Sử dụng “độc chiêu” vẫn khó “trị” nạn ăn cắp bản quyền phim Việt
(Dân trí) - Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, trong thời gian qua, khi phát hiện nhiều chương trình truyền hình và phim Việt bị ăn cắp bản quyền, đơn vị này đã triển khai rất nhiều biện pháp “độc chiêu”. Tuy nhiên, vấn nạn ăn cắp bản quyền vẫn không có dấu hiệu giảm.
Phim càng “hot”, càng bị ăn cắp bản quyền
Đại diện VTV cho rằng, việc vi phạm bản quyền VTV biểu hiện ở nhiều dạng thức với các mức độ khác nhau: sử dụng chương trình truyền hình mà không xin phép, thỏa thuận; tiếp phát sóng chương trình của VTV nhưng tự ý chèn quảng cáo của mình vào hoặc tự ý chèn banner quảng cáo trong chương trình; các chương trình truyền hình đặc sắc như hài (Táo Quân, Gala Cười), phim truyện, truyền hình thực tế (The Voice, Đồ rê mí, Vietnam’s Got Talent…) với chi phí bản quyền và chi phí sản xuất cực tốn kém nhưng bị sao chép và phát tràn lan trên Internet hoặc in thành băng đĩa bán trên thị trường. Một số đài truyền hình địa phương thu chương trình của VTV (nhất là các chương trình giải trí trên kênh VTV3) sau đó phát lại trên kênh sóng của mình vào khung giờ khác.
Các hành vi vi phạm đã khiến VTV phải chịu tổn thất lớn, khiến một số đối tác quốc tế của VTV quyết định ngừng hợp tác. Chẳng hạn vụ cắt sóng các trận đấu của giải bóng đá Champions League và Europa League những ngày đầu tháng 5/2017.
“Rất đơn giản để nhận thấy vào những giờ chiếu hai bộ phim ăn khách như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” thì trên hàng chục kênh Youtube hoặc trên website của các công ty truyền thông cũng phát sóng trực tiếp hai bộ phim này, đồng thời chèn rất nhiều hình ảnh quảng cáo với hàng trăm nghìn lượt người xem trực tiếp.
Đơn cử, trong tháng đầu tiên phát sóng 2 phim nói trên đã có 400 trang Facebook và kênh Youtube cá nhân phát trực tiếp. Riêng Facebook đã có tới 320 trang đăng tải nguyên vẹn các tập của 2 bộ phim, chưa kể các trang Facebook đăng tải nội dung có thời lượng ngắn”, đại diện VTV nói.
Để đấu tranh với tình trạng vi phạm này, VTV đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, từ việc áp dụng kỹ thuật ngăn chặn, truyền thông rộng rãi đến gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý xử phạt đến chuẩn bị thủ tục khởi kiện dân sự.
Từ năm 2017, qua đấu tranh VTV đã thu về số tiền 500 triệu đồng bồi thường vi phạm bản quyền của 2 doanh nghiệp truyền thông, kiến nghị cơ quan thanh tra xử lý hành chính 3 doanh nghiệp khác.
Trong môi trường số, VTV đã phải bổ sung rất nhiều nhân lực để thực hiện đánh chặn bản quyền bằng cách tải từng video của các chương trình VTV lên Youtube để Youtube tự quét và đánh chặn dựa trên video đã tải lên. Tuy nhiên, hình thức này không chặn được các video sử dụng kỹ thuật lách bản quyền qua các hình thức: co màn hình, xoay màn hình, biến dạng màn hình, tùy chỉnh hiệu ứng âm thanh…
Áp dụng công nghệ để minh bạch là tất yếu
Ở một khía cạnh khác, mới đây, gia đình nhạc sĩ An Thuyên đã có cuộc gặp gỡ báo chí để chia sẻ lí do vì sao rút toàn bộ tác phẩm của cố nhạc sĩ này khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC). Nhạc sĩ An Hiếu - con trai cố nhạc sĩ An Thuyên cho rằng, việc rút toàn bộ tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên khỏi VCPMC không phải tiền bạc mà gia đình cần được biết các sáng tác của cố nhạc sĩ được khai thác, sử dụng, phổ biến ra sao… nhưng VCPMC lại không đáp ứng được.
