Tại sao việc đạo nhái và vay mượn ý tưởng trong thời trang đáng bị lên án? | Báo Dân trí

Tại sao việc đạo nhái và vay mượn ý tưởng trong thời trang đáng bị lên án?

Mi Vân

(Dân trí) - Trong thời trang, việc lấy cảm hứng từ một cá nhân hay trường phái để sáng tạo không hiếm gặp. Tuy nhiên, ranh giới giữa lấy cảm hứng và ăn cắp ý tưởng gây không ít tranh cãi.

Gần đây, câu chuyện về chiếc váy của hai chị em Kendall và Kylie Jenner vướng nghi vấn đạo nhái đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Người tạo nên chiếc váy này là Haixi Ren, một nhà thiết kế người Trung Quốc sinh ra tại Mỹ. Cô sở hữu thương hiệu riêng có tên là REN. 

Theo Haixi, tác phẩm của cô được làm bằng tay và 100% không có chất thải ra môi trường. Chiếc váy có tên là "Hoa oải hương" và lấy chủ nghĩa trừu tượng làm nguồn cảm hứng. Haixi thực sự bất ngờ khi trên mạng xuất hiện một chiếc váy giống hệt thiết kế của cô nhưng lại không phải là sản phẩm do REN tạo nên. Điều này khiến cộng đồng mạng tranh cãi và bất bình về việc đạo nhái ý tưởng thời trang.  

Tại sao việc đạo nhái và vay mượn ý tưởng trong thời trang đáng bị lên án? - 1

Kendall và Kylie diện thiết kế của Ren (Ảnh: rencorporation).

Chiếc váy Hoa oải hương của REN không phải là thiết kế duy nhất trong giới thời trang bị nghi đạo nhái. Bộ đầm có chi tiết cúp ngực lạ mắt do nhà thiết kế trẻ Sohee Park cũng bị nhiều ngôi sao đạo nhái. Kể từ khi ra mắt nhãn hiệu cùng tên mình - Miss Sohee, nhà thiết kế 26 tuổi luôn có ý thức bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng vải tái chế, và được sự ủng hộ của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Cardi B, Miley Cyrus và Bella Hadid. 

Những câu chuyện đạo nhái trong thời trang hay "ăn cắp chất xám" không còn hiếm và thậm chí trở thành một vấn nạn. The Fashion Law cho rằng vấn đề nằm ở việc chưa có luật cụ thể, nghiêm khắc đối với tình trạng này. 

Người bị chỉ trích hay bị tố đạo nhái ý tưởng trong giới thời trang có thể lý giải bằng cách giải thích: "Đó chỉ là một sự trùng lặp ý tưởng" và cho rằng người tố cáo hiểu nhầm khi nhìn thấy sáng tạo của họ có nhiều nét tương đồng với các nhà mốt quốc tế. Bởi thực tế cho thấy, sự giống nhau trong thời trang vốn không phải là chuyện hiếm thấy. 

Tuy nhiên, việc trùng lặp ý tưởng và vay mượn cảm hứng gần như tuyệt đối lại là hai câu chuyện riêng biệt. "Ăn cắp" là sao chép y chang hình dáng, thiết kế, ý tưởng còn "lấy cảm hứng" là biến nguồn cảm hứng đó thành một thứ hoàn toàn mới. Nhưng thực tế cho thấy, việc tạo nên một sản phẩm hoàn toàn mới từ một thứ sẵn có không dễ dàng. 

Đạo nhái, vay mượn cảm hứng trở nên phổ biến trong giới thời trang

Ngày nay, gần như ở bất cứ thị trường quốc gia nào, người tiêu dùng thời trang cũng có thể "theo đuổi" phong cách của các nhà mốt danh giá hàng đầu thế giới với chi phí "vừa túi tiền". Điều này khiến cho ngành copy các sản phẩm thời trang trở nên phổ biến.  

Từ sàn diễn thời trang đẳng cấp quốc tế tại những kinh đô thời trang tới các nhãn hiệu thời trang bình dân được yêu thích, việc đạo nhái hay tạo nên các sản phẩm thời trang gần giống hệt không còn hiếm. Những cuộc tranh cãi và nghi vấn "đạo nhái" vì thế xảy ra thường xuyên hơn. Các cuộc kiện cáo vi phạm luật sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp thời trang đôi khi còn bị nhầm tưởng là một chiến dịch marketing. 

Năm 2018, mạng xã hội và các nền tảng thương mại trực tuyến của Old Navy đã hứng chịu một cơn thịnh nộ từ dư luận. Nguyên nhân là những người theo dõi Instagram của nhà thiết kế Carrie Anne Roberts (người sáng lập thương hiệu quần áo Mẹ & Bé ở Anh, Mère Soeur), cho rằng Old Navy đang bày bán trên thị trường toàn cầu một mẫu áo sao chép ý tưởng từ sản phẩm graphic tee của Mère Soeur. Hơn nữa, giá bán của Old Navy chỉ bằng một nửa so với sản phẩm của Mère Soeur. 

Tại sao việc đạo nhái và vay mượn ý tưởng trong thời trang đáng bị lên án? - 2

Bộ đầm có chi tiết cúp ngực của nhà thiết kế Sohee Park (Ảnh: Ariana Grande).

Thương hiệu Forever 21 cũng nghi ngờ copy những chiếc áo phông tôn vinh nữ quyền của thương hiệu Word ở Los Angeles. Năm 2017, Zara cũng khiến dư luận xôn xao khi bị tố đạo nhái sản phẩm sneaker của Balenciaga với mức giá chỉ bằng một nửa. 

