Sẽ tế trâu trong lễ chọi trâu Phúc Thọ

(Dân trí) - Trong hai ngày 14-15/3 tới đây (tức ngày 24-25 tháng Giêng năm Ất Mùi), lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ sẽ diễn ra tại sân vận động Trung tâm thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Sẽ tế trâu trong lễ hội chọi trâu Phúc Thọ


Để được vào vòng chung kết của lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ, 76 “ông trâu” đã phải trải qua vòng loại diễn ra trong hai ngày 17-18/1, để chọn ra 32 “ngưu thủ” xuất sắc nhất. Đây là các “ông trâu” đực, có màu lông đen, độ tuổi từ 8-15, vòng ngực đạt từ 200cm trở lên…

Kết thúc lễ hội, ban tổ chức sẽ trao 1 Giải Nhất 100 triệu đồng, 1 Giải Nhì 70 triệu đồng, 2 Giải Ba 40 triệu đồng cho các “ông trâu” giành các vị trí cao nhất. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ cho cặp trâu đánh hay nhất, trâu gan dạ nhất, trâu có đòn đánh hiểm nhất.

Lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ bắt đầu từ năm 2014, năm nay là năm thứ hai lễ hội được tổ chức. Lễ hội được xây dựng để trở thành một điểm nhấn văn hóa ở phía Tây Hà Nội mỗi độ xuân về.

Một điểm đáng chú ý của lễ hội năm nay là ngoài phần “hội” còn có phần “lễ”. Các “ông trâu” sau khi thi tài, trâu vô địch sẽ được tế lễ tại đền thờ Hai Bà Trưng, ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ.

Sẽ tế trâu trong lễ hội chọi trâu Phúc Thọ


Phong tục tế trâu là một nghi thức lâu đời vốn đã được tiến hành từ lâu trong các hoạt động tế lễ ở đền thờ Hai Bà Trưng. Ban tổ chức lễ hội đã xin phép ban quản lý đền để được tế trâu vô địch. Hoạt động giết mổ trâu vô địch được ban tổ chức cam đoan sẽ tiến hành chỉnh chu, không để lọt ra ngoài những hình ảnh gây phản cảm, gây sốc đối với dư luận.

Từ trâu thắng giải Nhì, giải Ba… trở đi, việc có giết mổ trâu hay không là do chủ trâu toàn quyền quyết định. Ban tổ chức khuyến khích các chủ trâu không giết trâu, nhưng quyết định cuối cùng vẫn ở chủ trâu.

Nếu chủ trâu quyết định giết mổ trâu, họ sẽ phải đưa trâu vào một khu giết mổ kín đáo, nằm tách biệt khỏi sân vận động, có hàng rào quây kín và chỉ những người có phận sự mới được ra vào.

Năm nay, ban tổ chức hội chọi trâu Phúc Thọ cũng đảm bảo sẽ không để lẫn thịt trâu thường với thịt trâu chọi. Thịt trâu chọi đưa từ khu giết mổ ra tới khu rao bán đều được ban tổ chức quy hoạch phân khu rõ ràng, được quây rào để theo dõi sát sao.

Sẽ tế trâu trong lễ hội chọi trâu Phúc Thọ


Sân vận động Trung tâm thị trấn Phúc Thọ - nơi tổ chức lễ hội - cũng được canh gác suốt ngày đêm trong những ngày trước và trong lễ hội, không để thịt trâu thường có thể được đưa vào sân vận động để trà trộn.

Về mức giá bán thịt trâu chọi, ban tổ chức khẳng định họ không thể quản lý vấn đề này bởi giá trị thịt của mỗi con trâu chọi rất khác nhau. Trâu chọi càng vào sâu sẽ càng có giá trị cao khi đem giết mổ.

Điều mà ban tổ chức có thể đảm bảo đối với thịt trâu chọi là vấn đề an toàn thực phẩm, giết mổ đúng quay cách và các bàn cân sẽ được đặt xung quanh khu bán thịt trâu chọi để khách hàng có thể tự cân lại, không để tình trạng “cân điêu” diễn ra.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng chia sẻ những thông tin bên lề, giúp “thanh minh” cho các chủ trâu về lý do tại sao thịt trâu chọi luôn đội giá lên rất cao so với thịt trâu thường. Bởi bên cạnh giá trị tinh thần khi người đi xem lễ hội muốn mua miếng thịt trâu chọi mang về coi như lấy may trong ngày đầu xuân, còn phải xét tới giá trị vật chất của trâu chọi.

Sẽ tế trâu trong lễ hội chọi trâu Phúc Thọ


Để nuôi dưỡng một con trâu chọi không đơn giản. Thực phẩm dành cho trâu chọi cũng rất khác so với trâu thường. Trâu chọi thường uống mật ong, ăn mía và ngô non, uống bổ sung vitamin…

Thêm vào đó, khi một con trâu chọi tham gia vào lễ hội chọi trâu, người ta còn phải tính tới chi phí bỏ ra từ khi trâu tham gia tuyển lựa, quá trình chuyên trở, trông coi, chăm sóc cho tới lúc trâu chính thức dự giải… Vì vậy, giá trị trâu chọi lúc này đã đội giá lên cao.

Bích Ngọc