Sức hút của “Bên tóc mai không phải hải đường hồng”
(Dân trí) - Bộ phim gây chú ý ngay từ dàn diễn viên đình đám với Huỳnh Hiểu Minh và Xa Thi Mạn vào vai một cặp vợ chồng quyền quý.
Bộ phim nhiều tập của Trung Quốc - “Bên tóc mai không phải hải đường hồng” - đang thu hút sự quan tâm của người xem tại Trung Quốc và người yêu phim Hoa ngữ.
Bộ phim gây chú ý ngay từ dàn diễn viên đình đám với Huỳnh Hiểu Minh và Xa Thi Mạn vào vai một cặp vợ chồng quyền quý. Dù vậy, vai chính trong phim lại dành cho hai nam diễn viên. Huỳnh Hiểu Minh vào vai doanh nhân Trình Phương Đài. Doãn Chính vào vai đào hát Thương Tế Nhị.
Họ vì cảm mến tâm và tài của nhau mà trở thành đôi bạn tri kỷ, khiến vợ của Trình Phương Đài - nàng Phạm Tương Nhi (Xa Thi Mạn) - nhiều lần nổi giận vì không chấp nhận được việc chồng mình qua lại với gánh hát - những người mà Phạm Tương Nhi vốn không có ấn tượng tốt đẹp.
Bộ phim bắt đầu tới với công chúng từ ngày 20/3 vừa qua. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ cùng tên của tác giả Thủy Như Thiên Nhi, lấy bối cảnh Trung Quốc hồi thập niên 1930.
Nếu trong tiểu thuyết, Trình Phương Đài và Thương Tế Nhị có tình cảm “luyến ái” dành cho nhau thì trong bộ phim này, hai nhân vật sẽ có tình huynh đệ, xem nhau như bạn tâm giao tri kỷ, cùng chia sẻ niềm đam mê hứng thú dành cho bộ môn kinh kịch trước những biến động của thời cuộc.
“Bên tóc mai không phải hải đường hồng” có những khuôn hình đẹp, từ tạo hình nhân vật cho tới không gian, bối cảnh trong phim. Tiết tấu phim chậm rãi, mang đậm màu sắc cổ điển, khiến người xem cảm thấy hứng thú vì chất hoài cổ đầy tính duy mỹ.
Hai nhân vật nam chính trong phim có tính cách độc đáo, họ đều là những con người thích phá cách, dám tiên phong trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Trình Phương Đài là một danh nhân dám chơi ngông, vượt mặt nhiều tiền bối, còn Thương Tế Nhị là một đào hát không chịu luồn cúi, xu nịnh một ai, “một mình một phách” trong giới đào hát Bắc Bình.
Điều này khiến Thương Tế Nhị dù tài năng nhưng không ít phen gặp lao đao khốn đốn, dù vậy, họ Thương lại thường được doanh nhân Trình Phương Đài ứng cứu kịp thời. Ban đầu từ cảm mến khí chất của người nghệ sĩ, dần dần Trình Phương Đài - một người vốn yêu thích nghệ thuật điện ảnh Hollywood - đã chuyển sang đam mê kinh kịch khi đã dần thấu hiểu bộ môn nghệ thuật này.
Hơn thế, trong ký ức tuổi thơ của Trình Phương Đài, người mẹ của anh vốn là một đào hát, bà đã bỏ nhà cửa, chồng con để ra đi, vì quá nhớ nhung cảm giác được đứng trên sân khấu. Bà bỏ lại tất cả để đi tìm lại chính mình - con người nghệ sĩ mà bà đã phải chấp nhận rời xa, để bước vào cuộc sống gia đình, nhưng mãi về sau vẫn không thể nào thực sự lãng quên.
Tiếp xúc với Thương Tế Nhị, Trình Phương Đài hiểu được nỗi lòng của mẹ mình khi xưa lúc đau khổ ra đi. Càng hiểu niềm đam mê của người nghệ sĩ mãnh liệt tới mức nào, Trình Phương Đài càng yêu bộ môn kinh kịch, bởi vốn dĩ anh chàng này theo học văn khoa và ước mơ ban đầu chính là trở thành một biên kịch.
Những biến động trong gia đình, khi mẹ bỏ đi, rồi cha qua đời khiến gia môn suy sụp, Trình Phương Đài phải từ bỏ ước mơ riêng để quay về tiếp nối công việc làm ăn của cha, gây dựng lại cơ đồ.
Dù vậy, chất nghệ sĩ trong Trình Phương Đài chỉ chờ được dịp là phát tiết, khi gặp Thương Tế Nhị, hai người ngay lập tức thấu hiểu, cảm mến cái tài, cái tâm, khí chất, thực lực và bản lĩnh của nhau, mới gặp mà đã như quen biết, thấu hiểu từ lâu, khiến hai người nhanh chóng coi nhau như tâm giao tri kỷ.
