Sân khấu truyền thống: Vẫn chưa tan đám mây ảm đạm

Trong khi showbiz Việt rộn ràng với nhiều chương trình quy mô lớn, vé bán giá cao người xem vẫn tấp tập tìm mua thì hàng loạt nghệ sĩ, nhà hát đã có uy tín lâu năm, đặc biệt là các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống vẫn đối diện với rất nhiều vấn đề, dù rằng, năm 2016, sân khấu có được những "cú hích" đáng kể để tạo đà cho sự phát triển cũng như động viên nghệ sĩ biểu diễn cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

Bối rối với… nghệ thuật chất lượng cao

Được đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít nghi ngại rằng sẽ thành công, nhất là giai đoạn đầu triển khai là sự kiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội thành địa chỉ thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao; nhưng sau chuỗi chương trình biểu diễn đầu tiên của các đơn vị, những nghi ngại trước đó đã trở thành sự thật. Hầu hết các đơn vị tham gia biểu diễn đều cho biết, chương trình không bán được vé.

Ông Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, chia sẻ: Việc xây dựng những chương trình nghệ thuật chất lượng cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn là chủ trương rất đúng. Đơn vị cũng xác định các chương trình biểu diễn ở Nhà hát Lớn không chỉ phục vụ mục đích kinh doanh, không chỉ nhằm mục đích bán vé để có nguồn thu đủ chi trả cho phần xây dựng nghệ thuật, cho diễn viên. Nhưng, tâm lý của người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu biểu diễn thì vẫn rất cần có công chúng.


Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Vương Duy Biên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Vương Duy Biên.

Gần đây nhất là chương trình biểu diễn của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam tại Nhà hát Lớn vào ngày 30-11. Đến sát giờ biểu diễn, tức là tối diễn thì sáng ngày hôm đó mới bán được 16 triệu đồng tiền vé. Nếu người mua vé giá 1 triệu thì có nghĩa là chỉ có 16 người. Thông thường, người mua vé xem biểu diễn là mua vé đôi, như thế có nghĩa là chỉ có 8 người mua. Nếu họ mua vé giá 500.000đồng/vé thì có nghĩa chỉ có 32 khán giả và chỉ có 16 người mua vé. Trước tình thế này, đơn vị phải lập tức kết hợp với bên Nhà hát Lớn thảo công văn xin ý kiến Nhà hát Lớn, xin văn phòng Bộ cho triển khai mời khán giả.

Cũng theo ông Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, thời gian qua, một số chương trình có ngôi sao, nghệ sĩ trẻ đặc thù biểu diễn tại Nhà hát Lớn có hiệu quả về mặt thu hút khán giả nhưng 5 chương trình biểu diễn của nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là những chương trình của các đơn vị biểu diễn Chèo, Tuồng, Cải lương, Rối và bên Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam có đoàn nghệ thuật Âu Cơ thì việc bán vé rất khó khăn.

Người xem là yếu tố quan trọng giúp người nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu. Vì vậy, sang năm 2017, cần phải có thêm nhiều cách để tìm khán giả cho các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn, cần phải có nhiều "kênh" hơn nữa cho công tác phát hành. Công tác quảng bá, bán vé cho các chương trình này cũng cần phải có sự trao đổi, điều chỉnh lại cho phù hợp.

Việc bán vé, đơn vị biểu diễn có thể trao đổi với đối tác, bạn bè nhưng chắc là người ta chỉ có thể mua mỗi năm 1,2 lần, không thể hỗ trợ thường xuyên tất cả các chương trình được. Để giải quyết bài toán bán vé, quảng bá, có lẽ cần phối hợp thêm các đơn vị tổ chức sự kiện vì họ có nghề, có kinh nghiệm phát hành vé.

Với Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, thực trạng còn có vẻ thê thảm hơn. Đại diện Nhà hát cho biết, càng nhiều năm gần đây đơn vị càng khó khăn, nhất là bài toán diễn cái gì? diễn cho ai? có bán được vé hay không? Bộ môn nghệ thuật dân gian dân tộc truyền thống cũng như một số bộ môn nghệ thuật khác rất kén khán giả. Ở ngay tại thủ đô Hà Nội nhưng 10 năm nay đơn vị không phát hành vé, hoàn toàn đi biểu diễn phục vụ các sự kiện, đến với các địa phương để yêu cầu họ hỗ trợ để phục vụ cho nhân dân… Vé bán 20.000 đồng người ta cũng không mua.


Nghệ thuật truyền thống vẫn đang được cố gắng gìn giữ giữa bộn bề những khó khăn.

Nghệ thuật truyền thống vẫn đang được cố gắng gìn giữ giữa bộn bề những khó khăn.

Khi được mời đến xem biểu diễn, khán giả đều khen chương trình hay nhưng đây lại không phải là đối tượng mua vé. Nhiều người có thể bỏ tiền triệu mua vé nhưng họ là đối tượng khác và chọn xem cái khác chứ không phải những nghệ thuật truyền thống mà chúng ta đang gìn giữ?!

Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trí Dũng cũng bày tỏ sự băn khoăn sau khi được xếp 2 buổi trong chuỗi chương trình ở Nhà hát Lớn nói trên. Lý do là đơn vị được biểu diễn quanh năm ở Nhà hát Lớn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong các chương trình này.

Bên cạnh câu chuyện tài chính, công tác tổ chức cũng có nhiều vấn đề. Riêng khâu tổ chức vận chuyển đạo cụ phục vụ chương trình ra nhà hát đã cần tính toán rất nhiều. 12 nhà hát tham gia là cần biết bao nhiêu thứ đồ, bao nhiêu âm thanh ánh sáng. Với Dàn nhạc giao hưởng, khâu vận chuyển cho đêm diễn thứ nhất đã cần hơn 20 người mà vẫn bị phê bình là chưa nhanh. Việc phân chia mảng biểu diễn cũng cần các nhà chuyên môn tính toán cho phù hợp, tạo được nhiều "màu sắc" khác nhau, đảm bảo chất lượng chương trình và thu hút người xem.

Ngược lại, đại diện Nhà hát Lớn - đơn vị chịu trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá cho các chương trình thuộc chủ trương xây dựng Nhà hát Lớn thành địa chỉ thưởng thức nghệ thuật xứng tầm lại cho rằng, đơn vị không đặt nặng về nguồn thu, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, kể cả không có doanh thu.

Tuy nhiên, nhiều chương trình đưa ra biểu diễn đã cũ, giá vé lại quá cao so với các điểm biểu diễn khác. Việc quy định chỉ có một mức giá chung cho các chương trình là chưa phù hợp vì mỗi loại hình có đối tượng khán giả riêng, chất lượng, quy mô không giống nhau. Chưa kể, việc mang nguyên một chương trình cũ, từng biểu diễn ở địa điểm cũ với giá vé thấp hơn rất nhiều so với đêm diễn ở Nhà hát Lớn thì khó thuyết phục khán giả bỏ tiền mua vé vào xem.

Nghệ sĩ Trọng Thủy, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng cho rằng những chương trình mang tính nghệ thuật cao rất đúng về chủ trương nhưng ngoài quảng bá cho từng chương trình, Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên có quảng bá chung cho các chương trình trong từng năm.

Việc kiểm soát chất lượng chương trình đỉnh cao, chất lượng cũng cần xem xét chặt chẽ. Có những chương trình được duyệt nhưng thực tế kiểm tra thấy chưa thực sự là chất lượng đỉnh cao cần mạnh dạn cắt bỏ. Đề nghị từng chương trình nên có đánh giá chương trình này giá vé bao nhiêu, chương trình khác giá bao nhiêu thì phù hợp chứ không nên đồng loạt 1 giá sẽ ảnh hưởng đến việc khán giả muốn đến mà giá vé không phù hợp.

Báo động đỏ về đội ngũ biểu diễn

Theo nhiều nghệ sĩ, "người quản lý" 12 đơn vị nghệ thuật công lập là Thông tư 10 (Thông tư liên tịch Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh) ra đời đã góp phần giải quyết được vấn đề đãi ngộ cho nghệ sĩ, bậc lương cho nghệ sĩ được nâng cao, xứng đáng hơn với cống hiến của nghệ sĩ với nghệ thuật nước nhà. Nhưng, Thông tư triển khai từ tháng 3-2016, đến nay, mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ".


Nhiều nghệ sĩ tài năng đã có tuổi trong khi đội ngũ kế cận vẫn thiếu vắng.

