Sứ mệnh của điện ảnh Triều Tiên là ngợi ca các nhà lãnh đạo

(Dân trí)- Tình dục là yếu tố cấm kỵ. Nụ hôn là thứ... "xa xỉ" trên màn ảnh. Khác với tất cả các nước, điện ảnh Triều Tiên không phải để giải trí, các nhà làm phim ở đây mang sứ mệnh cao cả duy nhất là ngợi ca các nhà lãnh đạo.

Điện ảnh Triều Tiên chỉ mang sứ mệnh ngợi ca các nhà lãnh đạo

Bức hình chụp ngày 22/9/2010 khắc họa các poster quảng bá cho những bộ phim tham gia Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng lần thứ 12 diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
 
 
Mới đây, hai nhà làm phim người Singapore đã cho ra mắt bộ phim tài liệu hiếm có, khắc họa ngành điện ảnh Triều Tiên. Cả nước này có một trường điện ảnh, đây là nơi các học viên học cách làm những bộ phim tôn vinh các nhà lãnh đạo.

“Ánh nhìn phải dữ dằn! Sự căm thù phải vằn lên trong mắt!” Đó là những gì mà vị đạo diễn nổi tiếng tại Triều Tiên – Pyo Hang yêu cầu nhóm diễn viên phải thể hiện được trong một phân cảnh của bộ phim làm về đề tài chiến tranh. “Các đồng chí! Tôi chưa nhìn thấy sự căm phẫn trong mắt các đồng chí. Hãy thể hiện lòng căm thù của mình, chính kẻ thù độc ác đã khiến chúng ta phải cầm súng…”


 
Đó là những gì diễn ra hàng ngày ở trường học viện điện ảnh duy nhất của Triều Tiên. Sự rèn luyện ở đây diễn ra rất khắt khe, nghiêm ngặt. Mục tiêu của tất cả các học viên ở đây là sau này sẽ làm nên những bộ phim xuất sắc, tôn vinh các nhà lãnh đạo Triều Tiên.
 
Hai nhà làm phim người Singapore – James Leong và Lynn Lee đã may mắn nhận được đặc cách hiếm có của chính phủ Triều Tiên. Họ được đến tận nơi, quan sát tận mắt những gì đang ngày ngày diễn ra tại trường điện ảnh duy nhất của Triều Tiên. Trong đoạn video trên, họ được dịp quan sát vị đạo diễn tài danh nhất Triều Tiên – Pyo Hang chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên.
 

Rạp chiếu phim ở Triều Tiên.

Rạp chiếu phim ở Triều Tiên.

Trong chuyến đi đặc biệt này, hai nhà làm phim người Singapore đã thực hiện một bộ phim tài liệu dài 95 phút có tên “Nền điện ảnh vĩ đại của Triều Tiên” (The Great North Korean Picture Show). Trong đó, quá trình rèn luyện gian khổ của một số ngôi sao điện ảnh nổi tiếng tại đất nước này được khai thác cặn kẽ.
 
Đoạn phim ngắn phía trên là một trích đoạn trong bộ phim tài liệu dài 95 phút. Trong một cuộc phỏng vấn, vị đạo diễn nổi tiếng của Triều Tiên – Pyo Hang đã nói rằng: “Động lực sáng tạo của tôi chính là các nhà lãnh đạo kính yêu của Triều Tiên. Khi làm ra một bộ phim, chúng tôi chỉ mong các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá cao tác phẩm của mình. Nhờ vào sự lãnh đạo của ngài mà tôi mới có thể làm nên những tác phẩm kinh điển”.
 

Nội dung chủ đạo trong các bộ phim của Triều Tiên vẫn là khắc họa đề tài chiến tranh.

Nội dung chủ đạo trong các bộ phim của Triều Tiên vẫn là khắc họa đề tài chiến tranh.

