Sự thật “nghiệt ngã” đằng sau những tác phẩm văn học kinh điển

(Dân trí) - Lev Tolstoy căm ghét nhân vật Anna Karenina, Dostoevsky sáng tác tiểu thuyết “Con bạc” để trả tiền thua bạc… Đó là hai trong những sự thật "bẽ bàng" đằng sau các tác phẩm kinh điển.

Lev Tolstoy căm ghét nhân vật Anna Karenina

Sự thật “nghiệt ngã” đằng sau những tác phẩm văn học kinh điển


Khi bắt đầu sáng tác tiểu thuyết “Anna Karenina”, nhà văn Nga Lev Tolstoy từng viết thư cho một người bạn nói rằng: “Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết - cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong cuộc đời mình”. Câu nói này được coi như một lời khẳng định của chính tác giả về tâm huyết lớn lao mà ông sẽ dành cho cuốn tiểu thuyết.

Trước cuốn tiểu thuyết “Anna Karenina” (1877), Lev Tolstoy đã sáng tác một tuyệt phẩm văn chương thành công lớn, đó là bộ tiểu thuyết sử thi “Chiến tranh và Hòa bình” (1869). Về tiểu thuyết “Anna Karenina”, đây cũng được coi là một tác phẩm hoàn hảo, nổi bật trong sự nghiệp văn chương của Lev Tolstoy.

Truyện khai thác đời sống tình cảm của nhân vật nữ chính Anna Karenina trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc và cuộc ngoại tình khiến cô bị những người trong xã hội thượng lưu Nga lúc bấy giờ khinh miệt, dè bỉu.

Khi đang viết cuốn tiểu thuyết được nửa chừng thì nhà văn Lev Tolstoy bắt đầu thay đổi nhiều quan điểm. Lúc này ông bắt đầu dành nhiều sự quan tâm cho đạo Cơ-đốc như một cách để giải thoát bản thân khỏi cuộc khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên.

Ở thời điểm này, nhà văn Lev Tolstoy rất đề cao đạo đức và có những quan điểm mới trong tư duy sáng tác văn chương. Vì vậy, Tolstoy bỗng như bị vỡ mộng trước cuốn tiểu thuyết của chính mình - cuốn tiểu thuyết mà ban đầu ông đã dành cho nó rất nhiều tâm huyết.

Lúc này, thậm chí Tolstoy còn không muốn viết nốt tác phẩm. Ông đã viết thư cho người bạn của mình nói rằng: “Lạy Chúa, giá mà có ai đó đồng ý viết nốt cuốn tiểu thuyết này cho tôi. Đây là cuốn tiểu thuyết đáng ghét, khiến tôi không thể chịu đựng nổi”.

Thật may mắn cho những người yêu văn chương, vì Tolstoy đã ký một hợp đồng xuất bản trước đó nên ông buộc phải hoàn thành nốt đứa con tinh thần mà ông ghét bỏ. Sau này, “Anna Karenina” được coi là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Lev Tolstoy bởi kể từ đây, quan điểm mới về đạo đức của ông sẽ chi phối tất cả các tác phẩm về sau.

Fyodor Dostoevsky sáng tác “Con bạc” để trả tiền thua bạc

Sự thật “nghiệt ngã” đằng sau những tác phẩm văn học kinh điển


Những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky có thể kể tới “Tội ác và trừng phạt”, “Anh em nhà Karamazov”, “Bút ký dưới hầm”. Đương thời, giống như nhà văn Lev Tolstoy, Dostoevsky thường có thêm động lực sáng tác khi hạn nộp bản thảo cho nhà xuất bản sắp đến gần.

Ở thời điểm sáng tác cuốn tiểu thuyết “Con bạc”, Dostoevsky đang rất cần tiền để có thể trả những món nợ do thói nghiện cờ bạc của ông gây ra. Với thời hạn 26 ngày phải hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết, Dostoevsky đã làm việc điên cuồng để có thể hoàn tất tác phẩm.

Ông thuê một người chuyên viết tốc ký ngồi ghi chép lại những gì ông đọc. May mắn, sau đúng 26 ngày, ông hoàn thành bản thảo tác phẩm và đem gửi cho nhà xuất bản. Bốn tháng sau, ông kết hôn với chính nữ thư ký - cô Anna Grigorievna Snitkina, một phụ nữ trẻ kém ông 25 tuổi - người đã ở bên ông ngày đêm, miệt mài ghi chép, giúp ông hoàn tất tác phẩm đúng thời hạn.

