Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện NQ TƯ 5 khóa VIII:
Sự suy thoái về đạo đức xã hội gây nhức nhối
(Dân trí)- “Hiện tượng thanh niên phổ biến trên mạng cho nhau các chiêu trò để trốn nghĩa vụ quân sự nói lên điều gì? Nó thể hiện sự phai nhạt tình cảm yêu nước, ý thức trách nhiệm với giang sơn?”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nêu hiện trạng nhức nhối trong dư luận.
Hôm qua ngày 8/8 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự Hội nghị.
Đặc biệt, việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nêu: “Con người Việt Nam những năm qua về tư tưởng, đạo đức, lối sống có nhiều thay đổi. Tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy…”.
“Gia đình và văn hóa gia đình chưa được chú trọng, chưa thực sự trở thành cái nôi hình thành nhân cách con người; cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; hệ giá trị có biểu hiện chuyển đổi theo hướng không tích cực” – Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói thêm.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Duy Đức cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến những vụ án phức tạp, vụ án sau phức tạp hơn vụ án trước là do sự xuống cấp của đạo đức con người. “Chúng ta chưa lường được những thách thức và bản thân đời sống văn hóa đất nước diễn biến phức tạp. Tại sao nhà nghỉ nhiều hơn bệnh viện?”, PGS.TS Duy Đức nêu câu hỏi tại Hội nghị.
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cũng đánh giá, sau 15 năm nhìn lại NQ TW5 khóa VIII có thể thấy điều đáng tiếc là việc xây dựng con người không thành công.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Nghị quyết của Đảng mong muốn xây dựng con người Việt Nam “có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc”. Nhưng “yêu nước” bây giờ được hiểu theo những nghĩa rất khác nhau. Hiện tượng một số thanh niên phổ biến trên mạng cho nhau các chiêu trò để trốn nghĩa vụ quân sự nói lên điều gì? Nó thể hiện sự phai nhạt tình cảm yêu nước, ý thức trách nhiệm với giang sơn? Hay đó là một phản ứng xã hội?...
“Chúng ta nói tới tinh thần tự cường. Nhưng tinh thần tự cường dân tộc để đâu khi mà người Việt phần đông chỉ sính hàng nước ngoài, từ báo chí, biển hiệu, quảng cáo đến các chương trình giáo dục cũng thả cửa dùng tiếng nước ngoài; còn doanh nghiệp phần đông chỉ xài công nghệ, trang thiết bị nước ngoài, dù đó là công nghệ lạc hậu và trang thiết bị ở nước ngoài người ta chỉ có thể cho vào bãi rác?”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Tổng kết tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh rằng hạn chế lớn và là vấn đề gây bức xúc nhất trong đời sống xã hội hiện nay là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Chính vì vậy trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong thời gian tới, Bộ trưởng không quên nhắc đến nhiệm vụ:“Tập trung xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người trong bối cảnh toàn cầu hoá. Đẩy mạnh vai trò của gia đình, cộng đồng trong việc tu dưỡng, rèn luyện con người trở thành một nhân cách văn hóa.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị trong giờ giải lao
“Nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị và trong nhân dân về văn hóa và xây dựng nền văn hóa của chúng ta theo tinh thần nghị quyết chưa cao, chưa sâu sắc. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn nhiều yếu kém. Hệ thống văn bản pháp quy về văn hóa chưa đáp ứng được sự năng động của nền kinh tế thị trường. Quản lý văn hóa nghệ thuật còn nhiều lúng túng, chưa có nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật xứng tầm với những thành tựu của thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động trùng tu tôn tạo di sản còn nhiều hạn chế. Đạo đức lối sống nhân cách văn hóa của người Việt Nam chúng ta nhiều nơi nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức…. Sự tha hóa, lối sống xa hoa giả dối vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hóa ngày càng lan rộng. Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội mà còn làm xấu hình ảnh đất nước con người văn hóa Việt Nam. Theo tôi đây là một nguy cơ thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta là: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”…”. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII phải là quá trình nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng văn hóa nước ta. Tôi tin tưởng rằng, kết quả Hội nghị sẽ có những đóng góp thiết thực mang nhiều ý nghĩa với những giải pháp sáng tạo để tất cả mọi người chúng ta cùng chung sức, chung lòng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới. (Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng) |
Nguyễn Hằng