Cả hai nhân vật nam chính đều duy mĩ. Nếu Trình Phương Đài bóng bẩy ngoại hình mọi lúc mọi nơi thể hiện đẳng cấp của một “tay chơi chính hiệu”, thì Thương Tế Nhị dồn mọi tiền của để lung linh khi bước lên sân khấu. Bao nhiêu tiền kiếm được, Thương Tế Nhị đều chỉ dành để đầu tư cho phục trang xa xỉ.
Nếu Trình Phương Đài đẹp trong mọi khuôn hình bởi cả diện mạo, phục trang và phong thái, thì Thương Tế Nhị đẹp nhất khi bước lên sân khấu, hóa thân rất ngọt vào các vai nữ. Khi bước xuống sân khấu, Thương Tế Nhị sống đơn giản, ăn mặc đơn sơ đến mức bị nhiều đào hát khác chê là không hợp thời, quá xuề xòa.
Chuyện phim “Bên tóc mai không phải hải đường hồng” chủ yếu xoay quanh tình huynh đệ tâm giao tri kỷ của Trình Phương Đài và Thương Tế Nhị, mối tình cảm ấy được thi vị hóa và lý tưởng hóa. Có những phân cảnh nửa thực nửa mơ được thực hiện theo kiểu “slow-motion” (quay chậm).
Những cảnh này thường được thực hiện khi Thương Tế Nhị đã hóa thân thành nhân vật nữ xinh đẹp và duyên dáng trên sân khấu, Trình Phương Đài không còn nhận ra bạn mình nữa, mà chỉ còn biết mê đắm trước một giai nhân tuyệt đẹp, giọng hát ngọt ngào.
Thực tế, trong nhân vật Trình Phương Đài có những tâm sự khó bộc lộ, vì hoàn cảnh gia đình mà anh ta phải từ bỏ đam mê để bước sang lĩnh vực kinh doanh kế nghiệp cha, vì gia sản gần như tiêu tán nên anh ta lấy Phạm Tương Nhi để có một khoản hồi môn không nhỏ, lấy đó làm vốn kinh doanh ban đầu.
Dù bản thân luôn thể hiện mình ung dung tự chủ, vui vẻ thỏa mãn với công việc, cuộc sống, nhưng âm thầm trong nội tâm anh ta vẫn có những bức bối, trong cơn mê tỉnh lúc xem Thương Tế Nhị biểu diễn, Trình Phương Đài thốt lên: “Con người sống trên đời vốn dĩ không được thực sự tự do, là cô độc, là cầu mà không có được... Có những người, những việc cần phải học được cách cam chịu”.
Nhưng đáp lại Trình Phương Đài trong cơn mê ấy là Thương Tế Nhị với hóa thân tuyệt đẹp của vai Dương Quý Phi: “Sống như vậy chẳng phải vô vị biết bao?! Ta không cần người giúp, ta chỉ cần ngươi nhìn ta”.
Bản lĩnh, cá tính độc đáo, sự ngạo nghễ thách thức và không mưu toan tính toán tư lợi của Thương Tế Nhị đã thực sự khiến Trình Phương Đài cảm động trước một tài năng và cốt cách.
Những góc quay đẹp trong phim chính là điều hấp dẫn người xem. Nhân vật Trình Phương Đài đẹp ở nam tính, phong độ, quyết đoán và giàu thực lực, còn Thương Tế Nhị đẹp khi hóa thân vào những vai nữ xinh xắn tuyệt trần, anh ta sống hết mình với đam mê trên sân khấu và vẫn tiếp tục tận tâm tận lực cống hiến cho nghề nghiệp ngay cả khi đã ở sau sân khấu.
Trong phim, mối giao hảo giữa họ Trình và họ Thương là tình huynh đệ, là bạn tâm giao tri kỷ, nhưng mối thiện cảm này đôi lúc cũng khó gọi tên, bởi Thương Tế Nhị biến hóa khôn lường, “trong nam có nữ, trong nữ có nam”.
Bước lên sân khấu, anh ta hóa thân vào những vai nữ còn nữ tính hơn cả nữ giới, xinh đẹp, sắc sảo tuyệt trần với giọng ca ngọt ngào khiến người người mê đắm. Nhưng khi bước khỏi sân khấu, anh ta lại là một nam nhân khí khái, trọng danh dự, không thích làm đỏm thái quá như nhiều đào hát khác.
Trình Phương Đài từng nhận xét về những màn hóa thân của Thương Tế Nhị: “Năm tháng đều ở trong tay áo của anh ta, trên sân khấu, người nghệ sĩ chìm trong kịch, dưới sân khấu, người xem chìm trong mộng”, họ Trình đã dần dần từ cảm mến họ Thương, rồi yêu lây sang cả những vai diễn của họ Thương, dù thoạt tiên anh ta không hiểu kinh kịch.
Mối giao hảo này có nhiều khía cạnh, rất khó gọi tên cho chính xác những xúc cảm mà Trình Phương Đài và Thương Tế Nhị dành cho nhau. Họ quá thấu hiểu nội tâm, tính cách, vẻ đẹp của tâm và tài trong nhau, đến mức có thể xem là một cặp Trời sinh, gặp nhau là do định mệnh sắp đặt.
Bích Ngọc