Sir Arthur Conan Doyle sáng tạo ra nhân vật Sherlock Holmes vì phòng khám ế khách

Sự thật “nghiệt ngã” đằng sau những tác phẩm văn học kinh điển


Đa số mọi người biết tới Sir Arthur Conan Doyle với tư cách “cha đẻ” của nhân vật Sherlock Holmes - nhân vật thám tử vĩ đại nhất trong văn học trinh thám mọi thời đại, tuy vậy, bản thân ông Doyle có lẽ muốn được mọi người biết tới với vai trò một bác sĩ, một nhà sử học.

Điều đáng tiếc là ở cả hai lĩnh vực sự nghiệp mà ông thực sự dành nhiều tâm huyết, Doyle đều không thành công bằng nghề viết truyện trinh thám. Trước khi sáng tạo ra nhân vật Sherlock Holmes, Doyle mở một phòng khám tư nhưng vì quá ế khách nên ông dành thời gian rảnh rỗi ở phòng khám để viết văn.

Chẳng bao lâu sau, Sherlock Holmes trở thành nhân vật văn học được người dân trên khắp nước Anh yêu mến nhưng Doyle vẫn là một bác sĩ không có nhiều bệnh nhân.

Là một tác giả sáng tác ở nhiều thể loại - thơ, truyện trinh thám, tiểu thuyết giả tưởng, tiểu thuyết khoa học, tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, Doyle không thể chấp nhận được việc độc giả quay lưng lại với những sáng tác ở tất cả các thể loại khác của ông và chỉ một mực yêu mến nhân vật Sherlock Holmes.

Quá “phẫn nộ”, Doyle quyết định sẽ kết liễu cuộc đời nhân vật Holmes. Ông viết thư kể cho mẹ nghe dự định này, bà đã hồi đáp một cách thống thiết rằng: “Con đừng làm thế! Con không thể làm thế! Con không được phép làm thế!”.

Điều mà Doyle không thể ngờ là phản ứng của độc giả còn dữ dội hơn cả mẹ ông. Sự tức giận ghê ghớm và dai dẳng của người đọc đã khiến Doyle, sau 8 năm, quyết định cho nhân vật Sherlock Holmes sống lại và viết thêm 56 truyện ngắn cùng 4 tiểu thuyết nữa về nhân vật mà ông coi là gánh nặng tâm lý khủng khiếp của mình.

Thất bại duy nhất trong sự nghiệp văn chương của Charles Dickens

Sự thật “nghiệt ngã” đằng sau những tác phẩm văn học kinh điển


Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, khoảng năm 1836, nhà văn Anh Charles Dickens từng ký một hợp đồng cam kết sẽ sáng tác một cuốn tiểu thuyết lịch sử về những cuộc bạo loạn diễn ra hồi cuối thế kỷ 18 ở London.

Thành công đến ào ạt và bất ngờ vào năm 1838, khi đó, Dickens đang lâng lâng trên đỉnh cao với thành công của tiểu thuyết “Oliver Twist”, ngay sau đó, ông liền lên kế hoạch sáng tác cuốn tiểu thuyết tiếp theo - “Nicholas Nickleby” (1839).

Dickens dự định đầu năm 1839 sẽ bắt tay vào hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử đã được đặt hàng từ lâu nhưng cuối cùng, phải tới gần hai năm sau, ông mới có thời gian để bắt tay vào thực hiện.

Vì bị nhà xuất bản hối thúc quyết liệt, lần này, Dickens buộc phải sáng tác xong cuốn tiểu thuyết bằng mọi giá, làm việc trong sức ép thời gian ngặt nghèo và buộc phải cho ra một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử nhanh nhất có thể, Dickens đã viết lách miệt mài từ sáng sớm tới đêm khuya liên tục vài tuần lễ để kịp thời hạn nộp bản thảo.

Cuối cùng khi cuốn tiểu thuyết lịch sử “Barnaby Rudge” (1841) ra đời, nó bị chê bai tơi tả và chỉ bán được khoảng 30.000 bản - một con số quá khiêm tốn so với tầm vóc tên tuổi của Charles Dickens lúc bấy giờ.

Cho tới nay, “Barnaby Rudge” bị coi là tác phẩm tiểu thuyết thất bại duy nhất của Dickens, nó bị ví như quả đạn hỏng duy nhất bắn ra từ khẩu súng thần công Charles Dickens.

Bích Ngọc
Theo ATI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm