Sẽ có các tác phẩm điêu khắc Danh tướng Việt Nam
Ngày 24/8 tới đây, Hội quán di sản và Circle Group phối hợp với Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp UNESCO Hà Nội ra mắt dự án "Danh tướng Việt Nam".
Bản thảo đề xuất xây dựng tượng Việt quốc công Lý Thường Kiệt .Ảnh do Hội quán di sản cung cấp
Theo Ban tổ chức, hai nhân vật Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng đế Quang Trung việc tạo hình sẽ dễ dàng hơn bởi đã có nguyên mẫu: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dựa trên nguyên mẫu bức tượng của NSƯT, họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên; Hoàng đế Quang Trung dựa trên nguyên mẫu bức tượng của PGS, nhà giáo, nhà điêu khắc Vương Học Báo. Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn của tác giả Vương Duy Biên hiện tọa lạc trong khuôn viên hồ Vị Xuyên, trước quảng trường 3-2 và nhà văn hóa trung tâm tỉnh Nam Định. Tay phải tượng cầm Cuốn thư với dụng ý của tác giả đề cao chữ “Trí”, tay trái “đặt” lên đốc kiếm (tư thế tự vệ) chứ không “cầm” kiếm (tư thế nghênh chiến), điều này đề cao chữ “Nhân”, tư tưởng yêu chuộng hòa bình của Trần Hưng Đạo nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Phác họa chân dung người anh hùng văn võ toàn tài, tác giả đã khéo léo đưa hình ảnh mỹ thuật đặc trưng văn hóa Việt như chi tiết áo vải, tóc quấn quanh chỏm đầu. Hình tượng Trần Hưng Đạo giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ uy dũng, hào hùng. Tư thế mang thông điệp nhân văn, hòa bình. Họa sỹ - nhà điêu khắc Vương Duy Biên còn dụng ý thể hiện hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn đứng trước ngọn sóng với ý nghĩa thể hiện vị thế tổng chỉ huy đứng “ đầu sóng ngọn gió”.
Với hình tượng Vua Quang Trung, PGS, nhà điêu khắc Vương Học Báo đã lựa chọn tạo hình với trang phục giản dị miêu tả về anh hùng áo vải, dáng đứng oai nghiêm, một tay nắm chặt đốc kiếm, một tay cầm vạt áo bào, chân phải bước lên phía trước, khuôn mặt nhìn thẳng đầy kiên nghị. Đặc biệt chân dung của nhân vật lại toát ra cốt cách của bậc anh hùng, tuy giản dị nhưng đầy sức mạnh nội tâm. Tượng đài Vua Quang Trung đặt ở gò Đống Đa của tác giả Vương Học Báo được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa. Tác phẩm này cũng được đánh giá là một trong số ít tượng đài đẹp của Hà Nội và cũng là một trong số ít những tượng đài đã thể hiện thành công được thần thái của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hình ảnh về Việt quốc công Lý Thường Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tạo mẫu và làm mới. Họa sĩ Hà Dũng Hiệp thiết kế tạo hình nhân vật Việt quốc công Lý Thường Kiệt, tạo hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp do họa sĩ Đặng Xuân Hùng thiết kế.
Theo Ban tổ chức, việc tạo hình hai nhân vật lịch sử này dựa trên những tiêu chí cụ thể với sự cố vấn của nhiều chuyên gia, ở nhiều lĩnh vực. Theo đó, mẫu về Việt quốc công Lý Thường Kiệt dựa vào các tiêu chí dựng hình sau: Ông là người có dung nhan đẹp. Do đặc biệt về giới tính nên ông không có râu, không góc cạnh như các tướng Á Đông, mà phương phi như mặt danh gia vọng tộc, vừa đủ uy dũng với một vị đại tướng, vừa tôn trọng sự thật khách quan về thân thế của ông. Tư thế được chọn khi tạo hình: Ông trỏ úp tay về phía trước, tạo dáng uy nghi. Tay còn lại để sau lưng, áo choàng bay ôm ẩn hiện dáng người khoan thai, vừa đủ lộ ra đốc kiếm, vừa thể hiện cái “Dũng” của Tướng, vừa thể hiện cái “Cao” của Văn. Trang phục lấy theo lễ phục nhà Lý, tham khảo chủ yếu từ cuốn "Ngàn năm mũ áo" của tác giả Trần Quang Đức. Phần đế tượng được cách điệu sóng nước xen chuyển tòa sen, vừa ẩn dụ cho phòng tuyến Như Nguyệt, vừa gợi tinh thần mỹ thuật thời Lý. Dưới viền bệ còn phù điêu nhà Lý.
Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sự quan tâm hơn cả. Việc xây dựng hình tượng về Đại tướng được sự ủng hộ, góp ý, tham gia, tham vấn của nhiều chuyên gia, nhiều lĩnh vực, nhiều góc nhìn để có sự thống nhất về hình khối, diện mạo, chất liệu, dáng trong mỹ thuật đương đại với thần sắc vẹn toàn. Đặc biệt, tác phẩm ra đời phải là một biểu tượng diễn tả sự chân thực nhất về Đại tướng. Theo Hội quán di sản, để làm được điều này, những người tham gia thực hiện tác phẩm cần phải tiếp xúc, tìm hiểu về Đại tướng từ những góc nhìn đa chiều và chính xác. Với những mẫu tượng có sẵn (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Vua Quang Trung), các vật phẩm mới sẽ có thể được thu nhỏ, đưa thêm thông điệp cụ thể; dựa trên vào trang phục, thần thái... để triển khai và đa dạng hóa kiểu dáng.
Chẳng hạn hiện nay tượng đang ở dáng đứng sẽ được chuyển hóa thành dáng ngồi, dáng chuyển động khác... và đây sẽ là cơ sở cho việc nhận biết về đặc điểm nhân vật sau này. Tượng Việt quốc công Lý Thường Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tự tạo mẫu và triển khai làm mới dựa theo tiêu chí đã nêu trên. Theo Ban tổ chức, sau khi ra mắt dự án, các mẫu tặng vật trong dự án sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (đến hết ngày 10/9) để lấy ý kiến đóng góp của công chúng. Sau thời gian trên, các mẫu vật sẽ được trưng bày tại Hội quán di sản (số 115/9 ngõ Núi Trúc, phố Giang Văn Minh, Hà Nội), nếu có thể sẽ tiếp tục triển lãm tại phía Nam. Sau khi lấy ý kiến đóng góp của công chúng, dự án sẽ được triển khai theo lộ trình đã đề ra. Tượng Trần Hưng Đạo và Vua Quang Trung sẽ ra mắt công chúng sau khi hoàn thiện thông qua nhiều kênh phân phối. Tượng Việt quốc công Lý Thường Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ bản thảo sẽ triển khai xây dựng thành tượng, dự kiến ra mắt nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/2014).