Sức mạnh “thần kỳ” của âm nhạc Trịnh Công Sơn sau 15 năm ông đi xa
(Dân trí) - Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) là một trong ít nhạc sĩ Việt Nam được hát nhiều nhất thế kỉ XX. Về số lượng ca khúc của ông, qua lượng người biết đến, đủ mọi thế hệ, lứa tuổi... rộng khắp trong và nước ngoài.
Song tôi nghĩ chưa một ai, dù là giọng ca gắn nhất với sự nghiệp ông, người ruột thịt, công chúng hâm mộ, kẻ mê Trịnh cuồng si được nghe tất thảy các sáng tác của ông, cũng chưa ai hát hết được những ca khúc đó.
Không phải bởi số lượng chúng quá nhiều, không phải bởi người say mê không đủ sức lực, sự si đắm, mà bởi nhạc Trịnh quá đầy. Những khuông nhạc và lời quyến luyến thiết tha, niềm yêu cuộc sống. Đại văn hào Tây Ban Nha M. Cervantes có câu bất hủ: “Bất cứ số phận nào cũng tìm thấy trong tình yêu một chỗ dựa”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến cuộc đời này như một thiên sứ, mang phẩm hạnh nghệ thuật, ông yêu đời, yêu âm nhạc và truyền tỏa nhân rộng tình yêu ấy cho tha nhân. Mọi thân phận đều có thể tìm thấy trong nhạc Trịnh sự an ủi và hi vọng, thánh thiện và mộng ước, đức tin và tái sinh. Về ca từ, nhiều bài tách ra là những bài thơ hay. Nếu tập hợp ca từ Trịnh Công Sơn in sách, chắc chắn đấy là một tập thơ có sức nặng.
Sinh thời, không biết Trịnh có nghĩ đến điều đó không? Con người tài hoa ấy đã dồn toàn bộ tinh lực vào âm nhạc. Người ta vẫn nói âm nhạc không biên giới bởi sức mạnh thần kì của nốt nhạc, nhưng “từ trường” Trịnh Công Sơn phủ sóng vượt đại dương, với khán giả gốc Việt ở các châu lục, với công chúng quốc tế, đặc biệt ở Nhật Bản. Chính nhờ ca từ đẹp được viết từ thiên lương của nghệ sĩ đã vẽ tâm hồn mình bằng màu sắc và ánh sáng. Ca từ giàu hình ảnh, tính triết lí, chất thơ phóng khoáng, siêu thực.
Ông còn viết nhạc phim, ca khúc thiếu nhi, nổi trội nhất là tình ca. Những bài tình ca đâu chỉ cho giai nhân, cho những cuộc tình... mà cho khát vọng hòa bình, bác ái. Những lời ru để thức sống tận hiến từ thể xác gầy gò, mỏng manh ấy. Những khuông nhạc tuôn ra thành con đường bất tận làm ông thành bất tử. Không có chữ “cố” nào đặt trước tên ông sau 15 năm ông đi xa, vì những suối nhạc ảo diệu của ông lúc nào cũng trong mạch sống người yêu nhạc. Hơn 40 năm trước, Trịnh đã “Ru một người nằm xuống” (viết cho người lính phi công). Âm nhạc ông là tiên tri và bản nguyên, phần thưởng cho chính tác giả "đã bay cao trên vòm trời đầy, thấy thiên đường dưới trời mênh mông".
Sắp tới đây, người ta lại háo hức được gặp lại hai nàng thơ, hai bóng hồng, hai giai nhân.. của âm nhạc sĩ họ Trịnh trong chương trình “Đường xa vạn dặm” diễn ra tối 2/4/2016 tại Hà Nội. Người ta ví nó như là một sự kiện đặc biệt trong hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Trong dịp này, ở nhiều thành phố ở Việt Nam và nước ngoài tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, chỉ duy nhất tại thủ đô quốc gia hình chữ S tổ chức được một liveshow duy nhất hội tụ hai danh ca đều sinh ra tại Hà Nội, sống cách nhau nửa vòng trái đất, người ở Hoa Kỳ, người ở TP.HCM.