Trước đó, để thực hiện được bộ phim tài liệu hiếm có này, hai vị đạo diễn Leong và Lee đã phải gửi đơn xin phép chính phủ Triều Tiên để được tiếp cận với các nhà làm phim và diễn viên của nước này. Họ đã chờ vài tháng để nhận được sự đồng ý từ các cấp lãnh đạo bên phía Triều Tiên.

Chính phủ Triều Tiên cho phép Leong và Lee đến thăm xưởng phim và trường điện ảnh với điều kiện họ phải chấp nhận chịu sự giám sát của những nhân viên chính phủ. Đồng thời, những gì họ thực hiện trong máy ghi hình phải nộp lại để được kiểm duyệt vào cuối mỗi ngày quay.

Khi xem bộ phim tài liệu “Nền điện ảnh vĩ đại của Triều Tiên”, khán giả sẽ vô cùng ấn tượng về những xúc cảm chân thực và niềm đam mê đóng phim, làm phim của các diễn viên, đạo diễn tại Triều Tiên.

Cố Chủ tịch Kim Jong Il từng đích thân tới thăm đoàn làm phim “An Jung Geun trả thù Hirobumi Ito”.

Cố Chủ tịch Kim Jong Il từng đích thân tới thăm đoàn làm phim “An Jung Geun trả thù Hirobumi Ito”.

Được hỏi về mục đích làm bộ phim tài liệu này, hai đạo diễn người Singapore chia sẻ: “Trước đây, bộ phim tài liệu “Akira’s Boys” của chúng tôi đã được mời tham dự Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng năm 2008. Đó là lần đầu tiên chúng tôi tới và tìm hiều về ngành làm phim ở Triều Tiên”.

“Những ngôi sao điện ảnh và những đạo diễn lừng danh tại Triều Tiên mà chúng tôi được gặp đều nói với chúng tôi rằng nhiệm vụ hàng đầu của họ là phục vụ cho các nhà lãnh đạo. Họ cần làm ra những bộ phim tôn vinh những nhà lãnh đạo này. Họ tự coi mình là những người lãnh sứ mệnh tuyên truyền bằng điện ảnh và làm phim đối với họ không phải để giải trí”- hai đạo diễn Singapore nói.

Quang cảnh bên ngoài xưởng phim tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Quang cảnh bên ngoài xưởng phim tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Được biết tầm ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo Triều Tiên đối với ngành điện ảnh nước này vô cùng to lớn. Những nhà làm phim ở đây thậm chí đã thống kê lại chi tiết những con số ấn tượng sau: Chủ tịch Kim Il-sung từng tới thăm xưởng phim 24 lần và đưa ra 640 chỉ đạo. Chủ tịch Kim Jong-Il tới thăm xưởng phim 600 lần và đưa ra 2.400 hướng dẫn…

Người Triều Tiên rất yêu điện ảnh. Mỗi quận ở thủ đô Bình Nhưỡng đều có rạp chiếu phim riêng và trên khắp đất nước đều có rạp chiếu. Người dân có thói quen đi xem phim vào các ngày thứ 7 và Chủ Nhật cũng như vào các buổi tối trong tuần.

Quang cảnh trong một trường quay ở Triều Tiên

Quang cảnh trong một trường quay ở Triều Tiên

Những bộ phim nước ngoài được chiếu ở rạp Triều Tiên chủ yếu là phim của Trung Quốc và Nga. Sự kiện đáng kể trong nền điện ảnh Triều Tiên là Liên hoan phim Quốc tế bình Nhưỡng lần đầu được tổ chức vào năm 1989. Mỗi kỳ liên hoan thường diễn ra trong 10 ngày.

Đối với những phim nước ngoài muốn tham dự liên hoan, cần đặc biệt lưu ý: Tình dục là yếu tố cấm kỵ và nụ hôn cũng là gia vị xa xỉ, hiếm khi xuất hiện trên màn ảnh Triều Tiên.

 
Pi Uy
Theo Global Post