Nhà mốt Chanel cũng đã dính phải một cáo buộc sao chép. Năm 2015, nhà thiết kế người Scotland - Mati Ventrillon đã rất ngạc nhiên khi thấy những sản phẩm dệt kim Fair Isle mà nhóm thiết kế Chanel mua từ bà cho mục đích nghiên cứu được trình diễn tại một show của thương hiệu thời trang này. 

Sau khi Mati Ventrillon bày tỏ phản ứng không hài lòng về tình huống này, Chanel đã ngỏ lời xin lỗi và tuyên bố đưa tên Mati Ventrillon vào các thông tin truyền thông, công nhận bà là nguồn cảm hứng cho các mẫu thiết kế hàng dệt kim trong bộ sưu tập Paris in Rome Métiers d'Art 2015/2016.

Nguyên nhân khiến việc copy ý tưởng trở nên phổ biến trong thời trang là do chưa có chế tài hay luật pháp nghiêm ngặt ngăn chặn việc này. Sự phản ứng với việc đạo nhái dường như chỉ dừng lại ở việc tẩy chay, chỉ trích của các tín đồ thời trang hay những người tạo nên thiết kế bị đạo nhái. 

Tại sao việc đạo nhái và vay mượn ý tưởng trong thời trang đáng bị lên án? - 3

Nhà tạo mốt nổi tiếng Elsa Schiaparelli (Ảnh: Vogue).

Elsa Schiaparelli, một trong những nhà tạo mốt thành công nhất những năm đầu thế kỷ 20, từng nhận định về sự độc nhất vô nhị trong thời trang: "Thời trang được sinh ra từ những sự kiện, xu hướng xã hội hay thậm chí là chính trị, nhưng không bao giờ được tạo ra bằng những nếp gấp và đường viền nhỏ, đồ trang sức hay các món quần áo dễ sao chép, cũng không định nghĩa được qua những chiếc váy ngắn hay những chiếc váy dài". 

Tại sao việc đạo nhái trong thời trang đáng bị lên án?

"Thời trang có phải là một loại hình nghệ thuật cần được bảo vệ, hay chỉ đơn thuần là một phương tiện truyền thông thay đổi liên tục nhằm kích thích sự mô phỏng các xu hướng phổ biến?" chính là câu hỏi và chủ đề bàn bạc của tác giả Alissandra Burack, một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ trong ngành thời trang và được xuất bản trên tạp chí Jeffrey S. Moorad Sports Law.

Theo Alissandra, các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ hiện hành đối với ngành thời trang chỉ là bảo vệ mang tính trang trí, bề mặt và chưa có sức mạnh. 

Ở một số quốc gia châu Âu, các thiết kế thời trang có thể được bảo hộ và thương hiệu đạo nhái có thể bị đưa ra tòa. Tuy nhiên, luật pháp hiện tại chưa khiến những người đạo nhái phải chịu trách nhiệm thực sự trước pháp luật. Về mặt đạo đức, việc ăn cắp chất xám của người khác là hành động đáng lên án. 

Tờ Forbes từng nhận định, người làm giả thiết kế là một trong những tội phạm lớn nhất thế giới. Không chỉ là hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ, nó còn khiến danh tính thương hiệu đi xuống cũng như gây ra tổn thất thương mại đáng kể.

Chủ sở hữu đích thực của các thiết kế đã lao động, sáng tạo và thực hiện công phu, trải qua bao nhiêu bước mới có một bộ sưu tập hoàn hảo. Trong khi đó, một số cá nhân chỉ cần sao chép, thay đổi một số chi tiết đã có thể cho ra đời một thiết kế long lanh ngang ngửa nhưng với mức chi phí mềm hơn. 

Tại sao việc đạo nhái và vay mượn ý tưởng trong thời trang đáng bị lên án? - 4

Hot girl xứ Hàn Song Ji A bị tẩy chay và đánh mất sự nghiệp vừa vụt sáng sau khi bị tố dùng đồ nhái (Ảnh: Instagram).

Người nổi tiếng bị "bóc mẽ" mặc đồ nhái trên mạng xã hội có thể mất các hợp đồng quảng cáo, thậm chí bị "tẩy chay". Đây chính là trường hợp của hiện tượng thời trang và hot girl mạng xã hội Hàn Quốc - Song Ji A.

Người đẹp 9X trở nên nổi tiếng hơn sau khi tham gia show truyền hình hẹn hò Địa ngục độc thân (năm 2022) nhưng con đường thành ngôi sao của cô kéo dài không lâu. Song Ji A bị chỉ trích vì bị tố cáo mặc hàng hiệu nhái trong các video hot trên mạng xã hội và kênh YouTube cá nhân. 

Sau đó, Song Ji A phải lên tiếng công khai xin lỗi, xóa tất cả nội dung có sự xuất hiện của hàng giả, bao gồm hơn 100 bức ảnh Instagram và khá nhiều video trên YouTube đồng thời gửi lời xin lỗi đến những nhãn hàng đã bị ảnh hưởng. Một loạt hợp đồng tham gia sự kiện và show truyền hình của Song Ji A cũng bị hủy. Sự nghiệp vừa hứa hẹn tỏa sáng của Song Ji A đã bị dập tắt bởi bê bối mặc đồ hiệu nhái. 

Theo Vogue/Refinery29/Vox