Sắp có biểu tượng linh vật mới “đánh bật” sư tử ngoại lai

Sau những cảnh báo về hiện trạng “xâm lăng văn hóa” khi để linh vật ngoại lai tràn ngập các không gian văn hóa Việt, mới đây, những người trong giới nghiên cứu lạc quan cho rằng, nhờ việc này mà chúng ta đã có bài học về sự chọn lọc và tiếp thu văn hóa.

Và có thể sau sự vụ này sẽ có một mẫu linh vật mới ra đời, phù hợp hơn với văn hóa thời hội nhập và đủ sức “đánh bật” sư tử Tàu.

Sư tử Tàu xâm lấn: Lỗi tại ai?

Sau triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”, Bộ VHTTDL và giới nghiên cứu đã ngồi lại với nhau trong hội thảo về mỹ thuật ứng dụng tổ chức ngày 22/11. Mục đích của việc làm này là tìm căn nguyên để xảy ra tình trạng “xâm lăng văn hóa”, cũng như tìm ra hướng để hạn chế việc này.

Việc làm này đáng lẽ nên được tổ chức từ lâu, cách đây vài năm trước, khi những con sư tử Tàu bắt đầu được những người giàu có cung tiến vào một số di tích, thay vì để trở thành trào lưu và “mốt” của người nhiều tiền như hiện tại. Tuy vậy, động thái này của những người làm văn hóa vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Cho đến hiện tại, khi giới nghiên cứu và truyền thông đã đưa ra những cảnh báo về việc “lai căng văn hóa” thì câu chuyện do đâu mà xảy ra hiện trạng này cũng “nóng” hơn bao giờ hết.

TS Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ VHTTDL.

TS Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ VHTTDL.

Theo TS Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL - thì “việc sử dụng tràn lan các linh vật ngoại lai đã có từ lâu và do nhận thức của người dân chưa thực sâu sắc, nên thực trạng đó ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Chính vì đã đến mức báo động, nên Bộ VHTTDL mới ra công văn 2662 khuyến cáo và tuyên tuyền không sử dụng trưng bày, cung tiến các biểu tượng linh vật lạ. Những nơi đã dùng thì khuyến khích tự tháo dỡ, di dời ra khỏi không gian di tích văn hóa thuần Việt”.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cũng cho rằng căn nguyên để xảy ra tình trạng xâm lấn của sư tử ngoại lai là vì nhận thức của người dân và cả những người quản lý còn hạn chế. Nhưng ông cũng cho rằng có điều này là vì thiếu lời chỉ dẫn, văn bản hướng dẫn cách ứng xử với những biểu tượng văn hóa ngoại lai của Bộ VHTTDL.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á – thì việc để sư tử Tàu tràn ngập tại Việt Nam hiện nay có nhiều nguyên nhân. “Đây là sự cưỡng bức của những người có nhiều tiền mua về cung tiến trong các di tích. Rồi những người quản lý và cả người dân không hiểu hết ý nghĩa, cũng như nguồn gốc của biểu tượng lạ đó”.

Bên canh đó, ông Nguyễn Việt cũng cho rằng lỗi đầu tiên là do giới khoa học trong nước. “Các nhà khoa học như chúng tôi, được đầu tư nhiều nhất, được Chính phủ cho ăn, cho học thì đáng lẽ phải là người đi trước. Phải nghiên cứu một cách bài bản về các biểu tượng văn hóa Việt để khuyến khích người dân sử dụng. Vì những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là người đầu tiên hưởng thụ thành quả của mình. Các ngành khoa học cơ bản phải làm đầu tiên, phải gương mẫu định hướng cho người dân cách ứng xử với văn hóa ngoại lai” - TS Nguyễn Việt nhấn mạnh.

Tìm biểu tượng mới cho văn hóa Việt

Khi được hỏi về việc sau khi di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi không gian văn hóa thuần Việt thì sẽ lấy gì thay thế vào đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần có mẫu linh vật mới thay thế, đồng thời, các linh vật truyền thống của Việt Nam như nghê phải được sáng tạo phù hợp hơn với đương đại.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Nhiều biểu tượng, linh vật Việt được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi đầu tháng 11, với mục đích tuyên truyền và khuyến khích người dân sử dụng linh vật Việt.

