Sự thật ít biết về danh họa Picasso

(Dân trí) - Picasso từng thuộc một băng nhóm chuyên đánh cắp tác phẩm nghệ thuật hay Picasso từng muốn làm bẽ mặt một họa sĩ nhưng lại vô tình giúp ông ta trở nên nổi tiếng… Là những câu chuyện ít biết về Picasso.

“Tương truyền”, Picasso biết vẽ trước cả khi biết nói và từ đầu tiên mà cậu bé Picasso nói được là từ “bút chì” (từ “piz” trong tiếng Tây Ban Nha), đó dường như là những điềm báo định mệnh rằng cậu bé này rồi đây sẽ trở thành một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của thời đại mình.

Dù những chi tiết này mang nhiều màu sắc “huyền thoại” (mẹ của Picasso đã từng chia sẻ những điều này khi kể về tuổi thơ của con mình), nhưng quả thực có ít thiên tài hội họa nào lại có quá khứ thú vị như Picasso.

Dưới đây là những câu chuyện thú vị ít biết về người sáng lập ra trường phái lập thể - Pablo Picasso:

Pablo Picasso từng tham
gia đánh cắp tác phẩm nghệ thuật ở viện bảo tàng Louvre (Pháp)


Pablo Picasso từng tham gia đánh cắp tác phẩm nghệ thuật ở viện bảo tàng Louvre (Pháp). Trước khi trở nên nổi tiếng, Picasso đã cùng “đồng bọn” lập kế hoạch đánh cắp bức “Mona Lisa” của viện bảo tàng Louvre, ở Paris, Pháp.

Năm 1911, chính quyền thành phố Paris phát hiện ra Picasso đang nắm giữ hai bức tượng bị đánh cắp từ viện bảo tàng Louvre. Vụ đánh cắp này được thực hiện bởi một người quen của Picasso - một người đàn ông có tên Géry Pieret từ cách đó 4 năm.

Tại thời điểm bị phát hiện, Picasso khẳng định rằng ông không hề biết đó là tượng bị đánh cắp, nhưng trong những năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hội họa cho rằng Picasso hoàn toàn biết rõ nguồn gốc của những bức tượng này và thậm chí có thể đã “đặt hàng” những kẻ trộm cắp.

Hai bức tượng bị đánh cắp rất phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của Picasso, bên cạnh đó, Picasso lại chủ động giấu những tác phẩm này, trong khi đó ông trưng bày công khai những tác phẩm hợp pháp khác trong nhà mình.

Pablo Picasso từng tham
gia đánh cắp tác phẩm nghệ thuật ở viện bảo tàng Louvre (Pháp)


Bản thân Picasso khi sống ở Paris cũng thường xuyên tới thăm viện bảo tàng Louvre và hẳn ông đã để mắt tới một số tác phẩm, đặc biệt là hai bức tượng cổ được coi là khởi nguồn của nghệ thuật Tây Ban Nha.

Vì vậy, sẽ không thể nào có chuyện Picasso không nhận ra hai bức tượng Géry Pieret đưa cho mình là đồ đánh cắp. Hơn nữa, sẽ là không hợp lý nếu Géry Pieret tình cờ đánh cắp đúng hai bức tượng có thể thỏa mãn khiếu thẩm mỹ của Picasso và rồi lại vô tình nhờ đúng vị họa sĩ người Tây Ban Nha cất giữ.

Chính quyền Paris phát hiện ra hai bức tượng bị đánh cắp ở nhà Picasso không phải do một sự tình cờ, bởi ở thời điểm này, Picasso thường xuyên qua lại với nhà thơ người Pháp Guillaume Apollinaire, mà trước đây hai người này đã từng bị tình nghi có chủ ý đánh cắp bức “Mona Lisa”.

Cả hai người đều đã bị điều tra, thẩm vấn, khi đó, Apollinaire đã buộc tội Picasso là người chủ mưu. Tuy vậy, vì không có đầy đủ bằng chứng nên cả hai được thả ra. Cần nói thêm rằng Géry Pieret - người tặng hai bức tượng bị đánh cắp cho Picasso lại chính là người phụ tá của nhà thơ Guillaume Apollinaire. Đây là một mối quan hệ vòng tròn “rất khả nghi”.

Khi mới 9 tuổi, Picasso
đã hoàn thành bức tranh đầu tiên - “Le Picador”


Khi mới 9 tuổi, Picasso đã hoàn thành bức tranh đầu tiên - “Le Picador”. Cha của Picasso là một họa sĩ và đã sớm dạy vẽ cho con trai từ khi Picasso còn rất nhỏ, vì vậy, khi mới lên 9 tuổi, Picasso đã hoàn thành xong bức họa “nghiêm chỉnh” đầu tiên của mình - bức “Le Picador”.

