Siêu phẩm “nàng Mona Lisa của Châu Phi” có giá 38 tỷ đồng

(Dân trí) - Sau 4 thập kỷ thất lạc, siêu phẩm hội họa “nàng Mona Lisa của Châu Phi” đã vừa được tìm thấy trở lại trong một căn hộ bình dân. Ngay lập tức, cuộc “lênh đênh chìm nổi” khó tin đã giúp siêu phẩm đạt mức giá “khủng” - tương đương 38 tỷ đồng.

Một bức tranh chân dung được mệnh danh là “siêu phẩm nàng Mona Lisa của Châu Phi” đã vừa được bán ra với giá hơn 1,2 triệu bảng Anh (tương đương hơn 38 tỷ đồng) sau khi bị lãng quên trong một căn hộ bình dân ở London (Anh) suốt nhiều năm.

Bức tranh chân dung này từng được thực hiện bởi cố họa sĩ người Nigeria - Ben Enwonwu (1917-1994). Bức tranh đã xác lập một kỷ lục mới về giá đối với các tác phẩm được thực hiện bởi vị danh họa này.

Siêu phẩm “nàng Mona Lisa của Châu Phi” có giá 38 tỷ đồng
Siêu phẩm “nàng Mona Lisa của Châu Phi” có giá 38 tỷ đồng

Tác phẩm khắc họa dung nhan một nàng công chúa huyền thoại trong đời sống văn hóa Nigeria. Trong hai năm 1973-1974, họa sĩ Ben Enwonwu đã thực hiện ba bức tranh chân dung khắc họa dung nhan một nàng công chúa bí ẩn. Về sau cả ba bức tranh đều bị thất lạc.

Mãi cho tới mới đây, một bức chân dung trong bộ ba này bất ngờ xuất hiện trở lại trên thị trường và được một nhà đấu giá tại Anh đem ra rao bán. Ban đầu, bức tranh được ước đoán sẽ đạt mức giá vào khoảng 300.000 bảng.

Dù vậy, tại phiên đấu giá vừa diễn ra trong tháng 3 này, tại London (Anh), một cuộc chiến về giá đã diễn ra sôi động trong vòng 20 phút, cuối cùng bức tranh chân dung đã được bán cho một người mua ẩn danh với giá 1.205.000 bảng Anh.

Trước đó, mức giá cao nhất được trả cho một bức tranh của họa sĩ Ben Enwonwu mới dừng ở mức 361.250 bảng. Đây cũng là mức giá kỷ lục đối với bất cứ tác phẩm hội họa nào được thực hiện bởi một họa sĩ người Nigeria.


Cố họa sĩ Ben Enwonwu.

Cố họa sĩ Ben Enwonwu.

Họa sĩ Ben Enwonwu từng có thời gian học tập tại một số trường Đại học của Anh hồi thập niên 1940. Trong bức tranh toàn cảnh về hội họa của Nigeria và hội họa hiện đại của Châu Phi, Ben Enwonwu cũng là một nhân vật đáng kể.

Hồi tháng 2 năm nay, bức tranh chân dung bất ngờ được tìm thấy lại tại một căn hộ bình dân trong thành phố London (Anh).

Trước đây, đã có rất nhiều bức tranh giả được giới thiệu là tranh bị thất lạc của họa sĩ Ben Enwonwu với các nhà đấu giá tại Anh, nhưng những chiêu trò này đều nhanh chóng bị phát hiện.

Cho tới đầu năm 2018, khi một gia đình sinh sống ở London liên hệ với nhà đấu giá Bonhams, bằng con mắt nhà nghề, nhà đấu giá đã khẳng định được đây chính là tranh thật, bị thất lạc bấy lâu.

Danh tính của gia đình sở hữu bức tranh được giấu kín, nhưng theo phía nhà đấu giá, đó là những con người rất bình thường. Họ đã được thừa kế lại bức tranh từ người cha đã qua đời. Ông cụ bằng một cách nào đó đã mua được bức tranh này về treo trong nhà. Số tiền ông từng bỏ ra để mua tranh chắc cũng không nhiều, bởi ông vốn không giàu có gì.

Các con cái của ông cụ muốn thử vận may với bức tranh rất giống với tác phẩm bị thất lạc của danh họa người Nigeria, nên đã liên hệ với nhà đấu giá. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhà đấu giá Bonhams đã chứng thực được đây chính là tranh thật của họa sĩ Ben Enwonwu.

Siêu phẩm “nàng Mona Lisa của Châu Phi” có giá 38 tỷ đồng - 3

Bản thân họa sĩ vốn từng có thời học tập tại Anh và lại có nhiều hoạt động nghệ thuật được biết tới tại đây, vì vậy, sự quan tâm của giới sưu tầm dành cho tác phẩm đã tăng cao bất ngờ. Nhất lại đặt trong bối cảnh giá tranh trên thị trường đang được đẩy cao.

Bộ tranh khắc họa chân dung nàng công chúa huyền thoại trong đời sống văn hóa người Nigeria được xem là bộ tranh đỉnh cao trong sự nghiệp hội họa của Ben Enwonwu.

Trải qua những biến động trong gia đình họa sĩ, trong đó, có cả những lần gia đình bị kẻ trộm đột nhập, cả ba bức tranh chân dung do ông thực hiện đều đã thất lạc. Bức vừa được bán đấu giá tại London là bức thứ 2 khắc họa chân dung nàng công chúa huyền thoại, được ông thực hiện năm 1974, từng được đem triển lãm năm 1975 rồi biến mất.

Hiện giờ người ta không biết hai tác phẩm còn lại trong bộ tranh đang lưu lạc ở phương nào.

Bích Ngọc
Theo Daily Mail/The Guardian