Tác giả "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" qua đời
(Dân trí) - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thông báo Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết qua đời sáng 20/7, hưởng thọ 95 tuổi.
Trước thông tin Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết qua đời, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ:
"Nhà văn Nguyễn Trần Thiết là người tôi nghĩ chỉ có hai hành động chính trong suốt cuộc đời mình: Một là ngước mắt lên để nhìn cuộc sống, hai là cúi xuống để viết.
Nhà văn Nguyễn Trần Thiết không chỉ là một nhà văn mà ông là một người chép sử. Trong văn của ông chứa đựng sự thật, nhiều sự kiện quan trọng của đất nước mà ông tham dự và nhiều nhân vật đặc biệt của lịch sử mà ông tiếp xúc.
Ông đã ra đi, tựa như một người tạm ngừng viết, khép cửa và đi thăm bạn bè. Ông sẽ quay lại với căn phòng và bàn viết của mình không ở kiếp này thì chắc chắn sẽ ở kiếp sau".
Nguyễn Trần Thiết là tên khai sinh, đồng thời là bút danh, sinh ngày 1/5/1929 tại thôn Tự Nhiên, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1986).
Nguyễn Trần Thiết từng là chiến đấu viên rồi chính trị viên đại đội thuộc đại đoàn chủ lực 312 có mặt ở nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1953, ông làm phóng viên mặt trận báo Quân đội nhân dân và công tác ở tờ báo này cho đến năm 1989, về hưu với quân hàm Đại tá, nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Hơn 60 năm cầm bút, đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết là tác giả của gần 100 cuốn sách. Hương vị đời sống thực tỏa ra ngay từ các tên sách và sức hấp dẫn của văn chương Nguyễn Trần Thiết cũng là ở chỗ đó. Tiểu thuyết và ký sự của ông thỏa mãn nhu cầu độc giả được tiếp cận nghiêm nhặt với cái thật ở ngoài đời.
Có thể điểm qua những nhan đề sách của ông như: Chiến công thầm lặng, Gia đình biệt động, Nữ tướng Phunrô, Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z, Viên chuẩn tướng, Mặt trận không tiếng súng, Truy tìm ổ quỷ, Hành trình đồng đôla, Theo bước chân thần tốc, Cơn lốc Trường Sơn, Ông tướng tình báo và hai bà vợ, Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng...
Trong đó, cuốn tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ ra mắt năm 2010, được bạn đọc hưởng ứng nồng nhiệt. Sau đó, cuốn tiểu thuyết được đạo diễn, NSƯT Bùi Cường dựng thành phim (29 tập), đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc.
Tiểu thuyết Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng, cuốn tiểu thuyết thứ 93 của nhà văn đã được tái bản nhiều lần, được giới thiệu ở Anh, Mỹ, Pháp và được dựng phim với qui mô cả trăm tập.
Sinh thời, chia sẻ về quá trình viết tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ, nhà văn từng cho biết: "Không biết các nhà văn khác thai nghén tác phẩm thế nào, còn tôi, khi viết tác phẩm này, tôi tự đặt câu hỏi: Người xưa đã để lại cho đời những áng văn chương ghi lại những tấm gương bất hủ về tình cảm vợ chồng như Tống Trân - Cúc Hoa, trong khi cuộc sống ngày hôm nay có bao nhiêu kỳ tích tương tự, vậy tại sao mình không viết?".
Nguyễn Trần Thiết là phóng viên đã từng hỏi cung bại tướng De Castrie năm 1954 ở lòng chảo Điện Biên, ông cũng lại là người đã phỏng vấn Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn ngày 30/4//1975.
Khi nghe một phóng viên đặt câu hỏi: "Giữa hai lần tiếp xúc với De Castries và Dương Văn Minh, ông thấy có gì khác nhau?", lão nhà văn gật đầu, tủm tỉm: "Khác nhau. Một đằng là lòng chảo Điện Biên trắng xóa màu trắng cờ đầu hàng của giặc Pháp. Một đằng là sắc cờ đỏ tươi thắm rực rỡ tràn ngập phố phường đô thành Sài Gòn!".
Năm 2000, ông bị một trận tai biến mạch máu não, đột quỵ, phải cấp cứu và điều trị dài ngày. Tuy nhiên, ông vẫn miệt mài sáng tác, ở tuổi 80 ông không ngừng sáng tác và ra mắt các tác phẩm mới.