Show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò rất dễ gây tổn thương
(Dân trí) - Sẽ thật đau khổ khi một đứa trẻ bị chế nhạo trước một lớp học có 30 bạn học, nhưng hãy thử tưởng tượng một người trưởng thành cảm thấy xấu hổ trước người xem truyền hình trên khắp cả nước...
Điều gì khiến truyền hình thực tế "có vấn đề"?
Khi các người chơi tham gia một show truyền hình thực tế, họ phải chấp nhận rằng nhà sản xuất có quyền làm tất cả. Trong cuốn sách phân tích chuyên sâu về truyền hình thực tế, nữ nhà báo của tờ Los Angeles Times - bà Amy Kaufman đã đề cập tới một đoạn trong bản hợp đồng thực hiện hồi năm 2015 mà các người chơi tham gia show hẹn hò "The Bachelor" phải ký:
"Tôi hiểu và đồng ý với việc nhà sản xuất có thể sử dụng những thông tin cá nhân của tôi, những thông tin này có thể gây xấu hổ, không có lợi cho tôi, có thể gây sốc, gây bẽ bàng, phần nào làm mất thể diện của tôi, những thông tin này có thể sẽ khiến tôi phải đối diện với những sự gièm pha, chế nhạo của công chúng, và nhà sản xuất có thể khắc họa tôi theo một cách nhìn khác so với cách nhìn của tôi...".
Một bản hợp đồng tương tự được thực hiện hồi năm 2017 dành cho các nhân vật tham gia show hẹn hò "Bachelor In Paradise" cũng có đoạn cam kết đồng ý để nhà sản xuất "có quyền thay đổi, thêm thắt, cắt bỏ, chỉnh sửa, diễn giải... theo bất cứ cách nào mà nhà sản xuất cho là phù hợp với chương trình".
Nhiều người tham gia show thực tế thường nói rằng câu chuyện của họ đã bị thao túng, chỉnh sửa, thậm chí bị bóp méo trong quá trình biên tập lại trước khi phát sóng là vì vậy.
Nhiều người cảm thấy bị sốc sau khi bước ra khỏi một show thực tế và biết rằng mình đã bị khắc họa theo hướng "phản diện", các tình tiết, sự việc bị nhấn nhá, khiến người xem bỗng nhìn nhận họ theo lăng kính tiêu cực, nặng nề hơn nhiều so với những gì đã xảy ra trong thực tế chương trình.
Nhưng không chỉ có vậy, người chơi trong show thực tế còn phải đối diện với những phân biệt, miệt thị ngoại hình...
Cô Rachel Lindsay - người chơi từng tham gia show hẹn hò "The Bachelorette" và cô Sydney Hightower - người từng tham gia show "The Bachelor" đều đã từng lên tiếng chia sẻ về những miệt thị ngoại hình mà một bộ phận cộng đồng mạng đã nhắm vào họ.
Những người có thái độ tiêu cực có thể dễ dàng nhắn tin cho họ với bất cứ lời lẽ nào và thường những sự việc như vậy không thể xử lý một cách thỏa đáng được.
Cô Sydney Hightower nhấn mạnh: "Tôi đã không có sự chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra trên mạng. Tôi không biết trước rằng sẽ có rất nhiều sự ghét bỏ, phân biệt, những ngôn từ tục tĩu, thù hằn hướng vào mình. Người ta nhắn những dòng tin vô cùng độc địa một cách quá đỗi vô lý. Khi show lên sóng chính là một trong những thời khắc đen tối nhất cuộc đời tôi, bởi những dòng tin nhắn kỳ thị mà tôi đã phải nhận".
Show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò đặc biệt dễ gây tổn thương
Ngoài việc bị nhà sản xuất thao túng cách khắc họa, bị cộng đồng mạng phán xét, những người tham gia show thực tế hẹn hò còn có thể bị tổn thương tâm lý theo một cách khác nữa...
Tiến sĩ tâm lý Walter J. Torres phân tích: "Sẽ thật đau khổ khi một đứa trẻ bị chế nhạo trước một lớp học có 30 bạn học, nhưng hãy thử tưởng tượng một người trưởng thành cảm thấy xấu hổ trước người xem truyền hình trên khắp cả nước, điều đó có thể vô cùng khủng khiếp đối với tâm lý một con người.
Bởi tính chất của những show thực tế xoay quanh chuyện hẹn hò là bạn đang trình bày bản thân mình, cố gắng khoe ra sức hấp dẫn, sự đáng yêu, để xem liệu đối phương có thích mình không, mọi người có dành thiện cảm cho mình không, nên những tổn thương tâm lý nếu gặp phải sẽ rất sâu sắc và nặng nề".
