Sự nghiệp hội họa rực rỡ của nữ họa sĩ cả cuộc đời sống trong bi kịch
(Dân trí) - Khi chỉ còn một năm để sống trên đời, khi rơi vào tình cảnh nằm liệt giường vì đau ốm, nữ họa sĩ nổi tiếng người Mexico - Frida Kahlo đã biến phòng bệnh của mình trở thành triển lãm.
Frida Kahlo (1907 - 1954) đã biến phòng bệnh của mình trở thành một không gian mỹ thuật rực rỡ, bà biến nỗi đau về thể xác và tinh thần trở thành nguồn động lực để sáng tạo nên những tác phẩm ấn tượng.
Trong sự nghiệp hội họa của mình, Frida Kahlo chưa từng tổ chức một show trưng bày solo nào để giới thiệu các tác phẩm của bản thân tại thành phố quê nhà, nơi bà sinh ra và qua đời ở đó - thành phố Mexico City. Chỉ có khoảng gần một năm cuối đời, bà biến căn phòng ngủ của mình trở thành một gallery tranh ấn tượng.
Căn phòng nơi bà nằm dưỡng bệnh đã chứng kiến nữ họa sĩ tài ba, khi ấy đang ở tuổi 46, trút tất cả sinh lực còn lại, bao gồm cả những nỗi đau về thể xác và tinh thần, để bung nở tài năng mỹ thuật và dần khép lại một cuộc đời tài hoa nhưng ngắn ngủi.
Sức khỏe của Frida Kahlo từ nhỏ đã không tốt, nữ họa sĩ từng bị viêm tủy từ khi còn nhỏ và gặp nhiều khó khăn về thể chất, nhưng vượt lên trên hoàn cảnh ấy, Kahlo vẫn là một sinh viên giỏi ở trường dược.
Dù vậy, số phận không buông tha Kahlo, bà gặp phải một tai nạn giao thông nghiêm trọng năm 18 tuổi, khiến cả cuộc đời bà sau đó phải chịu đựng thêm nhiều hệ lụy đau đớn và những vấn đề sức khỏe khác. Trong quãng thời gian điều trị bệnh sau tai nạn, bà quay trở lại với niềm vui từ thuở ấu thơ - hội họa và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc trở thành họa sĩ.
Về mặt tinh thần, trong cuộc đời mình, nữ họa sĩ yêu thương và gắn bó với họa sĩ Diego Rivera (1886 - 1957). Họ kết hôn từ năm 1929 tới năm 1939 thì ly hôn, nhưng ngay năm 1940, họ đã tái hôn lại với nhau và gắn bó trong hôn nhân cho tới khi bà qua đời năm 1954.
Trong những năm tháng ở bên Rivera, Kahlo luôn đau khổ vì chồng bà là người không chung thủy, dù vậy, bà không thể nào ngừng dành tình yêu thương cho ông và luôn sống trong trạng thái vừa yêu thương mãnh liệt, vừa đau khổ khôn nguôi.
Căn phòng riêng của bà trong ngôi nhà của gia đình ở thành phố Mexico City đã trở thành một “thánh đường nghệ thuật”, là nơi để bà bung nở hết mức tài năng hội họa của mình trước khi qua đời.
Các nhà phê bình nghệ thuật đều nhìn nhận rằng Frida Kahlo đã sáng tạo nghệ thuật từ chính sự đau đớn, khổ sở của bản thân. Việc phải ở nguyên trong nhà và tình trạng nằm liệt giường trong thời gian dài khiến hội họa trở thành một sự thoát ly thực tế của Kahlo. Nữ họa sĩ cố vượt thoát ra khỏi bốn bức tường để biểu đạt bản thân và kể câu chuyện của mình qua những bức tranh.
Câu chuyện cuộc đời của Kahlo là cuộc vật lộn và sự chiến thắng của sức sáng tạo trước những điều không may mắn trong cuộc sống, Kahlo là một nghệ sĩ có tính hình mẫu, khi bà vượt lên nghịch cảnh, sự đau đớn, sự tù túng, nỗi khổ tâm…
Những tác phẩm của bà chủ yếu có kích thước nhỏ nhưng chứa đựng nhiều nội lực và sức sáng tạo mạnh mẽ, Kahlo đã dồn hết sức mạnh của mình vào cọ vẽ. Trong khi người chồng của bà đương thời nổi tiếng hơn bà, ông đi nhiều nơi, thực hiện những tác phẩm khổ lớn, thì bà thực hiện những bức vẽ nhỏ, khắc họa những nỗi buồn của mình, như khi bị sảy thai, khi mẹ ruột qua đời...
