cũng bán đủ thứ linh tinh trên đời, tuy không phải hàng hiệu hàng "xịn" gì nhưng ít ra vẫn có giá trị sử dụng, với một số người nào đó.

Các bạn qua mua rồi mang về đem cho, đem tặng ai đó cần, hoặc giữ làm kỷ niệm cũng được. Thậm chí đề nghị bác ký vào món đồ, có phải cả người bán và người mua đều vui không.

Sẽ có nhiều bạn sẽ vội vàng đặt ngay câu hỏi: "Tôi ở xa, lại không có thời gian thì làm sao mua?" Chuyện nhỏ các bạn ạ, thời buổi này mua bán online, ship hàng đi khắp nơi cực kỳ đơn giản. Anh Chí Trung đứng ra lập một shop online "NS Trần Hạnh"chẳng hạn, và ủy thác cho các bạn (thấy có rất nhiều bạn bảo chỉ có tấm lòng nhưng không có tiền ấy) có nhiệm vụ chụp ảnh hàng của cửa hàng lên, nhận tiền chuyển khoản, đi mua (phải là mua thật, thậm chí cần ảnh chụp, video làm bằng, v.v) và ship hàng. Thậm chí cắt % hoa hồng cho các bạn ấy để khỏi mất công mất thời gian nhiều quá cũng là điều chấp nhận được. Nếu chuyện như vậy xảy ra, dám chắc quầy hàng của bác Trần Hạnh liên tục hết hàng và "cháy hàng", chắc bác sẽ vui lắm, vì tự nhiên công việc làm ăn buôn bán phát đạt”.

Theo NSƯT Chí Trung thì những điều mà mọi người góp ý đều rất hợp lý và nhân văn nhưng vì ở thời điểm này bản thân anh cảm thấy chỉ có thể làm được những việc nhỏ nên anh sẽ cân nhắc việc này.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm