Sách nhảm gây ô nhiễm học đường: Không phải cứ thu hồi là xong

Những ngày qua, diễn đàn cư dân mạng dậy sóng vì “phát kiến” của “tiến sĩ thủy tinh” với bài học về lòng dũng cảm thể hiện qua hành động đi qua thảm thủy tinh vỡ. Nhiều câu hỏi đặt ra là vì sao suốt 10 năm qua cuốn sách vẫn “bình yên” trên bục giảng, thì nay lại bị “phanh phui” một cách “bầm dập”? Phải chăng không ai phát hiện ra cho đến ngày có người nào đó “chơi xỏ” một nhóm biên soạn khác?

 

 

Sách nhảm gây ô nhiễm học đường: Không phải cứ thu hồi là xong - 1

 

Cư dân mạng phản ứng

Ngay sau khi có những ồn ào quanh bài học đi qua thảm thủy tinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu NXB Giáo dục thu hồi cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” nói trên. Thế nhưng, cư dân mạng lập tức trưng thêm “bằng chứng ngô nghê” ở cuốn “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 2”, cũng do tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên. Đấy là bài học chống lại nỗi sợ bằng cách... nhảy lên tấm ván đặt trên một con lăn, cách mặt đất 15cm, hay đội 4 cái bát đi vòng quanh lớp (!).

Tiếp đó, trên mạng lại lan truyền một đáp án bài học (được cho là từ sách dịch) cho các bé khá sốc. “Một chiếc xe tải chở hàng hóa phải đi qua gầm cầm vượt. Nhưng vì nóc xe cao hơn so với gầm cầu là 1m nên xe không thể đi được... Đáp án: Câu trả lời rất đơn giản. Các bé hãy bảo bác tài xế xì bớt hơi trong các bánh xe để hạ độ cao của nóc thùng xe xuống 1m là có thể chui qua gầm cầu dễ dàng”.

Lối “tư duy” trên bị chỉ trích là “bại não”, không hiểu là đưa đáp án như thế thật, hay là sách... hài. Không chỉ thế, nhiều phụ huynh than thở rằng những cuốn sách nhảm từng bị báo chí chỉ trích, nay vẫn chễm chệ trên các kệ của các nhà sách. Cụ thể, cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” gắn mác trắc nghiệm IQ, toàn những câu hỏi về chặt đầu, chém giết, người chết... cùng hình ảnh gây sốc, vẫn có thể mua dễ dàng ở nhiều nơi.

Ngoài ra, sách dạy giới tính cũng bị phát hiện hình ảnh phản cảm, khi khu vệ sinh nam nữ cùng chung một không gian, với gương mặt ngó nghiêng tò mò và câu hỏi “kỳ lạ”, thiếu tính giáo dục.

Sửa sai từ đâu?

Tịch thu một cuốn sách là chưa đủ, bởi lẽ hậu quả sau 10 năm sách “tung hoành trong học đường” không phải là ít. Vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Xuất bản có kiểm soát được những loại sách “nhảm” như vậy không? Một đại diện NXB cho rằng, đến NXB Giáo dục mà còn làm sách kiểu vậy, thì thử hỏi, những NXB khác sẽ ra sao?

Hiện nay, quy trình làm sách khá tắc trách, từ khâu biên soạn, biên tập cho đến phát hành. Một NXB trung bình sản xuất vài ngàn cuốn sách một năm, mà đội ngũ biên tập viên chỉ dưới 20 người, thì quả là không thể đảm bảo xuể nội dung.

Một câu hỏi nữa đặt ra là, làm sao thu hồi rất nhiều những sách nhảm đang ngang nhiên được trưng bày ở các nhà sách, khi chính đơn vị chủ quản cũng không hay biết, phải nhờ báo chí, phụ huynh phát hiện những lỗi to tướng mới... giật mình? Ngay cả việc các NXB lên kế hoạch B, liên kết với các đối tác cũng còn không biết đến nội dung phản cảm của những cuốn sách đó, thì thử hỏi, làm sao họ “rút kinh nghiệm” về việc trên?

Các cuốn sách thiếu nhi toàn hình ảnh bạo lực, sex, hoặc sách nhảm, tào lao, đối thoại thiếu văn hóa giữa các nhân vật... đang là nỗi kinh hoàng của phụ huynh. Thu hồi rồi vẫn chưa phải là xong, vì còn phải có đoàn kiểm tra đến các nhà sách, phải có biện pháp mạnh và khung phạt cho các đơn vị vi phạm. Nhiều người đòi NXB Giáo dục phải xin lỗi học sinh vì những sự cố gần đây và phải chọn người biên soạn tử tế hơn.

Tuy nhiên, theo nhà văn Trần Quốc Toàn, người chuyên viết cho thiếu nhi, giải quyết những vấn đề trên cần tỉnh táo, không phải nghe một chiều từ phía phụ huynh, cư dân mạng. Là bởi, người ta thường “ném đá” tập thể khi chưa hiểu rõ một vấn đề nào đó. Có những cuốn đáng bị phản ứng, nhưng có những cuốn vô tình bị vạ lây. Thế cho nên, cần có bộ phận thẩm định chuyên môn chuyên nghiệp, cũng như cần có giáo viên tâm lý cho những môn học về kỹ năng sống nói trên.

Theo Minh Thi

Báo Lao động