Hà Nam:

Tấm bia cổ gần 900 năm tuổi ở chùa Long Đọi Sơn

(Dân trí) - Toàn bộ tấm bia cổ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo, phản ánh mỹ thuật và kỹ thuật thời Lý đạt đến đỉnh cao rực rỡ. Cùng với đó là một bài minh trên bia phản ánh văn chương thời Lý với lối văn biền ngẫu cầu kỳ, phức tạp, mang đặc trưng của văn chương thời Lý.

Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh 900 tuổi được đặt ở chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Theo lịch sử còn ghi chép lại, bia Sùng Thiện Diên Linh do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tác và ngự đề. Bia được dựng vào ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (năm 1121).

Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh 900 tuổi được đặt ở chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh 900 tuổi được đặt ở chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Bia Sùng Tiện Diên Linh nằm Chùa Long Đọi Sơn cách thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 8 km về hướng Bắc. Tương truyền, chùa Long Đọi Sơn nằm trên thế đất Cửu Long, bởi lẽ toàn cảnh núi Đọi trông xa giống như một con rồng đất lớn nằm giữa một dải đất rộng bằng phẳng của vùng chiêm trũng, đầu núi Đọi hơi nhô cao về hướng Thăng Long. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy 9 con đường, sông chạy về giống như 9 con rồng. Mắt rồng là 9 cái giếng hiện nằm xung quanh dãy núi Đọi trong các khu dân cư, dưới chân núi.

Thành bia hình chữ nhật; cao 2,5m; rộng 1,75m; dày 0,3m. Trung tâm trán bia tạo một khung ô hình chữ nhật khắc nổi tên bia, chữ cỡ lớn theo lối chữ phi bạch do vua Lý Nhân Tông ngự đề. Hai bên ô chữ tạo thành hai góc nhọn đều đối xứng, bên trong trang trí đăng đối đồ án rồng chầu vào tên bia, gồm hai con rồng.

Rồng có ba chân đạp mây vươn về phía trước, mỗi chân đều có khuỷu và ba móng. Xung quanh rồng tạo thành những dải mây hình lửa đan xen quanh chân rồng. Trên lưng rồng lớn là một con rồng chầu nhỏ uốn lượn nằm dàn trên bốn khúc lượn của rồng lớn, tạo nên một đôi rồng ổ (mẫu tử). Thân rồng cuộn khúc uốn lượn thuôn dần đến cuối đuôi trùng khít với phần diềm của trán bia. Mình rồng tròn trơn uốn lượn mềm mại hình sin, các khúc uốn lượn phình to nhưng co lại gần nhau, đều đặn thon dần về đuôi.

Ngoài ra, hai bên thành bia trang trí khá độc đáo, mỗi bên tạo 9 ô quả trám vuông hình cạnh 8cm, nối tiếp nhau. Hai góc bên quả trám tiếp giáp với rìa cạnh, góc trên, góc dưới nối tiếp nhau tạo thành một băng trang trí khép kín từ trên xuống dưới.

Bệ bia cũng được làm bằng đá hình bầu dục; cao 50cm; dài 2,4m; rộng 1,8m. Hai mặt trên bệ bia chạm khắc 4 con rồng uốn lượn trong mấy núi sông nước. Phần bệ bia tiếp giáp với nền, xung quanh tạo thành hai lớp hoa văn sóng nước. Lớp trên tạo sóng nước hình quả núi, mỗi sóng nước có ba ngọn cao thấp khác nhau. Xen giữa các ngọn sóng là ba gợn sóng hình vòng cung. Lớp dưới tạo thành sóng nước hình cung cũng gồm ba lớp sóng.

Mặt trước của bia khắc tổng số 4.257 chữ Hán là một bài minh văn phản ánh các đức tính cao cả, tốt đẹp của vua Lý Nhân Tông, phản ánh tinh thần sùng Phật của Đại Việt thời Lý, phản ánh một nghi lễ và lễ hội đặc sắc của thời Lý
Mặt trước của bia khắc tổng số 4.257 chữ Hán là một bài minh văn phản ánh các đức tính cao cả, tốt đẹp của vua Lý Nhân Tông, phản ánh tinh thần sùng Phật của Đại Việt thời Lý, phản ánh một nghi lễ và lễ hội đặc sắc của thời Lý

Mặt trước của bia khắc tổng số 4.257 chữ Hán. Trán bia được khắc với tên “Đại Việt quốc đương gia Đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi” do chính nhà vua Lý Nhân Tông ngự đề theo lối chữ phi bạch, chia thành 7 hàng dọc mỗi hàng hai chữ.

Lòng bia khắc bài ký, bài minh và dòng lạc khoản do Nguyễn Công Bật giữ chức Triều liệt Hình bộ Thượng thư, Binh bộ Viên ngoại lang, Đồng tri phiên công viện chủ sự vâng sắc chỉ soạn. Lý Bảo Cung giữ chức Hữu Thị lang, Thượng thư Công bộ, Viên ngoại lang Đồng tri Thẩm hình viên sự, Thượng khinh sa Đô úy, Tử kim ngư vâng sắc chỉ viết chữ.

Nội dung minh văn phản ánh các đức tính cao cả, tốt đẹp của vua Lý Nhân Tông, phản ánh tinh thần sùng Phật của Đại Việt thời Lý, phản ánh một nghi lễ và lễ hội đặc sắc của thời Lý. Đây cũng là văn bản gốc duy nhất còn lại của thời Lý, trong đó, có nói đôi chút về Kinh đô Thăng Long như Đoan Môn, Cấm Thành, chùa Diên Hựu (chùa Một Cột).

Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 2599/QĐ-TTg công nhận Bia Sùng Thiện Diên Linh là Bảo vật quốc gia
Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 2599/QĐ-TTg công nhận Bia Sùng Thiện Diên Linh là Bảo vật quốc gia

Minh văn bia còn trực tiếp miêu tả tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý với nhiều chi tiết đặc sắc mà ngày nay ta không còn thấy được. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu tháp Lý, Phật giáo Lý,…

Trải qua gần 900 năm, bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh dù còn khá nguyên vẹn về hình dạng nhưng cũng đã nhuốm màu thời gian. Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 2599/QĐ-TTg công nhận Bia Sùng Thiện Diên Linh là Bảo vật quốc gia.

Ngoài bia Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi Sơn vẫn còn lưu giữ rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật ở các giai đoạn sau như: Tượng Quan Âm Thị Kính, tượng Dị Lặc bằng đồng nặng 1 tấn đúc vào 1864, toàn bộ pho tượng được đặt vào thế ngồi thoải mái…bộ mặt được diễn tả thành công thể hiện sự no đủ, vui tươi...

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm