Khảo cổ tìm dấu tích Tây Sơn/Quang Trung:

Sẽ mở rộng khai quật tìm kiếm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung

(Dân trí) - Ngày 21/10 ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang cùng các cơ quan ban ngành tiến hành thủ tục về việc mở rộng khai quật gò Dương Xuân tìm dấu vết triều Tây Sơn/Quang Trung.

Theo ông Hùng, chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là sẽ khai quật mở rộng có thể là một cuộc khai quật khảo cổ diện rộng tại gò Dương Xuân (thuộc phường Trường An, TP Huế) trên diện tích khoảng 300m2.

“Tuy nhiên quan trọng ở việc này sẽ là giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Chúng ta nếu làm khảo cổ mà đào vào nhà người dân đang ở là không được nên phải giải quyết vấn đề mặt bằng một số hộ dân” - ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị có văn bản việc khảo cổ này trình lên tỉnh để xin đưa vào kế hoạch năm 2018 tiến hành. Kinh phí dự kiến sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần và vận động từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó tỉnh cũng sẽ xin phép để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép khai quật khảo cổ học…

Buổi báo cáo kết quả thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân đầu năm 2017 đã cho nhiều kết quả thú vị
Buổi báo cáo kết quả thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân đầu năm 2017 đã cho nhiều kết quả thú vị

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người đặt giả thiết khu vực gò Dương Xuân có dấu vết cung điện Đan Dương - hành cung của vua Quang Trung và cũng là lăng mộ chôn ngài sau khi vua mất cho biết, dự kiến điểm khai quật chính sẽ mở rộng từ hố thăm dò số 5 (số nhà 11/120 đường Điện Biên Phủ) theo hướng chùa Thiền Lâm khoản cách 50 mét, diện tích 200m2 .

Nơi đây trong đợt thám sát sát khảo cổ tháng 10/2016 của Viện Khảo cổ học đã phát hiện dấu tích một nền đá chiều rộng 5,5 mét, chiều dài chưa xác định vì có khả năng chạy dài, phía trên lớp nền đá có một đoạn có cát vữa.

Hố số 5 nơi có dấu tích một kiến trúc đá nghi là chân móng của một tường thành rộng lớn có niên đại từ đời chúa Nguyễn đến Tây Sơn-vua Nguyễn
Hố số 5 nơi có dấu tích một kiến trúc đá nghi là chân móng của một tường thành rộng lớn có niên đại từ đời chúa Nguyễn đến Tây Sơn-vua Nguyễn

Ngoài ra sẽ khai quật thêm 4 khu vực khác là: cồn Bông Sứ (25m2), giếng loạn (25m2), khu vực mộ trước chùa Vạn Phước (25m2), hồ bán nguyệt (25m2).

Như Dân trí thông tin, qua 15 ngày thám sát khảo cổ gò Dương Xuân vào tháng 10/2016, kết quả đã phát hiện nhiều hiện vật, dấu tích thú vị. PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết có kiến trúc đá lớn ở hố số 5 có thể là móng tường, móng thành; mộ hỏa táng; mảng cát sỏi liên quan nền móng kiến trúc hay mặt bằng kê chân đá tảng; tiền đồng, câu liêm, nhiều mảnh gốm sứ, sành, gạch ngói, thủy tinh… Nhận định ban đầu các dấu tích, di vật này thuộc niên đại thời chúa Nguyễn kéo qua thời Tây Sơn/ Quang Trung và thời vua Nguyễn trị vì tại Huế.

Các hiện vật được phát hiện tại cuộc thăm dò thám sát khảo cổ tìm dấu vết Tây Sơn/ Quang Trung
Các hiện vật được phát hiện tại cuộc thăm dò thám sát khảo cổ tìm dấu vết Tây Sơn/ Quang Trung

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Khảo cổ học và các nhà tài trợ cần tiến hành thêm một đợt khảo cổ toàn diện ở gò Dương Xuân. Nên mở rộng hố số 5 – nơi có dấu vết nền đá lớn và mở 2 cánh thăm dò ở phía Tây, Bắc chùa Vạn Phước… để làm rõ vết tích thời Tây Sơn.

Đại Dương