Sài Gòn, nơi họ đã từng sống nhiều năm, có những kỉ niệm để đời, nơi nhạc sĩ đã sống, viết và tạ thế. Trịnh Công Sơn được sinh ra để sáng tác âm nhạc và Khánh Ly được sinh ra để hát Trịnh Công Sơn, người nghe mộ điệu, các nhà phê bình, nghiên cứu đều đánh giá hai con người ấy đã gặp nhau thăng hoa trong tình yêu lớn và sự nghiệp mật thiết với nhau. Khánh Ly hợp nhạc Trịnh. Âm nhạc không cần dàn nhạc đồ sộ phối tấu cầu kì, một cây guitar gỗ hay chỉ cần tiếng hát ấy cất lên là ra chất Trịnh, là một không gian mở ra những chiều kích khác.
Khánh Ly hát tưởng tự nhiên, trễ nải, buông thả mà lại đầy kĩ thuật, giọng nữ trung đặc biệt hát lên trọn những nốt cao. Khánh Ly hát hay nhiều bài, chị thực sự in dấu ấn không ai không gì lấp che, so ví được.
Hồng Nhung thuộc thế hệ sau, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nâng đỡ và ưu ái dành những sáng tác riêng, ngay vào những năm đầu chuyển cư đến TP HCM.
Không so ví thỏa đáng nào giữa Khánh Ly và Hồng Nhung, do họ thuộc hai thế hệ với đặc điểm đời sống, đặc điểm âm nhạc và đoạn đời gắn bó với nhạc sĩ khác nhau. Hai danh ca, hai người đàn bà này đã đi vào lịch sử âm nhạc. Hồng Nhung, một giọng hát hơn 30 năm vẫn phong độ, có tri thức, văn hóa và bản lĩnh để kiên định bản sắc, không ngán ngại những so sánh để khẳng định mình.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn là thách thức, bởi Hồng Nhung phải tìm cách thể hiện khác, tìm con đường mới. Hồng Nhung hát Trịnh Công Sơn tinh tế, tươi mới mà có sự trăn trở. Tôi rất ấn tượng với Đóa hoa vô thường mà Hồng Nhung hát. Chị đã tìm được con đường ấy.
Và lần đầu tiên, Khánh Ly và Hồng Nhung hát chung một đêm nhạc. Cả ba người gặp nhau giữa ngàn người trong khán phòng này, giữa triệu người đồng hành trên đường xa vạn dặm gian nan mà đẹp đẽ của âm nhạc, thi ca của cái đẹp, đi qua những kiếp người miên ái thế giới bất an, còn đầy nỗi khổ của chúng ta.
Nhà thơ Vi Thùy Linh
Trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ có rất nhiều hoạt động tưởng nhớ về người nhạc sĩ này diễn ra ở khắp 3 miền.
Ở TP. HCM: Theo thông lệ, ngôi nhà của cố nhạc sĩ ở 47C Phạm Ngọc Thạch, Q.3 sẽ được mở cửa để đón người hâm mộ đến viếng trong ngày ¼. Từ 6h sáng, tại đây, gia đình cố nhạc sĩ sẽ có chương trình đi xuống nghĩa trang Gò Dưa thăm mộ ông.
Tiếp đó là đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Công viên Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, Q.7 diễn ra vào 23/4 phục vụ đối tượng khán giả là công nhân. Thêm vào đó, một chuỗi chương trình về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng được tổ chức tại đường sách TP. HCM kéo dài từ 28/3 đến 3/4.
Đêm nhạc “Thí dụ” tưởng niệm 15 năm ngày cố nhạc sỹ họ Trịnh rời xa cõi tạm, được diễn ra vào ngày 1/4 tới đây tại Hội trường Đại học Văn hóa Hà Nội do Lô Thủy, Tuấn Hiệp cùng những người bạn của biểu diễn.
Hà Tùng Long