Kahlo đặc tả những đề tài của nữ giới theo một cách đầy nữ tính, thực tế, trước bà, chưa có họa sĩ nào đặc tả nỗi đau của người phụ nữ bị sảy thai. Trong căn phòng dưỡng bệnh của mình, bà mở ra cả một bến bờ nghệ thuật bình an, là sân khấu riêng để bà tỏa sáng.
Những bức vẽ của bà mang nhiều màu sắc rực rỡ với phong cách rất riêng, đó là cách để bà lên tinh thần cho chính mình, chấp nhận hoàn cảnh của mình và làm tốt nhất những gì có thể, dù vậy, vẫn có rất nhiều điều buồn bã và phức tạp không ngừng xảy tới trong cuộc sống của bà.
Giữa bối cảnh hiện nay, khi trên khắp thế giới, đề tài “cách ly xã hội”, “giãn cách xã hội” bỗng trở nên quen thuộc, người ta nhớ tới Frida Kahlo như một nghệ sĩ đã không ngừng sáng tạo trong sự “tự cách ly” vì hoàn cảnh sức khỏe. Bệnh tật triền miên khiến bà không thể ra ngoài gặp gỡ, giao lưu. Các bạn bè của nữ nghệ sĩ đều khẳng định rằng bà rất thích giao tiếp, gặp gỡ và... tán tỉnh.
Tất cả những gì bà không làm được đều khiến bà khao khát được trải nghiệm. Dù sống trong nỗi bất lực giận dữ vì không thể bước ra ngoài và làm những gì mình muốn, nhưng Kahlo biến những xúc cảm tiêu cực trở thành thứ hành trang để bà có thể dồn tâm sức tỏa sáng trong hội họa.
Sau khi sống sót vượt qua căn bệnh viêm tủy khi còn nhỏ, nữ họa sĩ có bên chân phải yếu ớt và ngắn hơn chân trái. Bà thường mặc váy dài và đi nhiều tất ở bên chân phải để phần nào giấu đi những bất thường trên cơ thể mình, điều này bà đã chú ý thực hiện từ khi còn nhỏ. Sau này, ở tuổi 18, xương hông của bà lại bị giập vỡ trong một vụ tai nạn giao thông…
Nữ họa sĩ rất quan tâm tới cái Đẹp, đến thời trang, bà pha trộn thời trang truyền thống của Mexico với thời trang hiện đại của Châu Âu để tạo nên một phong cách riêng trong tranh mình. Bà cũng thường tập trung khai thác nhân vật ở nửa thân trên, điều này là một cách để bà quên đi nửa thân dưới nhiều đau đớn, tật bệnh của bản thân.
Với những gì đã trải nghiệm, Kahlo rất quen thuộc với... cái chết, điều này khiến nữ họa sĩ không ngần ngại trước những đề tài tưởng như kiêng kỵ. Kahlo không ngần ngại khắc họa máu và cái chết, của bản thân và của những người khác.
Có lần nữ nghệ sĩ nhận được đơn đặt hàng thực hiện một bức tranh về một nữ diễn viên quá cố. Khi nhận được tác phẩm, bên đặt hàng đã giật mình thảng thốt, đó chính là bức “The Suicide of Dorothy Hale” (Dorothy Hale tự tử), khắc họa cái chết của nhân vật mà bà được đặt hàng khắc họa.
Dorothy Hale đã nhảy xuống từ một tòa nhà cao tầng và Kahlo khắc họa điều ấy trong tranh, không ngần ngại. Đó là một trong những bức tranh có tính siêu thực nhất do Kahlo thực hiện, nhưng bà luôn một mực phủ nhận chất siêu thực trong tranh mình: “Tôi không bao giờ vẽ từ những giấc mơ. Tôi vẽ từ thực tế của mình”.
Khi còn nhỏ, lúc đau ốm nặng và cận kề cái chết, trò chơi của cô bé Kahlo đã được ghi lại trong nhật ký, đó là giai đoạn đầu tiên Kahlo bắt đầu phải làm quen với cuộc sống tù túng trong bốn bức tường. Cô bé khi ấy đã thường tì mặt vào tấm kính cửa sổ, hà hơi lên kính và vẽ một ô cửa nhỏ để hình dung mình thoát ra khỏi căn phòng từ đó và thực hiện những cuộc phiêu lưu bằng trí tưởng tượng.
Về sau, khi đã trưởng thành, số phận vẫn không mỉm cười hơn với Kahlo, bà từng nói: “Đôi chân, tôi cần nó làm gì khi tôi có đôi cánh để bay?”. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là một hình dung đến từ trí tưởng tượng của bà, qua đó, bà biến đời thường quanh mình trở thành những điều kỳ diệu trên vải vẽ. Dù màu sắc trong tranh Kahlo rực rỡ ấn tượng, nhưng những điều được khắc họa thì rất dữ dội.
Bích Ngọc
Theo The Guardian