Tạ Bích Loan và những câu chuyện linh thiêng trên dòng sông Thạch Hãn
(Dân trí)- Chương trình Quảng trị- Sáng mãi niềm tin chiến thắng đã gây xúc động mạnh với khán giả. Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ với phóng viên Dân trí những câu chuyện hậu trường đầy xúc động, như cách chị nói "Đó là sự kết nối kỳ diệu của lịch sử..."
Trò chuyện với phóng viên Dân trí sáng 28/7, nhà báo Tạ Bích Loan dường như vẫn còn xúc động. “Ngay từ khi bắt đầu chương trình, tôi đã rưng rưng nước mắt. Chúng tôi thực sự cảm thấy tự hào khi được làm những chương trình như thế này. Trong cuộc đời làm nghề, chỉ có một vài cơ hội như thế thôi. Chúng tôi đã có cả quá trình rất lâu chuẩn bị cho chương trình. Tôi có cảm giác, quá trình chuẩn bị ấy giống như một câu chuyện được kết nối, được xâu chuỗi, được “lắp dây” một cách kỳ diệu. Đó là hành trình trở về quá khứ đầy kỳ lạ của những người thực hiện chương trình”- nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.
Không ai biết, từ hầm trú ẩn bị đánh sập trong một trận đánh khốc liệt ở Quảng Trị năm 1972, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Đao đã tìm được đường sống. Khi biết được thông tin về chương trình Quảng trị- Sáng mãi niềm tin chiến thắng chuẩn bị làm chương trình kỷ niệm 40 năm chiến thắng thành cổ Quảng trị, ông Nguyễn Thanh Đao đã viết thư cho chương trình, trong thư ông đã chia sẻ thêm thông tin ông biết được về hai chiến sỹ thông tin bị vùi lấp dưới hầm bên cạnh.
Hai chiến sỹ thông tin đã hy sinh ấy là Thiều Quang Chiến và Nguyễn Văn Tờ. Bằng sự may mắn khác, những người thực hiện chương trình tìm ra được cựu chiến binh Trịnh Đình Chiến- một chiến sỹ thông tin cùng đơn vị với hai liệt sỹ đã hy sinh.
Tìm về với gia đình liệt sỹ Thiều Quang Chiến, những người thực hiện chương trình Quảng Trị- Sáng mãi niềm tin chiến thắng đã thu thập được nhiều câu chuyện cảm động. Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ “Đó cũng là một câu chuyện rất xúc động với chúng tôi. Chúng tôi được biệt, liệt sỹ Thiều Quang Chiến xung phong đi bộ đội khi còn đang học lớp 9. Anh là con trai duy nhất trong nhà. Anh được cả nhà cưng chiều, nhất là mẹ. Sau khi nghe tin con trai hy sinh, mẹ anh đã rất suy sụp. Như câu chuyện từ người cháu gái đã kể, bà nhìn thấy một đám mây cũng mong mưa sẽ không rơi làm ướt con trai bà, nghe tiếng sấm bà cũng tưởng là bom, và mong bom sẽ không rơi vào anh…”.
Theo nhà báo Tạ Bích Loan, khi thực hiện chương trình về 81 ngày đêm huyền thoại ở thành cổ Quảng Trị, chị dường như đã được tham gia vào một cuộc hành trình khám phá quá khứ, và từ đó, tìm ra được những giá trị mới.
“Ví như chuyện về hầm Binh Chủng, chuyện đó ai cũng đã biết và bản thân tôi cũng đã nghe. Nhưng quả thật, tôi chưa hiểu hết câu chuyện. Cho đến khi chúng tôi gặp những cựu chiến binh như ông Thanh Đao, ông Trịnh Đình Chiến, tôi mới hiểu câu chuyện một cách chi tiết và rõ nét hơn. Nhìn vào câu chuyện ấy, chúng ta mới thấy hết được sự thật bên trong của cuộc chiến khốc liệt, khủng khiếp tới mức nào. Và họ- những người lính ở thành cổ năm 1972 ấy, họ biết là họ sẽ hy sinh, họ biết chắc điều đó khi nhìn đồng đội hy sinh trước mắt mình mỗi ngày… Và họ sẵn sàng đón nhận cái chết, để quê hương, tổ quốc được hồi sinh. Điều đó khiến những người thực hiện chương trình chúng tôi đã khóc vì tự hào”- Nhà báo Tạ Bích Loan tâm sự.
Nhà báo Tạ Bích Loan kể thêm về quá trình dựng sân khấu trên mặt sông Thạch Hãn gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Nhưng, để chương trình thực sự có dấu ấn, ê-kíp thực hiện vẫn quyết tâm làm. Khi sân khấu đang được xây dựng, trời bỗng nhiên đổ bão.
“Sáng hôm ấy tỉnh dậy nghe tin bão, tôi sợ quá. Sân khấu chúng tôi vừa dàn dựng với màn hình Led, dàn đèn… vô cùng tốn kém và vất vả. Tôi nghĩ, có lẽ bão đã thổi bay sân khấu mất rồi. Nhưng khi ra hiện trường, chỉ có một góc sân khấu bị vỡ. Cũng đúng vào hôm ấy, Phó Thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân có ghé thăm, tôi có nói với Phó Thủ tướng về việc sân khấu bị vỡ, bác Nhân nói “Mọi chuyện sẽ tốt thôi, chắc chắn chúng ta sẽ được các liệt sỹ phù hộ”. Cũng từ hôm đó, trời yên bể lặng. Và chúng tôi đã hoàn tất được việc xây dựng sân khấu trên sông Thạch Hãn”- Nhà báo Tạ Bích Loan kể lại.
Tại sao, câu chuyện ở Quảng Trị năm ấy lại luôn khiến chúng ta xúc động hết lần này đến lần khác, hết năm này qua năm khác? Tại sao bao nhiêu năm trôi qua, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị vẫn thiêng liêng đến thế? Và tại sao, chỉ cần nhắc đến tên thành cổ Quảng Trị thôi là chúng ta đã có thể rơi nước mắt vì tự hào?”