Nhiều nghệ sĩ tài năng đã có tuổi trong khi đội ngũ kế cận vẫn thiếu vắng.

Nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đã đến tuổi về hưu nên liên tục thúc giục. Một vấn đề khác là thi tuyển diễn viên. Lực lượng biểu diễn thiếu hụt, đơn vị xin thêm nhưng không được chấp thuận. Chưa kể, theo chủ trương, đến năm 2015, tinh giảm biên chế phải ít nhất là 10% nên số lượng diễn viên càng không đảm bảo. Chưa kể, người được duyệt vào biên chế lại chưa chắc là nghệ sĩ biểu diễn mà lại là người làm công tác khác.

Vấn đề phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nghệ sĩ Nguyễn Trí Dũng cũng bày tỏ nhiều thắc mắc vì nếu đã xác định đặc cách xét tặng danh hiệu rồi thì việc đòi hỏi bằng cấp với các nghệ sĩ không để làm gì.

Về nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống và nhạc công, trước đó, không ít các trường đào tạo chuyên nghiệp cũng than phiền rằng khó tuyển sinh mỗi năm.

Riêng phục vụ nhân lực các Nhà hát, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho rằng đây là vấn đề đáng báo động. Khảo sát qua các đơn vị, đặc biệt là đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống thì số nghệ sĩ từ 40 tuổi trở lên chiếm phần lớn. Loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tạo nên rất khó khăn trong công tác lựa chọn, dàn dựng tác phẩm.

Đây là khó khăn nhiều năm nhưng chưa có giải pháp mang tính chiến lược để khắc phục. Tại một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở địa phương cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển chọn diễn viên trẻ… Để góp phần giải quyết bài toán này, Cục sẽ triển khai đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi đề án kết thúc cũng chỉ có thể lấp được một phần lỗ hổng nhân lực này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Vương Duy Biên cũng cho rằng trong năm qua, các đơn vị, nghệ sĩ có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa như mong muốn. Việc đặt hàng tác phẩm để các đơn vị tập trung sáng tạo nhưng trả hàng chưa như mong muốn. Nhiều lĩnh vực đang rất trầy trật trong việc tìm tác phẩm hay.

Ông Vương Duy Biên cũng đề nghị, các nghệ sĩ chỉ cần có ý tưởng đưa đến hội đồng nghệ thuật, mọi người sẽ cùng hỗ trợ để làm. Nếu đã xây dựng được kịch bản thì tốt, còn nếu không, chỉ cần có ý tưởng cũng được. Hội đồng nghệ thuật sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo và chấp nhận thể nghiệm có thể không thành công.

Về việc xây dựng Nhà hát Lớn thành địa chỉ nghệ thuật xứng tầm là chủ trương rất đúng nhưng để triển khai thành địa chỉ nghệ thuật hấp dẫn của thủ đô không đơn giản. Vì chúng ta còn có các rạp hát khác như rạp Âu Cơ, rạp xiếc, rạp Kim Mã mới sửa rất đẹp. Để Nhà hát Lớn thành địa chỉ có uy tín về thương hiệu cần có giải pháp đồng bộ. Các Nhà hát phải có đầu tư, có tác phẩm mới. Hiện nay mới là giải pháp tình thế, tạo thói quen, đưa vào những cái có sẵn của các đơn vị.

Về lâu dài thì phải bắt tay vào xây dựng những tác phẩm mới, tác phẩm chất lượng hoặc là đỉnh cao. Tuyên truyền như thế nào để bán vé và bán vé giá bao nhiêu cho phù hợp, các đơn vị phải tư vấn cho Cục Nghệ thuật biểu diễn. Các nhà hát của quốc gia xây dựng các chương trình chính thống phục vụ chính trị nhưng cũng phải xây dựng các tác phẩm phục vụ công chúng. Ngoài nhiệm vụ chính trị, các nhà hát phải tính đến nhu cầu của công chúng.

Công chúng là yếu tố quyết định sự tồn tại của mỗi loại hình nghệ thuật. Tác phẩm gì, vở gì để đáp ứng nhu cầu này phải tính toán. Bộ chỉ định hướng, cái chính vẫn là đơn vị. Đơn vị mới quyết định được chất lượng tác phẩm.

Theo Minh Hải
Công An Nhân Dân