Công nghệ kỹ thuật số đã phát triển rất mạnh nhưng VCPMC không chịu áp dụng công nghệ để đảm bảo công khai, minh bạch hơn. Trước đó, bản thân nhạc sĩ Phú Quang cũng đã rút toàn bộ tác phẩm của mình khỏi VCPMC vì cho rằng Trung tâm này thiếu sự minh bạch và còn nhiều bất cấp trong chi trả tiền tác quyền. Nhiều nhạc sĩ như: Trịnh Công Sơn (đại diện gia đình), Lam Phương... cũng từng rút tên khỏi VCPMC cách đây nhiều năm.
Ông Đặng Đình Long - Chủ tịch HĐQT Cty CP giải pháp công nghệ AiBiz (đơn vị sở hữu công nghệ giám sát việc sử dụng âm nhạc trên truyền hình) cho rằng, 10 năm trước không có công nghệ, bây giờ công nghệ thế giới đã rất phát triển nên việc VCPMC phải ứng dụng công nghệ làm cho thị trường minh bạch, quyền lợi các bên được đảm bảo hơn là điều tất yếu.
Theo ông Đặng Đình Long, hiện nay không nhất thiết phải đầu tư phát triển công nghệ, có nhiều đơn vị sẵn sàng cho thuê công nghệ. Công nghệ ở Việt Nam chỉ chênh với Mỹ khoảng 3-6 tháng về sự phát triển. Chẳng hạn, công nghệ monitor giám sát trên truyền hình của AiBiz có thể bóc tách đến từng giây đài truyền hình nào sử dụng tác phẩm của ai, ai biểu diễn trong chương trình, ngày giờ nào.
Theo đó, đơn vị này sẽ thu thập dữ liệu đầu vào là các chương trình phát sóng trên khoảng 90 kênh của các đài truyền hình tại Việt Nam (lọc bỏ những kênh chuyên phát các thể loại không liên quan tới nhạc), cứ 5 phút/đoạn thu, đưa vào một phần mềm chuyên biệt. Hệ thống thu thập dữ liệu hoạt động 24/24h và có thể điều khiển từ xa qua hệ thống tin nhắn tới điện thoại kỹ thuật viên. Sau đó, nhờ bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống sẽ tự động nhận diện những đoạn video có phát nhạc và đánh dấu để chương trình nhận diện tự động và kỹ thuật viên dễ nhận biết.
Tiếp theo, với từng bài hát, đoạn nhạc được phát sóng, hệ thống tự động chia thành nhiều đoạn nhỏ 5 giây. Nhờ công nghệ auto-matching (tự động tìm kiếm, đối chiếu âm thanh), chúng được so sánh với cơ sở dữ liệu của Aibiz. Trường hợp tác phẩm trên truyền hình hoặc radio trùng khớp trên 95%, máy sẽ tự động ghi nhận toàn bộ thông tin như tên bài hát, chương trình, tác giả, ca sỹ... Như vậy, với một bài hát, đoạn nhạc, sau khi sử dụng hệ thống này, chúng ta sẽ có thông tin phục vụ cho việc thu phí bản quyền.
Đại diện Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ, với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Việc xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan do cơ quan có thẩm quyền xử phạt chủ động phát hiện hoặc thông qua đơn tố cáo hoặc chủ sở hữu hoặc tác giả thực hiện một trong các quyền tự bảo vệ là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mức phạt tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 25 triệu đồng, với tổ chức là 500 triệu đồng. Mức phạt cao nhất được quy định tại Điều 16 của Luật Sở hữu trí tuệ là “Hành vi xâm phạm quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm”.
Hà Tùng Long