Khi mới 9 tuổi, Picasso
đã hoàn thành bức tranh đầu tiên - “Le Picador”


Vài năm sau, Picasso vào học trường nghệ thuật ở Barcelona. Lúc này, Picasso hoàn thành bức vẽ hàn lâm khổ lớn đầu tiên hồi năm 1895 - bức “First Communion”. Cha của Picasso đã thề sẽ rời xa cọ vẽ từ khi Picasso mới 13 tuổi bởi ông cảm thấy cậu con trai của mình đã sớm vượt qua khả năng hội họa của cha.

Khi mới 9 tuổi, Picasso
đã hoàn thành bức tranh đầu tiên - “Le Picador”


Picasso thường mang theo một khẩu súng lục nạp những vỏ đạn rỗng ruột và bắn vào những ai ông cho là ngớ ngẩn.

Sinh thời, Picasso được truyền cảm hứng từ phong cách sống và những tác phẩm của nhà văn Pháp Alfred Jarry. Một trong những thói quen mà Picasso hình thành do mến mộ Jarry, đó là thói quen mang theo một khẩu súng lục trong người, nạp đầy những vỏ đạn rỗng ruột.

Ông sẽ “nổ súng” vào những người nào “cả gan” hỏi ông ý nghĩa của những bức tranh ông đã thực hiện, hoặc chất vấn về lý tưởng thẩm mỹ của ông, hay dám nói bất cứ điều gì không hay về những vị danh họa mà ông ngưỡng mộ…

Bức

Bức Cô gái gipxi nằm ngủ của Henri Rousseau

Họa sĩ người Pháp - Henri Rousseau được Picasso “phát hiện” một cách bất đắc dĩ. Thực tế, Picasso không hề thiện cảm với phong cách nghệ thuật của Rousseau, ông thậm chí đã tổ chức một bữa tiệc để mời bạn bè trong giới hội họa tới và cùng nhau chê bai, chỉ trích phong cách của Rousseau.

Hành động có phần trẻ con này lại đưa tới một tác dụng ngược không ngờ khi sau bữa tiệc, những tên tuổi nổi danh trong giới họa sĩ Paris đều biết Rousseau là ai - một người khiến ngay cả Picasso cũng phải nói tới. Bỗng nhiên, Rousseau trở nên nổi tiếng nhờ chính người có chủ ý nhạo báng mình.

Henri Rousseau làm nghề thu thuế, hội họa là công việc “tay trái” của Rousseau khi rảnh rỗi. Rousseau không được giới họa sĩ Paris đương thời nhìn nhận. Bữa tiệc mà Picasso mở ra để cùng bạn bè “phê bình tranh Henri Rousseau” đã giúp Rousseau bất ngờ được biết đến.

Bức

Một bức ảnh chụp chân dung Henri Rousseau do Picasso thực hiện. Có lẽ một phần do khoảng cách lứa tuổi nên Rousseau luôn nhìn nhận những trò tinh quái của Picasso bằng sự độ lượng. Ông nhìn thấy ở đó một sự lém lỉnh, hài hước.

Henri Rousseau hơn Picasso 37 tuổi. Tại bữa tiệc, Picasso đã kể lại cho các bạn bè nghe rằng ông từng tìm thấy tranh của Henri Rousseau trong một cửa hàng đồ cũ từ khi còn là một cậu thiếu niên.

“Cuộc gặp gỡ hội họa” đó đã khiến Picasso “nảy sinh thương cảm” đối với người họa sĩ chẳng mấy danh tiếng. Sau này, khi đã thành danh ở Paris, Picasso mới biết mặt Rousseau và rủ ông cùng giao du với những bạn bè trong giới. Rousseau vốn dĩ chỉ cần có người xem tranh mình vẽ nên không bao giờ nghi ngờ “thành ý” của Picasso.

Năm 1908, Rousseau cũng có mặt trong bữa tiệc xa xỉ mà Picasso mở ra để bình tranh của Rousseau, như thường lệ, Rousseau lại tin rằng đây là một vinh dự lớn mà Picasso đã dành cho mình, ông đã rất hạnh phúc và cảm ơn người bạn vong niên rằng: “Cậu và tôi sẽ là những họa sĩ vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”.

Picasso từng đối đầu với
quân Phát-xít một cách thông minh, hài hước


Picasso từng đối đầu với quân Phát-xít một cách thông minh, hài hước. Một toán quân Phát-xít Đức đã từng vào lùng sục căn hộ ở Paris của Picasso, sau khi tìm thấy bức ảnh chụp lại bức “Guernica” - một siêu phẩm hội họa phản chiến của Picasso, họ đã hỏi Picasso rằng ông có phải là người đã thực hiện bức tranh không, Picasso đáp lại: “Không, chính các anh đã thực hiện nó”.

Câu chuyện này được truyền tụng trong thời kỳ quân Đức chiếm đóng Paris hồi Thế chiến II. Ngoài ra, người ta còn truyền nhau câu chuyện kể rằng khi quân Đức cử người mang than củi tới cho Picasso sưởi ấm trong mùa đông, nhằm mua chuộc sự ủng hộ của vị họa sĩ danh tiếng. Picasso đã từ chối và trả lời rằng: “Một người Tây Ban Nha không bao giờ biết lạnh”.

Bích Ngọc
Theo Huff Post