Tác giả “Không số phận” đã qua đời
(Dân trí) - Nhà văn người Hungary gốc Do Thái Imre Kertesz, tác giả của hai cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang tiếng Việt - “Không số phận” và “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”, vừa qua đời tại nhà riêng ở tuổi 86.
Nhà văn người Hungary gốc Do Thái - Imre Kertesz - đã vừa qua đời ở tuổi 86 trong ngày hôm qua (31/3). Tác phẩm đầu tay mang tính định hình tên tuổi của ông là cuốn tiểu thuyết “Không số phận”, được viết ở ngôi thứ nhất, gần như là một cuốn tự truyện, kể về hành trình sống sót của một cậu thiếu niên trong trại tập trung thời kỳ Đức Quốc xã.
Tác phẩm được viết dựa trên những trải nghiệm có thật của chính tác giả. Nhà văn Imre Kertesz từng giành giải Nobel Văn chương năm 2002.
Công ty xuất bản Magveto Kiado đã cung cấp thông tin ban đầu về sự ra đi của nhà văn. Người ta cho biết rằng ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, ở thành phố Budapest vào sáng sớm ngày thứ 5 (31/3) sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.
Ủy ban trao giải Nobel năm 2002 đã nói về Kertesz là một nhà văn khắc họa thành công “sự thật tối thượng” - sự thật về mức độ tàn ác mà con người có thể lún sâu vào đó. Kertesz là nhà văn Hungary đầu tiên giành được giải Nobel Văn chương dù trước đó Hungary đã từng có những nhà khoa học giành được giải thưởng hàn lâm cao quý này.
Sau khi giành được giải thưởng quan trọng, Kertesz đã dành gần một thập kỷ sau đó để lưu lại Berlin, Đức, tại đây, ông đã sáng tác những tác phẩm văn chương cuối cùng trước khi quay trở về Budapest và chịu đựng những triệu chứng của bệnh Parkinson xuất hiện ngày một rõ rệt, kể từ đó, ông hiếm khi rời khỏi nhà.
Sinh ra ở Budapest năm 1929, Kertesz đã bị đưa tới trại tập trung Auschwitz (Ba Lan) năm 1944. Kertesz, lúc này vẫn còn đang ở tuổi thiếu niên, còn một lần nữa bị chuyển qua trại tập trung Buchenwald ở miền đông nước Đức. Cuối cùng, năm 1945, Kertesz và những người Do Thái khác đã được trao trả tự do sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại.
Trở về Hungary, Kertesz đã cố gắng trở thành một phóng viên nhưng rồi mất việc vào năm 1951. Nhìn chung, những tác phẩm của Kertesz, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết đầu tay “Không số phận”, đều được viết dựa trên những trải nghiệm có thật của chính ông tại trại tập trung Auschwitz, nơi có hơn một triệu người Do Thái bị sát hại.
Kertesz giành được giải Nobel Văn chương cũng chính vì ông “đã viết và nâng tầm những trải nghiệm của một cá nhân lên thành diện mạo của một trang lịch sử dã man, tàn bạo”.
Trong cách miêu tả nỗi thống khổ của những con người vô tội tại trại tập trung Auschwitz, Kertesz đã cho thấy ông là “một trong rất ít người có thể miêu tả mà ngay lập tức chạm tới lương tri, cảm giác của người đọc, những người chưa từng kinh qua những điều kinh khiếp đó”.
Được viết trong khoảng thời gian từ năm 1960-1973, cuốn “Không số phận” thoạt tiên bị từ chối xuất bản nhưng sau đó, đến năm 1975, cuốn tiểu thuyết đã ra mắt công chúng Hungary.
“Không số phận” có nhiều nét tương đồng với cuộc đời tác giả Imre Kertesz bởi cũng như nhân vật thiếu niên trong cuốn tiểu thuyết, ông đã từng sống trong trại tập trung năm 15 tuổi. Tuy vậy, Imre Kertesz đã may mắn sống sót dù đã bước chân vào những địa ngục trần gian như trại tập trung Auschwitz hay Buchenwald.
“Không số phận” là một tác phẩm đầy sức nặng và cũng đầy ám ảnh, miêu tả một thế giới khủng khiếp dưới sự thống trị của chủ nghĩa Phát-xít, trong đó con người bị tước đoạt số phận...
“Không số phận” là một tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn học Hungary. Giọng văn lạnh lùng, thông tin đưa ra chi tiết, sự trào lộng đầy bi kịch đã mang lại cho “Không số phận” sức nặng văn chương và giá trị lịch sử, đồng thời tạo nên một phong cách không thể bắt chước của Imre Kertesz.
Chia sẻ về cuộc đời mình trong những năm tháng sống trong trại tập trung, Kertesz từng nói: “Khi còn là một đứa trẻ ai cũng sẽ có những niềm tin nhất định vào cuộc đời. Nhưng khi những thứ kinh khiếp như trại tập trung Auschwitz xảy đến, tất cả mọi thứ đều sẽ trở nên vụn vỡ.
Bạn không thể tưởng tượng được niềm hạnh phúc vỡ òa khi được cho phép nằm một lúc trong trạm xá của trại tập trung, hay chỉ đơn thuần là được nghỉ 10 phút sau những giờ lao động khổ sai. Ở gần sát với cái chết cũng là một thứ hạnh phúc bởi khi đã sống sót vượt qua tất cả, bạn sẽ trải nghiệm được sự tự do vĩ đại nhất cuộc đời”.
Bên cạnh nghề báo, Kertesz còn từng là một dịch giả, ông đã dịch các tác phẩm của nhà triết học người Phổ Friedrich Nietzsche, nhà thần kinh học người Áo Sigmund Freud, nhà triết học người Áo Ludwig Wittgenstein, và nhà văn người Áo Elias Canetti (sang tiếng Hungary).
Ngoài “Không số phận”, Kertesz còn thực hiện nhiều cuốn tiểu thuyết khác nối tiếp đề tài về nạn diệt chủng người Do Thái, về chính quyền độc tài chuyên chế, về sự tự do cá nhân… trong hai thập niên 1980-1990. Những cuốn sách này đưa lại cho Kertesz sự kính trọng trong giới văn chương nhưng không được nhiều độc giả đón nhận.
Chính giải Nobel đã thay đổi điều đó, khiến những đầu sách của ông bắt đầu được người yêu văn chương trên khắp thế giới tìm đọc. Một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác của ông có thể kể tới “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” (1990). Tác phẩm là một sự tiếp nối đầy cay đắng của “Không số phận” và góp phần đưa Kertesz lên tới đỉnh cao văn chương.
Tác phẩm khắc họa nỗi thống khổ tột cùng của con người. “Sau Lò Thiêu, người ta sống như thế nào?”. Câu hỏi này đã được Kertesz trả lời bằng một áng văn chương đậm tinh thần tôn giáo, một bài kinh cầu, để khẳng định rằng không có một “hậu Auschwitz” nào hết, ai đã trải qua cuộc sống trong trại tập trung thì suốt đời sẽ phải sống tiếp với nó, với cái bóng của sự hủy diệt không chỉ bao trùm lên quá khứ mà còn rợn ngợp cả vào tương lai.
Cuộc sống riêng của Kertesz khá kín đáo, ông trải qua hai cuộc hôn nhân và gắn bó với người vợ thứ hai cho tới tận những ngày tháng cuối đời.
Bích Ngọc
Tổng hợp