Sống lại thời kỳ giã gạo trong lễ hội Cơm thi

(Dân trí) - Thi nấu cơm bằng cách tự đánh lửa, giã, sàng gạo, vo gạo rồi nấu thành cơm là nét văn hóa độc đáo không thể thiếu của lễ hội Đình Cơm thi (Hà Trung- Thanh Hóa). Nét văn hóa này làm sống dậy thời kỳ giã gạo của người dân Việt hàng chục năm qua.

Thổi cơm thi là một trò diễn nhằm thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, trau dồi thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp quan trọng bậc nhất do chính tay người dân làm ra. Không những thế còn phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa, ý thức tôn trọng sản phẩm nông nghiệp là hạt thóc, hạt cơm. Trò thổi cơm thi trong lễ hội cổ truyền không chỉ là một trò chơi giải trí, thi tài trong dịp lễ hội mà nó thực sự còn là loại trò diễn mang yếu tố nghi lễ.

Làm lễ dâng cúng thành Hoàng làng
Làm lễ dâng cúng thành Hoàng làng

Sản phẩm của cuộc nấu cơm thi thường được coi là thức cúng thần linh với ý nghĩa phẩm vật ấy đã được tạo ra từ những gì quý giá, tinh khiết, trong trắng nhất, mất nhiều công sức từ khâu chuẩn bị đến lúc hoàn thiện sản phẩm biểu trưng cho lòng thành kính của cộng đồng đối với thần linh.

Trò thổi cơm thi là một phần nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Đình Cơm Thi diễn ra mỗi năm một lần vào tháng giêng âm lịch tại làng Đớn thuộc xã Hà Thanh, huyện Hà Trung. Nơi đây là miền đất cổ, chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa, hình thành và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Nấu cơm thi bằng phương pháp truyền thống là một phần không thể thiếu trong buổi lễ
Nấu cơm thi bằng phương pháp truyền thống là một phần không thể thiếu trong buổi lễ

Đình Cơm Thi ở Thanh Đớn gắn liền với việc tri ân danh tướng Phan Tây Nhạc, người con của đất Tống Sơn có công chống giặc ngoại xâm, dạy cho dân chăm lo việc nông trang từ thuở vua Hùng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì để tri ân công đức của tướng Phan Tây Nhạc và các vị tiền nhân có công với nước, năm nào cũng vậy cứ đến dịp mùa xuân không chỉ quê gốc của người Hà Trung, xứ Thanh mà cả ở những địa phương ông từng lưu dấu, nhân dân đều tổ chức nấu cơm thi để cọn người nuôi quân giỏi, phục vụ quân đội, vừa nấu cơm, vừa cấp tốc hành quân diệt giặc. Đình Cơm thi Thanh Đới thờ ngài cũng gắn liền với mỹ tục này kể từ đó. 

Hội cơm thi làng Thanh Đớn đã có lịch sử qua hàng trăm năm, tuy nhiên trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử đã dần mai một. Những năm gần đây, hội cơm thi làng Thanh Đớn lại được phục dựng lại. Đây được xem là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã và đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng, bởi nó đã trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương.

Để có nồi cơm ngon cúng thành Hoàng làng, mỗi thôn phải chọn những cô thôn nữ khéo tay, đảm việc
Để có nồi cơm ngon cúng thành Hoàng làng, mỗi thôn phải chọn những cô thôn nữ khéo tay, đảm việc
Để có nồi cơm ngon cúng thành Hoàng làng, mỗi thôn phải chọn những cô thôn nữ khéo tay, đảm việc

Những tục ở lễ hội như việc sắm sửa cờ, kiệu, trang phục... đến việc tế tam sinh gồm bò, lợn, dê, rước thành Hoàng quanh làng và tiến hành tế lễ tại đình với các quan viên, chủ tế chỉnh tề, chúc văn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, là những giá trị nhân văn sinh động, và là nhu cầu của người dân ở đây từ bao đời đời, nên lễ hội được bảo tồn đến ngày nay.

Sau phần lễ uy nghiêm với các màn rước kiệu thờ theo nghi thức cổ. Bước vào phần hội, các thôn cử ra từng cặp trai gái ăn mặc chỉnh tề, giỏi giang việc đồng áng và nội trợ để đua tài.

Việc đánh lửa cũng phải thực hiện theo phương pháp cổ xưa
Việc đánh lửa cũng phải thực hiện theo phương pháp cổ xưa

Để có được nồi cơm ngon dâng cúng Thành Hoàng làng đòi hỏi những cô thôn nữ giã thóc, sàng gạo, nấu cơm phải nhanh nhẹn khéo tay, phải chọn thóc tốt để cơm nấu dẻo thơm, chóng chín. Những chàng trai được chọn chạy đi lấy nước, dùng cật tre và bùi nhùi kéo lửa, dùng nứa khô để nhóm lửa thổi cơm.

Cuộc thi kết thúc vào thời điểm chính Ngọ là giờ đẹp để dâng cúng Thành Hoàng. Cặp nào nấu cơm chín trước, cơm dẻo vừa trắng lại thơm ngon là thắng cuộc. Người dân ở đây cũng quan niệm nếu thôn nào thắng cuộc thì họ tin rằng năm đó cả làng được may mắn, công việc thuận lợi, hanh thông, mùa màng bội thu.

Việc đánh lửa cũng phải thực hiện theo phương pháp cổ xưa
Việc đánh lửa cũng phải thực hiện theo phương pháp cổ xưa
Người dân quan niệm thôn nào thắng cuộc với cơm chín trước, thơm ngon sẽ mang may mắn cho dân làng cả năm

Nguyễn Thùy


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm