"Phong sát" nghệ sĩ dính scandal:
"Sự quay lưng của khán giả là hình phạt lớn nhất"
(Dân trí) - Trước việc Bộ TT&TT ban hành quy định từ tháng 10/2023, nghệ sĩ vi phạm sẽ bị cấm sóng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình.
Chào PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Ông nghĩ gì về quy định này?
- Trong thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến khá nhiều hiện tượng nghệ sĩ và các KOLs có những biểu hiện không phù hợp, lệch chuẩn, dẫn đến phản ứng từ phía xã hội. Vì vậy, tôi đánh giá cao nỗ lực vào cuộc kịp thời của Bộ TT&TT trong việc ban hành văn bản để quản lý chặt chẽ hơn vấn đề trên.
Theo quan điểm của tôi, việc áp dụng các quy định hạn chế hoạt động của nghệ sĩ và KOLs khi họ vi phạm pháp luật và trái thuần phong mỹ tục là cần thiết để bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức và truyền thống của dân tộc.
Nghệ sĩ và KOLs có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng và đặc biệt là giới trẻ, và họ phải có trách nhiệm đối với việc phát sóng, biểu diễn, quảng cáo một cách có đạo đức và đúng đắn. Nếu họ vi phạm pháp luật và trái thuần phong mỹ tục, họ có thể gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội và tạo ra tác động tiêu cực đến quan niệm sống và giá trị của giới trẻ.
Tuy nhiên, quy định này cũng cần được áp dụng đúng đắn và công bằng. Việc quyết định hạn chế hoạt động của nghệ sĩ và KOLs cần được đưa ra sau khi đã có sự xem xét kỹ lưỡng và dựa trên cơ sở chứng minh rõ ràng. Hơn nữa, việc áp dụng quy định này cần có sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và các đối tượng nghệ sĩ, KOLs để đảm bảo tính công bằng và minh bạch
Thời gian gần đây, dư luận nói nhiều đến việc nghệ sĩ vướng ồn ào nhưng vẫn vô tư lên sóng, quảng cáo sản phẩm tràn lan. Nếu quy định trên được ban hành, có giống "vòng kim cô" khiến các nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề?
- Chúng ta đã ban hành nhiều quy định để giúp làm lành mạnh môi trường văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có thêm những giải pháp phù hợp hơn nữa để ứng phó với sự đa dạng và phức tạp của thị trường giải trí. Việc ban hành quy định, dù cần có thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả, nhưng chắc chắn sẽ đem lại một số chuyển biến tích cực trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật.
Tôi tin rằng, quy định trên của Bộ TT&TT có thể là một biện pháp để tăng cường trách nhiệm của các nghệ sĩ với công chúng và giúp đảm bảo sự chuyên nghiệp trong ngành giải trí. Quy định này cũng khiến họ có ý thức tự giác hơn về hành vi của mình trên mạng xã hội và trên các chương trình truyền hình và trong cả cuộc sống.
Nhưng mặt khác, việc áp dụng quy định cấm sóng cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Để giúp các nghệ sĩ nghiêm túc hơn với nghề, chúng ta cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin đến khán giả và cộng đồng. Cần có sự thay đổi về cách thức hoạt động của ngành giải trí để đảm bảo sự chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của các nghệ sĩ.
Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã ban hành quy tắc ứng xử đối với các nghệ sĩ nhưng đến nay, Bộ TT&TT lại phải ban hành một quy định mới này. Theo ông, lý do là gì?
- Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nhiều lớp bảo vệ môi trường văn hóa trong lành của xã hội. Để làm được như vậy, thứ nhất, chúng ta cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc quy định, hướng dẫn hành vi của nghệ sĩ. Mỗi bộ, ngành và địa phương, tùy vào chức năng và nhiệm vụ của mình, sẽ đưa ra các quy định cụ thể.
Thứ hai, bộ quy tắc ứng xử rất có ích trong việc đưa ra những hướng dẫn hành vi thông qua định hướng nhận thức về những gì nên làm/không nên làm. Tính chế tài của bộ quy tắc ứng xử rất thấp, nếu không muốn nói là hầu như không có.
Điều quan trọng nữa mà bộ quy tắc ứng xử làm được là tạo ra nhận thức chung của xã hội, từ đó góp phần hình thành nên dư luận xã hội đối với những vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử của nghệ sĩ.
Ở một phương diện nhất định, điều này cũng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta cần có sự chung tay của công chúng trong việc tôn vinh cái đẹp, lên án cái xấu.
Chính những hành vi như không chia sẻ, thích hay tẩy chay những sản phẩm độc hại cũng trở thành áp lực rất lớn đối với các nghệ sĩ. Những gì chúng ta thấy qua việc tẩy chay một ca sĩ vì câu chuyện anh em nương tựa là ví dụ như thế.
Vì thế, chúng ta cần cả bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động nghệ thuật của Bộ VH,TT&DL, cả quy định của Bộ TT&TT, để từ đó có sự phối hợp đồng bộ giữa hai bộ, tạo ra hiệu quả lớn hơn trong lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm này.
Theo một số chuyên gia văn hóa, quy định cấm sóng nghệ sĩ vi phạm đưa ra bây giờ là muộn hơn nhiều so với việc "phong sát" ở một số nước trong khu vực. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Để đưa ra một quy định như cấm sóng đối với nghệ sĩ, chúng ta cần phải thực hiện hết sức thận trọng, trên cơ sở đánh giá tác động văn hóa - xã hội cụ thể. Không phải chúng ta cứ bê y nguyên một giải pháp quản lý nước ngoài là có thể phù hợp ngay với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Mỗi quốc gia có khuôn khổ luật pháp riêng, đặc biệt là có lịch sử và văn hóa riêng. Chính vì những đặc điểm riêng đó nên việc áp dụng luật pháp của nước khác vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam phải hết sức cân nhắc, tránh máy móc. Tôi thấy, bây giờ đã là thời điểm chín muồi để chúng ta ban hành các quy định phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Vì thế, tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ TT&TT, Bộ VH,TT&DL trong việc chấn chỉnh hành vi của nghệ sĩ. Văn hóa nghệ thuật ở nước ta có vị trí vô cùng đặc biệt. Chúng ta xem văn hóa nghệ thuật là một mặt trận; anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Nghệ sĩ cần thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với đất nước.
Có ý kiến cho rằng, nghệ sĩ liên tục vướng scandal vì khán giả dễ quên, quá nuông chiều người nổi tiếng. Ông nghĩ sao?
- Tôi đồng ý một phần với lý do này, và đó là nguyên nhân chúng ta cần xây dựng một thế hệ khán giả có sức đề kháng với cái xấu, có bản lĩnh trong tiếp nhận và giải trí.
Sự chung tay của khán giả trong việc phản đối những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp của nghệ sĩ sẽ giúp cho họ có ý thức nhiều hơn về hành động của mình, vì xét cho cùng, nghệ sĩ luôn cần có khán giả. Sự quay lưng của khán giả là hình phạt lớn nhất đối với nghệ sĩ.
Tuy nhiên, cũng còn có những nguyên nhân khác khiến cho nghệ sĩ liên tiếp vướng vào scandal như áp lực cạnh tranh quá lớn của ngành công nghiệp giải trí, sự lỏng lẻo trong quản lý mạng xã hội, lợi ích quá lớn trong khi xử phạt không đủ sức răn đe, thậm chí do nhận thức chưa đầy đủ của chính nghệ sĩ...
Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ thẳng thắn!