Tại sao đôi khi chúng ta “không thích” năm mới đến?
(Dân trí) - Tại sao có những người hồ hởi đón năm mới, và có những người thì… không?!
Đêm giao thừa là một khái niệm tồn tại trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Đối với người phương Tây, đêm giao thừa của họ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới dương lịch. Khoảnh khắc ấy cũng thiêng liêng không khác gì khoảnh khắc giao thừa âm lịch của người dân nhiều nước phương Đông.
Thú vị hơn thế, tâm lý của người phương Tây cũng không khác gì người phương Đông; cũng có những người háo hức chờ đón giao thừa, chờ dịp nghỉ lễ dài ngày với hàng loạt những cuộc tiệc tùng; và cũng có những người “sợ” khoảnh khắc giao thừa, sợ kỳ nghỉ lễ dài ngày với nhiều áp lực chuẩn bị. Điều này thậm chí đã trở thành đề tài nghiên cứu tâm lý học.
Giám đốc phòng khám tâm lý MindMovers Psychology (nằm ở Sydney, Úc) - cô Jaimie Bloch - đã lý giải tại sao có hai nét tâm lý trái ngược này trong đời sống văn hóa đại chúng.
Có một điều chung nhất, đó là đêm giao thừa luôn được khắc họa như một thời khắc quan trọng nhất dịp đầu năm mới, với rất nhiều xúc cảm thăng hoa, khi đó người ta ngắm pháo hoa, nâng ly chúc mừng, bật nhạc, cười nói và chúc tụng… Mặc định tâm lý chung cho khoảnh khắc ấy phải là những kỳ vọng đẹp đẽ nhất khi người ta đứng trước một năm mới vừa mở ra trước mắt.
Chuyên gia tâm lý Jaimie Bloch cho rằng ở khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, có những người vui sướng lâng lâng với nhiều niềm hy vọng về điều mới mẻ, và ngược lại cũng có những người bỗng cảm nhận một sự trầm lắng lạ thường trong nội tâm, họ không sung sướng, hồ hởi đón đợi năm mới mà có nhiều nét tâm lý đan xen, mâu thuẫn, chộn rộn…
Bạn cảm thấy những áp lực từ đời sống công việc và gia đình
Thời điểm cuối năm có thể tạo nên những áp lực khác hẳn với những áp lực khác xuất hiện trong suốt cả năm.
Bạn cảm thấy áp lực cần phải hoàn tất mọi công việc còn dở dang ở chỗ làm trước khi năm cũ kết thúc, chỉ riêng việc này thôi đã có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng hơn mỗi khi nhìn vào đồng hồ hay cuốn lịch. Ngoài ra, còn có nhiều kiểu áp lực khác đến từ đời sống gia đình khi năm mới đã cận kề.
“Những áp lực này có thể đến từ việc quản lý tiền bạc, lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm đón năm mới, rồi việc phải lên lịch đi thăm người thân, họ hàng. Những áp lực liên quan tới với việc “đối nội, đối ngoại” trong các mối quan hệ bỗng cùng lúc “ập” tới và đều cần được xử lý chu đáo”, chuyên gia tâm lý Jaimie Bloch đánh giá.
Bạn sợ thay đổi
Thời khắc giao thừa và năm mới thường gắn liền với hình dung về một chặng đường mới, khởi đầu mới, vận hội mới… Chính điều này lại khiến nhiều người cảm thấy lo lắng về sự thay đổi, những thách thức đang chờ đợi phía trước.
“Những hình dung về năm mới có thể khiến nhiều người lo lắng bởi những áp lực vô hình”, cô Bloch nhận định. Chính những kỳ vọng về thay đổi trong công việc, trong cuộc sống lại càng khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, bồn chồn.
Tất cả chúng ta đều phải tỏ ra mình đang vui vẻ, hạnh phúc
“Không chỉ có những kỳ vọng lớn được đặt ra vào dịp năm mới, mà tất cả chúng ta còn đều cần thể hiện sự vui tươi, hạnh phúc, viên mãn, phải bày tỏ sự quý mến, gắn bó với người thân, bạn bè vào dịp đặc biệt này”, cô Bloch nhận xét.
Chuyên gia tâm lý khẳng định rằng chính những cuộc gặp gỡ, hội ngộ dịp đầu năm mới có thể càng làm nhấn mạnh cảm giác thiếu gắn kết của chúng ta trong một số cuộc giao tế, nếu chẳng may chúng ta có những mâu thuẫn, bất đồng với người thân hay bạn bè. Và khi những điều “lợn cợn” đó vẫn còn tồn tại, nó sẽ âm thầm khiến cho cuộc gặp trở nên khó xử, gượng gạo.
Qua nhiều khảo sát tâm lý, chuyên gia Jaimie Bloch nhận thấy rằng, chính vào dịp đầu năm mới, nhiều người lại âm thầm giấu trong lòng mình những xúc cảm như buồn bã, cô đơn, giận dữ hoặc nuối tiếc…
Bạn kỳ công chuẩn bị quá nhiều
Chính những người kỳ vọng quá nhiều lại là những người dễ bị thất vọng: “Một lý do quan trọng trong việc tại sao ngày càng có nhiều người bày tỏ rằng họ không còn phấn khích đón năm mới nữa, chính là bởi cảm giác mệt nhoài sau tất cả những sự chuẩn bị kỳ công, cũng như những nỗi lo lắng đã diễn ra từ nhiều ngày trước đó.
“Nghiên cứu lý do tại sao xuất hiện một hiện tượng khá phổ biến, rằng nhiều người không còn háo hức đón năm mới nữa, chúng tôi phát hiện ra rằng đa số những người này đã dành quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để lên kế hoạch, chuẩn bị đón năm mới, họ quá cầu kỳ và chu toàn, chính điều này lại khiến họ dễ cảm thấy mệt nhoài và mất hứng về sau”.
Làm thế nào để chúng ta có thể vui vẻ đón năm mới?
Giải pháp để chúng ta cảm thấy việc đón năm mới trở nên thú vị, chính là hãy giảm bớt những kỳ vọng, để mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, không cần quá cầu kỳ chuẩn bị, khiến bạn bị hao tổn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, để đến mức cứ mỗi dịp năm mới đến lại cảm thấy lo lắng và… sợ.
“Khi bạn không đặt ra những kỳ vọng quá cao cho dịp nghỉ lễ này, bạn sẽ thấy niềm vui dễ dàng tìm đến. Ngoài ra, bạn cũng không cần phải đặt ra quá nhiều áp lực cho bản thân, rằng phải hoàn thành tất cả mọi việc trước khi năm mới đến. Không có gì là hoàn hảo. Hãy để chừa cho mình khoảng thời gian để… thở. Càng bớt căng thẳng, bạn sẽ càng cảm thấy vui hơn trong dịp bận rộn này của năm”.
Bích Ngọc
Theo Unilad/Daily Mail