Theo GS. TS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội – thì “cảnh báo của các nhà nghiên cứu không nên coi thường, là chúng ta đang đứng trước một hiện tượng xâm lăng văn hóa, không phải ai xâm lăng chúng ta, nếu chúng ta không có một kiến thức đầy đủ thì chính chúng ta sẽ thất bại trên sân nhà”.

Nhưng ông cũng cho rằng không nên quá hoảng hốt trước sự việc này, bởi giao lưu, tiếp nhận vốn là thuộc tính của văn hóa. “Văn hóa không phải là sáng tạo của một cộng đồng độc lập, mà giao lưu là một thuộc tính của văn hóa. Đây là một hiện tượng phổ biến, muốn ngăn cấm cũng không được, chúng ta cần có sức đề kháng đặc biệt trước hiện tượng lai căng văn hóa. Chúng ta tiếp thu một cách có liều lượng và có định hướng, tiếp thu làm sao cả xã hội tiếp nhận chứ không chỉ dừng lại ở một bộ phận” - GS. TS Vũ Minh Giang cho biết.

GS -TS Vũ Minh Giang

GS -TS Vũ Minh Giang

Ông cũng hiến kế cho Bộ VHTTDL nên phát huy tính sáng tạo, nhất là của những người trẻ để tìm ra một mẫu linh vật phù hợp với thời hội nhập, mà vẫn mang bản sắc văn hóa dân tộc: “Chúng ta không chỉ hoài niệm về quá khứ, mà trong quá trình phát triển có thể tiếp thu để hình thành những biểu tượng mới. Chúng ta phải nghĩ tới việc tiếp tục sáng tạo làm cho biểu tượng của văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển, phong phú hơn. Bộ VHTTDL nên có một chủ trương ưu tiên cho việc nghiên cứu về biểu tượng, linh vật Việt trong tương lai”.

TS Đinh Hồng Hải - Viện Nghiên cứu Văn hóa - cũng khuyến khích việc tìm ra một biểu tượng, linh vật mới phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và văn hóa thời hội nhập: “Như ở Singapore, khi đi tìm biểu tượng cho đất nước này, có rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, từ chim muông, cây cỏ. Sau đó họ đã tìm được biểu tượng linh vật mới là con thú đầu sư tử mình cá đang cưỡi trên sóng và đến nay đã trở thành biểu tượng du lịch nổi tiếng của Singapore”.

GS -TS Vũ Minh Giang

Việc để sư tử ngoại lai xâm nhập không gian văn hóa Việt, theo các nhà khoa học, là hệ lụy tất yếu của thời kỳ hội nhập văn hóa.

Với tư cách là người làm công tác quản lý văn hóa, TS Đặng Thị Bích Liên cũng bày tỏ sự quyết tâm đi tìm biểu tượng văn hóa mới cho văn hóa Việt và sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác linh vật Việt trong tương lai gần. “Chúng ta hội nhập có bản sắc, có giao lưu văn hóa, mà bản chất của văn hóa là giao lưu. Từ thời Lý, Trần, Lê đều có biểu tượng linh vật, vì vậy chúng ta phải khuyến khích sáng tạo. Biết đâu đấy, khi những cuộc thi sáng tạo được tổ chức, chúng ta sẽ có những mẫu linh vật mới. 100 năm hay 1.000 năm nữa thì những biểu tượng linh vật đương đại thời này lại mang bản sắc văn hóa của Việt Nam và được con cháu đời sau ngưỡng mộ”.

GS -TS Vũ Minh Giang

Trong tương lai sẽ có những mẫu linh vật mới ra đời, đại diện cho văn hóa Việt nhưng cũng phù hợp với thời kỳ hội nhập.

Nếu những quyết sách này được thực hiện, thì trong tương lại không xa sẽ có một biểu tượng linh vật mới ra đời. Có điều, nếu ráo riết tìm linh vật mới, mà không có những tiêu chí cụ thể và cơ sở khoa học để xác định đâu là thuần Việt và đâu là ngoại lai, thì tương lai cũng sẽ khó tránh chuyện tranh cãi, thậm chí có thể dẫn đến những sai lầm văn hóa khác.

Theo Bích Hà