Siêu bảo tàng 11.277 tỉ: Sao lại làm ngược thế?

GS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo tàng chỉ ra cách làm bảo tàng "sai từ gốc" hiện nay.

Lộ ra cơ chế không ổn

bảo tàng hà nội, bảo tàng lịch sử quốc gia, bảo tàng phụ nữ, bảo tàng dân tộc học

Mô hình bảo tàng lịch sử quốc gia mới

 

Những ngày qua, câu chuyện về xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia hơn 11.000 tỉ đồng tiếp tục được xới lại sau khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để lập kế hoạch vốn đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Hơn 3 năm trước, dự án này đã từng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Và giờ đây, vấn đề hiệu quả của bảo tàng lại được đặt ra, nhất là khi một bảo tàng mới dự kiến sắp được xây dựng ngốn tới nửa tỉ USD, chưa kể chi phí xây dựng nội dung.

Trước câu hỏi của VietNamNet về tính hiệu quả của công trình siêu bảo tàng này, GS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng dân tộc học cho rằng vấn đề cần đặt ra lúc này không còn là chuyện số tiền xây bảo tàng như thế là ít hay nhiều nữa mà nằm ở khâu quan trọng khác.

Một số bảo tàng có kinh phí 'khủng' được xây dựng gần đây, không chỉ có riêng Bảo tàng Hà Nội đã lộ ra cơ chế làm bảo tàng không ổn. Đơn cử là Bảo tàng Hà Nội đã giao khoán toàn bộ việc thiết kế, xây dựng cho Sở Xây dựng và Ban Quản lý Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội.

bảo tàng hà nội, bảo tàng lịch sử quốc gia, bảo tàng phụ nữ, bảo tàng dân tộc học

Bảo tàng Hà Nội nghèo nàn nội dung trưng bày, vắng khách thăm quan.

 

"Nếu làm như vậy thì chắc chắn bảo tàng sẽ không có nội dung tốt bởi bên xây dựng làm sao hiểu được về chuyên môn để chuẩn bị nội dung. Với những công trình như thế, nội dung phải do người giám đốc bảo tàng và những người có chuyên môn tham gia xây dựng".

GS Nguyễn Văn Huy cho rằng việc tách chuyên môn khỏi xây dựng nên các bảo tàng mới làm không có chất lượng. Và những người đứng đầu bảo tàng chỉ là những người làm thuê, giúp việc cho ban xây dựng mà không có quyền quyết định gì. Đây cũng là lý do Bảo tàng Hà Nội có chi phí lên tới 2300 tỉ (chưa kể chi phí xây dựng nội dung) nhưng khi hoàn thành thì chỉ là cái vỏ rỗng ruột mà lèo tèo hiện vật trưng bày, dẫn đến cảnh đìu hiu.

Khánh thành từ 2010 nhưng tới đầu năm nay Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành dự án nội dung trưng bày. Do vậy, vấn đề cần làm với Bảo tàng lịch sử quốc gia chính là phải có sự tham gia của các nhà chuyên môn trong việc xây dựng nội dung ngay từ đầu. Những người lãnh đạo bảo tàng đó phải được tham gia quá trình thiết kế, bởi chỉ họ mới biết sẽ đặt cái gì vào bảo tàng ấy.

Như vậy là quy trình ngược

Đối lập với Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tuy không có diện tích lớn nhưng luôn được đánh giá bởi những trưng bày sáng tạo. Năm ngoái Bảo tàng phụ nữ Việt Nam đã đứng vị trí thứ 6 trong danh sách 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á do TripAdvisor bình chọn và là bảo tàng hấp dẫn nhất tại Hà Nội.

 

Bảo tàng phụ nữ Việt Nam được du khách nước ngoài yêu thích tới Hà Nội.

Bảo tàng phụ nữ Việt Nam được du khách nước ngoài yêu thích tới Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam nói bà hoàn toàn đồng tình với ý kiến ở tầm chuyên gia cao cấp của GS Nguyễn Văn Huy. Bà Vân cũng cho biết lý do Bảo tàng phụ nữ Việt Nam có được thành công nhất định chính là việc đã đầu tư nghiên cứu kỹ bộ sưu tập sở hữu trong tay để chuẩn bị đưa ra cho công chúng. Tức là nghiên cứu kỹ cái gì bảo tàng đang có hoặc có thể bỏ tiền mua về để phục vụ trưng bày.

"Công đoạn chuẩn bị nội dung trưng bày mất thời gian hơn việc xây dựng nhiều. Có thể nhiều người nghĩ rằng Bảo tàng phụ nữ nhỏ, thời gian thi công thực hiện chỉ vài tháng nhưng thời gian chúng tôi đầu tư nghiên cứu cho việc xây dựng nội dung trước đó mất tới 10 năm. Đó là lộ trình khoa học và công phu. Bảo tàng thành công hay không là ở khâu nghiên cứu lộ trình khoa học chứ không phải là việc đầu tư bao nhiêu nghìn tỉ. Nếu không có chuyên môn, là những curator say với chuyên đề mình đưa ra công chúng thì bảo tàng xây đẹp đến mấy, to đến mấy cũng không ăn thua".

Về trường hợp của công trình bảo tàng lịch sử quốc gia, Bà Vân góp ý thẳng thắn: "Ta đang làm 1 bảo tàng quốc gia lớn thì việc đầu tư công phu phải mất cả chục năm nghiên cứu, bộ sưu tập đã có và sẽ có rồi mới đưa ra thiết kế chứ không phải cứ thi thiết kế rồi mới đi tìm nội dung. Như vậy là quy trình ngược. Với các bảo tàng tôi đến, quy trình làm bảo tàng họ cũng nghiên cứu nội dung trước. Với bảo tàng ở Việt Nam, cần phải có chuyên gia đầu ngành tham gia, phải có nguyên tắc làm bảo tàng khắt khe, khoa học".

Trong khi nhiều bảo tàng lớn rơi vào sai lầm này thì các bảo tàng nhỏ và bảo tàng tư nhân lại tuân thủ rất đúng quy trình: nội dung trước, chỗ trưng bày sau. Kinh nghiệm có thể lấy từ chính GS Nguyễn Văn Huy. Sau khi thôi làm giám đốc Bảo tàng dân tộc học, ông đã có thời gian dài chuẩn bị tư liệu trước khi quyết định xây dựng bảo tàng tư nhân mang tên GS Nguyễn Văn Huyên - cha ông.

Liệu kinh nghiệm trên và trường hợp đau xót của bảo tàng Hà Nội có ích cho việc xây dựng bảo tàng quốc gia mới lên đến 11.277 tỉ đồng?

Theo Hạnh Phương
Vietnamnet