Huế:

Tấm ảnh ngai vàng ở điện Thái Hòa bị “kẻ lạ” ngồi lên là... ảnh giả

(Dân trí) - Hình ảnh một nam thanh niên ngồi lên ngai vàng - bảo vật quốc gia tại Điện Thái Hòa (thuộc Đại Nội Huế) được đăng tải trên các trang mạng xã hội mới đây đã khiến nhiều người bức xúc. Thực hư hình ảnh này thế nào?

Chiều 29/11, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, vừa qua, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh một nam thanh niên ngồi trên ngai vàng tại di tích Thái Hòa Điện gây phẫn nộ trong cộng đồng. Cho đến thời điểm này, lượng độc giả đọc tin này và phản ứng cũng đã rất lớn. Vì vậy, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chính thức trả lời vấn đề như sau:

Thứ nhất, di tích Thái Hòa Điện luôn có 2 bảo vệ canh phòng cẩn mật 24/24 với những nguyên tắc rào chắn rất khắt khe, vì vậy việc “vượt rào” để tiếp cận ngai vàng là một hành động vô cùng khó.

Thứ hai, trên Cảnh Môn (chi tiết màu vàng ở phía sau ngai vàng) vẫn còn hiện rõ họa tiết Lưỡng Long Chầu Nhật, và họa tiết đó trên hình là phần hậu cảnh. Nếu như vậy, hình ảnh người ngồi trên ngai phải thật sự rõ hơn họa tiết trên Cảnh Môn bởi đây là chủ thế của bức ảnh, hoặc nếu xét tương quan thì phần người ngồi trên ngai là tiền cảnh so với Cảnh Môn. Nếu như vậy, chí ít thì phần khuôn mặt của người đó hoặc phần cúc áo phải rõ hơn các họa tiết trên Cảnh Môn.

Thứ ba, phần tay trái đặt trên ngai nếu để trong tư thế như vậy thì phần đầu rồng của tay vịn bên trái phải được xuất lộ. Tuy nhiên trong hình này, bàn tay trái lại che khuất phần tay vịn đó. Đây là một lỗi chỉnh sửa không được tinh vi lắm.

Thứ tư, bức ảnh này đã qua xử lý để độ phân giải ảnh (photo resolution) còn rất thấp (93KB) làm bức ảnh mờ nhòe đi nhằm che đi những lỗi chỉnh sửa ảnh hoặc khuôn mặt của chủ thể bức hình nhằm khỏi bị điều tra cặn kẽ.

Bức ảnh thanh niên ngồi trên ngai vàng ở Điện Thái Hòa phóng to thì không thấy rõ chi tiết khuôn mặt và nhiều nét đã chỉnh sửa bằng Photoshop
Bức ảnh thanh niên ngồi trên ngai vàng ở Điện Thái Hòa phóng to thì không thấy rõ chi tiết khuôn mặt và nhiều nét đã chỉnh sửa bằng Photoshop

TS. Phan Thanh Hải trả lời Dân trí: “Đến thời điểm này, sau khi tìm hiểu và phân tích số liệu của bức hình bằng công nghệ kỹ thuật số, Trung tâm khẳng định đây là ảnh giả, có chỉnh sửa. Đây là bức hình được xử lý trên máy tính Apple vào lúc 03 giờ 41 phút 57 giây ngày 25/1/2012 bằng phần mềm xử lý ảnh Photoshop 3.0. Trong hình có sử dụng thuật khử nhiễu ảnh (khử noise). Nếu chúng ta quan sát kỹ sẽ thấy mặt ảnh rất láng, đặc biệt là ở mái tóc cậu bé đứng phía trước trong bức ảnh. Thông thường người xử lý ảnh dùng kỹ thuật này để làm láng và mềm da mặt, xóa bớt nếp nhăn trên da, phải chăng kỹ thuật này được dùng để làm nhòa nét trên mặt của chủ thể?

Chúng tôi chưa tìm hiểu được động cơ chính của tác giả bức hình là như thế nào nhưng đã nắm được một số chi tiết về tác giả, và sẽ điều tra rõ mọi việc để thông tin đến mọi người. Chúng tôi cũng cam kết sẽ tìm hiểu cặn kẻ để công bố danh tính của người đã thực hiện hành vi vu khống và bôi nhọ hình ảnh di sản này”.

Chiếc ngai vàng nằm ở gian giữa của điện Thái Hòa, Đại Nội Huế thuộc Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO công nhận hiện là một cổ vật độc bản cực kỳ quý giá, gắn với sự thăng trầm của vương triều phong kiến cuối cùng. Chiếc ngai này gắn với việc vua Dục Đức đọc chỉ dụ vua Tự Đức xong thì bị các quan đại thần hạch tội; triều đình tranh luận với Pháp để quyết định có hay không chính quyền bảo hộ Pháp được đi vào cổng giữa Ngọ Môn; hay từ thời đầu triều vua Nguyễn tại Huế như vua Gia Long, Minh Mạng tất cả vua đã ngồi trên ngai vàng này…

Bảo vật quốc gia - ngai vàng ở Điện Thái Hòa
Bảo vật quốc gia - ngai vàng ở Điện Thái Hòa
Ngai vàng Huế ở Điện Thái Hòa được bảo vệ rất cẩn mật, và cấm chụp ảnh toàn bộ nội thất Điện Thái Hòa (ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)
Ngai vàng Huế ở Điện Thái Hòa được bảo vệ rất cẩn mật, và cấm chụp ảnh toàn bộ nội thất Điện Thái Hòa (ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)

Căn cứ qua nhiều tư liệu lịch sử và các ảnh do chính quyền Pháp chụp lại từ đời vua Đồng Khánh trở đi thì vẫn đây là chiếc ngai vàng nguyên gốc từ thời các vua Nguyễn. Chiếc ngai vàng và cả bửu tán bên trên được mạ bằng vàng ta rất quý, hiện đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Theo nguyên tắc xưa, chỉ có vua mới được ngồi lên ngai vàng này. Riêng hiện tại chiếc ngai được bảo vệ cực kỳ cẩn mật với các vành đai bảo vệ xung quanh, và cấm chụp ảnh toàn bộ đối với không gian Điện Thái Hòa có ngai vàng này.

Đại Dương - Văn Dinh