Tại sao truyền hình thực tế “làm mưa làm gió” khắp châu Á?

(Dân trí) - Không chỉ tại Việt Nam mà tại nhiều nước Châu Á khác, những chương trình truyền hình thực tế mua lại bản quyền của phương Tây cũng đang “làm mưa làm gió”. Tại sao những chương trình này lại có thể gây sốt đến thế?

Mới đây, tờ nhật báo Straits Times (Singapore) đã có bài viết đề cập đến việc tại sao ở nhiều nước Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, người xem truyền hình lại thích những chương trình truyền hình thực tế mua lại bản quyền đến vậy.

Có thể kể tới hàng loạt những chương trình thực tế của phương Tây như Got Talent, Next Top Model, MasterChef, Dancing with the Stars (Bước nhảy hoàn vũ), Idols (Thần tượng âm nhạc), The Voice…

Tại sao truyền hình thực tế “làm mưa làm gió” khắp châu Á?


Tại sao những nhà sản xuất chương trình truyền hình ở Châu Á lại sẵn sàng trả cả “đống tiền” để được quyền thực hiện lại những chương trình này trong khi họ hoàn toàn có thể tự sáng tạo ra những chương trình giải trí của riêng mình?

Straits Times đã thử tìm hiểu bằng cách thực hiện những cuộc phỏng vấn “ba bên”, gồm các nhà sản xuất, người chơi, và người xem để thực sự hiểu những chương trình này có điều gì đặc biệt để gây sức hút lớn đến vậy.

Đối với người xem, theo Straits Times, người xem Châu Á thích những chương trình thực tế mua lại bản quyền của nước ngoài bởi họ tìm thấy nét tương đồng, gần gũi với nội dung chương trình. Những chương trình này được sản xuất tại Châu Á, để phục vụ đối tượng người xem Châu Á, vì vậy, sẽ tạo được sự cộng hưởng tốt đối với khán giả.

Chẳng hạn chương trình Next Top Model, người xem sẽ được thấy những sắc vóc của nước mình, những xu hướng thời trang, trang điểm thân thiện với ngoại hình của chính mình, điều đó khiến người xem dễ bị hấp dẫn.

Đối với những chương trình mua lại bản quyền, phần lớn đều là những chương trình đã được biết tới tại nhiều nước trên thế giới, vì vậy, người xem sẽ biết trước diện mạo, format của chương trình, họ sẽ biết mình đang mong chờ xem cái gì. Họ sẽ hình dung được trước “tầm vóc” của chương trình, và chờ đợi thêm những sáng tạo mới của ê-kíp sản xuất bản địa.

Tại sao truyền hình thực tế “làm mưa làm gió” khắp châu Á?


Khi người xem được nghe tới những địa danh quen thuộc, nhìn thấy những gương mặt thí sinh và giám khảo bản địa, những tài năng của nước mình, họ cảm thấy chương trình gần gũi hơn hẳn. Điểm trừ duy nhất của những chương trình kiểu này, đó là dễ bị đem ra so sánh với bản gốc.

Đối với nhà sản xuất chương trình truyền hình, việc mua lại bản quyền một chương trình truyền hình thực tế ăn khách của nước ngoài có thể khá tốn kém, nhưng ngược lại, khả năng thu hồi vốn khi sở hữu bản quyền format một chương trình đã gây được tiếng vang cũng rất cao, vì vậy, cuộc đầu tư là xứng đáng và không quá mạo hiểm.

Việc sản xuất lại một chương trình nổi tiếng của nước ngoài, để dành riêng cho thị trường truyền hình nội địa, khiến khả năng thành công gần như được đảm bảo, bởi format của chương trình đã được kiểm nghiệm và chứng minh là hấp dẫn ở nhiều nước khác từ trước đó.

Các nhà sản xuất lúc này không còn phải mạo hiểm với một format chưa được kiểm chứng qua thực tế. Nhiệm vụ còn lại của nhà sản xuất chỉ là tiếp nối thành công đã sẵn có và tạo nên những điểm nhấn thú vị mới cho phiên bản của mình để thu hút khán giả bản địa.

Tại sao truyền hình thực tế “làm mưa làm gió” khắp châu Á?


Việc sử dụng một format chương trình nổi tiếng cũng khiến khán giả, đơn vị quảng cáo, đơn vị tài trợ hình dung ra ngay nội dung chương trình, giúp nhà sản xuất có được nhiều thuận lợi trong khâu quảng bá.

Những người xem vốn đã biết tới chương trình từ những phiên bản của nước ngoài cũng ngay lập tức bị thu hút bởi phiên bản nội địa. Đây là một lực đòn bẩy, dựa trên danh tiếng sẵn có, để tạo nên sự thu hút chú ý ngay từ đầu.

Điểm trừ đối với nhà sản xuất là bên cạnh chi phí bản quyền đắt đỏ, họ còn bị giới hạn về mức độ “gia giảm” sáng tạo trong chương trình. Ngoài ra, nếu nhà sản xuất không có được kinh phí cần thiết để sản xuất chương trình sao cho tương xứng với tầm vóc phiên bản gốc, họ sẽ gặp khó bởi người xem vốn đã có những hình dung ban đầu về quy mô, diện mạo của chương trình.

Đối với các thí sinh


Đối với các thí sinh, những chương trình thực tế mua lại bản quyền của nước ngoài vốn được coi là đường băng hoàn hảo để nhanh chóng đưa họ trở thành người nổi tiếng, thành những ngôi sao.

Đối với tất cả các thí sinh, việc tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng, đã được khẳng định về thương hiệu và chất lượng, đồng nghĩa với việc họ có thể quảng cáo hình ảnh bản thân một cách hiệu quả nhất, do chương trình vốn đã đạt tỉ suất người xem cao, lại thu hút sự chú ý của cả những người hoạt động trong giới làm nghề.

Bích Ngọc
Theo Straits Times