Trong một bài báo xuất bản trên chuyên san về vấn đề tâm lý, ông Torres cảnh báo về việc khi một cá nhân bị cảm thấy bẽ bàng, xấu hổ trước cộng đồng, họ "rất có thể bị dồn nén tâm lý dẫn tới trầm cảm, nảy sinh ý định tự sát, bất an cùng cực và bị những rối loạn tâm lý hậu sang chấn".
Dù vậy, bác sĩ Torres cũng khẳng định rằng sự hồi phục là hoàn toàn có thể, nhưng cần thời gian, cần sự thấu hiểu, cảm thông, hỗ trợ của gia đình, bạn bè, và đặc biệt cần phải được điều trị tâm lý.
Hiện tại, một số show thực tế đã mời bác sĩ tâm lý đồng hành trong quá trình sản xuất chương trình, nhưng một số người chơi cho rằng đó tựa như một động thái mang tính hình thức.
Hơn thế, nhiều người chơi cũng cảm thấy lo ngại rằng những cuộc đối thoại với bác sĩ tâm lý sẽ không được giữ kín, thông tin sẽ được chuyển tới nhà sản xuất, gây bất lợi cho họ trong quá trình tham gia show.
Một nhà sản xuất giấu tên chuyên thực hiện các show thực tế đã chia sẻ thẳng thắn: "Tôi không hiểu tại sao mời một người tham gia show thực tế lại khiến chúng tôi phải chịu trách nhiệm về sức khỏe tinh thần của họ. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm liên đới trong vòng bao lâu kể từ khi show kết thúc? Đôi khi tôi nghĩ chúng ta chỉ có thể chúc nhau may mắn trên đường đời, cuộc sống nằm trong tay mỗi người".
Ý kiến này không phải không có lý. Bản thân các người chơi tham gia show thực tế đều đã ở tuổi trưởng thành, sau cùng, họ cũng phải tự chịu trách nhiệm với quyết định và cuộc sống của mình.
Những người gặp vấn đề tâm lý sau một show thực tế còn có nhiều lý do bên ngoài chương trình. Trong đó, có cả sự thật rằng nhiều người đã kỳ vọng quá lớn về những cơ hội mở ra sau khi tham gia show, họ mong đạt được danh tiếng lớn. Thoạt tiên, quả thực, nhiều người chơi bỗng trở nên nổi tiếng, được biết đến, nhưng rồi rất nhanh chóng, họ bị rơi vào quên lãng.
Cô Jesse Csincsak, người từng tham gia show "The Bachelorette" hồi năm 2008 tâm sự: "Thoạt tiên các tờ tạp chí liên hệ và trả giá cao cho những bức ảnh của tôi, thế rồi một thời gian sau, họ hoàn toàn lãng quên tôi".
Bác sĩ tâm lý Philip Stutz cho hay: "Việc chứng kiến danh tiếng ập đến rồi nhanh chóng ra đi cũng có những ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc được người khác quan tâm chú ý cũng giống như một loại chất gây nghiện vậy. Một khi bạn đã định vị mình bằng sự quan tâm chú ý của người khác, bạn sẽ cảm thấy khao khát được mọi người để ý đến.
Việc gây dựng cuộc sống của bản thân dựa trên danh tiếng và sự quan tâm của những người khác tựa như xây nhà trên cát, rất không chắc chắn, rất thiếu ổn định. Khi mọi ảo vọng kết thúc, điều này có thể gây kích động một đợt trầm cảm".
Cần phải hiểu rằng những người tham gia vào show truyền hình thực tế cũng chỉ là những con người bình thường, họ cũng có những sự nhạy cảm, những suy nghĩ thái quá trước các bình luận trái chiều trên mạng xã hội.
Trong khi người xem nhanh chóng quan tâm rồi quên lãng một nhân vật, bởi người xem sẽ sớm bị cuốn vào những nhân vật mới, show mới, mùa mới..., những người chơi lại không bước qua trải nghiệm một cách nhanh chóng như thế, họ bị tác động tâm lý rất nhiều và rất lâu.
Vì vậy, một khán giả "có tâm" nên cân nhắc những lời bình luận của mình trước khi đăng tải trên các diễn đàn, các trang "fanpage". Những bình luận khắt khe nên để dành cho những nhóm nhỏ, nhóm kín, thay vì đăng tải lên để tất cả cộng đồng mạng có thể đọc được.