Sự thật đau lòng đằng sau bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai
(Dân trí) - Mới đây, một bài báo trên trang tin ảnh BagNews của Mỹ đã khiến độc giả bàng hoàng khi đưa ra một sự thật đau lòng đằng sau bức ảnh lịch sử về vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968 do quân đội Mỹ tiến hành tại thôn Mỹ Lai, tỉnh Quảng Ngãi.
Bức hình được chụp bởi nhiếp ảnh gia phục vụ trong quân đội Mỹ - Ronald Haeberle. Haeberle đã đi theo quân Mỹ tới làng Mỹ Lai trong vụ thảm sát lịch sử và ghi lại nhiều bức ảnh chân thực. Sau này, những bức ảnh này đã trở thành bằng chứng lịch sử về một cuộc thảm sát kinh hoàng khiến hơn 500 người dân Việt Nam vô tội thiệt mạng.
Bức ảnh trên đây thường chỉ được biết tới một cách chung chung rằng dân làng Mỹ Lai trong trạng thái hoảng loạn trước khi bị lính Mỹ giết hại. Tuy vậy, vẫn còn một chi tiết ám ảnh khác mà mãi tới gần đây trang tin ảnh BagNews mới phát hiện ra và công bố rộng rãi cho người dân Mỹ biết.
Tác giả của bài viết trên BagNews, cô Valerie Wieskamp, cho biết trong bức ảnh này còn ẩn chứa một bi kịch thứ hai chưa từng được nói đến, câu chuyện nằm ở “Cô gái mặc áo cánh đen”. Cô gái đang cài lại cúc áo, hành động này chưa từng được để ý tới một cách kỹ càng.
“Trong khi những người khác đang hoảng loạn vì sắp bị giết, cô gái lại lo lắng cài mấy chiếc cúc áo bị bung, điều đó không có gì kỳ lạ sao?”, tác giả đưa ra nghi vấn.
Ngay sau đó, câu trả lời đau xót được đưa ra. Đó là bởi trước khi những người phụ nữ này bị thảm sát, trước khi bức ảnh này được chụp, cô gái đã bị một nhóm lính Mỹ cưỡng hiếp.
Dù vụ xâm hại này có liên hệ trực tiếp tới bức ảnh, dù sự thật này thực tế đã được khẳng định rõ ràng trong các tài liệu lưu trữ chính thức về vụ thảm sát Mỹ Lai nhưng nó đã bị giới truyền thông Mỹ “lờ đi” trong suốt 45 năm qua. Công chúng Mỹ hầu như không hề hay biết đến một thảm kịch thứ hai ẩn sau bức ảnh nổi tiếng này.
Trước chi tiết mới mà BagNews đưa ra, rất nhiều độc giả đã bị sốc. Tờ tin tức The Nation của Mỹ đăng tải bài viết của tác giả Greg Mitchell, trong đó có câu: “Tôi đã sống ở thời kỳ đó, đã từng viết bài về vụ thảm sát Mỹ Lai, từng quan sát bức ảnh này, từng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng đến tận hôm nay tôi mới được biết toàn bộ câu chuyện ẩn sau một bức ảnh lịch sử tưởng như đã rất quen thuộc”.
Tại sao chi tiết này lại bị che giấu quá lâu như vậy? Tờ BagNews đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Chúng ta định đạt được điều gì bằng cách che giấu đi một phần thông tin trong bức ảnh này? Một bức ảnh lịch sử cho thấy một phần quá khứ của quân đội Mỹ, cho thấy một trong những vụ tấn công tình dục, cuối cùng đã được đưa ra ánh sáng. Tại sao người Mỹ có thể thẳng thắn nhìn vào bức ảnh Em bé Napalm nhưng lại không dám thừa nhận bi kịch xảy ra với Cô gái mặc áo cánh đen?”
Dưới bài viết, có nhiều độc giả bình luận, họ đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mà BagNews để ngỏ. Trong đó, có nhiều người cho rằng những vụ tấn công tình dục xảy ra trong chiến tranh luôn bị “giấu nhẹm” đi một cách đầy chủ đích.
Những nạn nhân của các vụ tấn công tình dục xảy ra trong chiến tranh, nếu họ còn may mắn giữ được mạng sống, thường chỉ được biết đến, được quan tâm đến sau khi cuộc chiến đã đi qua.
Những nỗi đau thầm lặng của họ vốn đã không dễ tỏ bày lại càng dễ rơi vào quên lãng khi truyền thông tìm cách che giấu còn dư luận dường như từ xưa đến nay vốn đã không sẵn sàng tiếp nhận những sự thật bẽ bàng như thế này.
Câu chuyện về “Cô gái mặc áo cánh đen” chỉ có phía Mỹ là biết đến rõ nhất nhưng họ đã “giấu nhẹm” đi trong suốt 45 năm qua.
Nhiều độc giả “thú nhận” rằng đến tận lúc này họ mới thực sự quan sát nỗi thống khổ hiện trên khuôn mặt của những con người xuất hiện trong ảnh. Đó không hoàn toàn là nỗi sợ trước cái chết đang đến gần, nó còn là nỗi đau, nỗi uất ức tột cùng của những con người đã phải trải qua hoặc chứng kiến bi kịch đau lòng này.
Các độc giả Mỹ đều tỏ ra bất bình trước thông tin mới được công bố. Có lẽ phản ứng của dư luận cũng là một phần lý do khiến phía Mỹ bấy lâu nay vẫn che giấu một phần sự thật đằng sau bức ảnh.
Bài báo trên Huffington Post cho rằng bức ảnh này khiến người Mỹ phải đối diện lại với một trong những giai đoạn “đau đớn” của lịch sử Mỹ.
Một độc giả lớn tuổi viết: “Nhìn bức ảnh và đọc bài báo này khiến tôi suy sụp. Nó gợi nhớ lại trong tôi nỗi kinh sợ một thời khi đọc những tin tức về vụ thảm sát Mỹ Lai”. Một độc giả khác bình luận: “Tôi cảm thấy thật khó nhìn lại bức ảnh này. Câu chuyện khiến người ta bàng hoàng. Đây là một bức ảnh đầy sức mạnh, đầy sự ám ảnh”.
Những bức ảnh như thế này chắc chắn sẽ khiến dư luận Mỹ đặt ra nhiều câu hỏi cũng như sự chỉ trích đối với quân nhân Mỹ. Một câu hỏi mà rất nhiều độc giả đặt ra chính là: “Còn bao nhiêu cuộc tấn công tình dục như thế này từng xảy ra trong những chiến dịch quân sự mà Mỹ tiến hành ở các quốc gia khác?”
Tờ Huffington Post nhận định, dựa trên cách phản ứng của độc giả Mỹ đối với thông tin mới này, có thể thấy dù sự thật có khắc nghiệt thế nào, người Mỹ cũng muốn được biết chân tướng sự thật. Vì vậy, cách diễn giải những bức ảnh chiến tranh cần phải được thay đổi, theo chiều hướng trung thực hơn. Những câu chuyện đang được ẩn giấu, che đậy rồi cũng sẽ bị phanh phui.