"Rượu hồng" của Thế Anh: đối thoại cùng danh họa

(Dân trí) - Bức tranh "Rượu hồng" (le Vin rosé), sơn dầu, 154 x 200cm, 2015, lấy cảm hứng từ tác phẩm "la Chambre rouge" (1908) của Henri Matisse, do họa sĩ Thế Anh sáng tác theo nghệ thuật giễu nhại (l'Art de la Parodie, xuất hiện theo trào lưu nghệ thuật những năm 1960). Xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình nghệ thuật Ngô Kim Khôi (Paris, Pháp), Giám đốc Nghệ thuật Quỹ Đầu tư nghệ thuật Thiên Minh Art Ventures về tác phẩm "Rượu hồng" của họa sĩ Thế Anh.

"La Chambre rouge", căn phòng đỏ, còn có tên "la Desserte rouge", dọn bàn đỏ, hay "Harmonie rouge", hài hòa đỏ, trình bày một phòng ăn với những hoa văn nhảy múa hài hòa trên bàn và trên tường, làm người xem có cảm giác bàn và tường là một sự tiếp nối không ngừng.

"Rượu hồng" của Thế Anh: đối thoại cùng danh họa - 1

Bố cục mở ra một phần cửa sổ được vẽ như một bức tranh, trong đó toà nhà và một phần đất xa xa. Phía bên phải là một người đàn bà đang lặng lẽ làm việc. Toàn tranh toát ra vẻ rực rỡ của màu đỏ tinh khiết và tươi sáng, là gam mầu tiêu biểu cho trường phái dã thú (fauvisme).

Trong bức tranh của Matisse, phía bên trái gần cửa sổ là một chiếc ghế trống, Thế Anh đã tận dụng khoảng trống này để đặt nhân vật của mình vào. Đó là một thiếu nữ bán khỏa thân, trình bày theo phong cách hiện thực (réalisme). Cô lười biếng nghiêng người trên bàn, tay nâng ly rượu hồng tận hưởng. Cơ thể cô mượt mà như mơ, những đường cong da thịt ngồn ngộn căng tròn như mùa xuân khoan dung ngoài cửa sổ, màu da thịt trắng mịn nõn nà nổi bật lên nền đỏ, là sự tương phản giữa fauvisme và réalisme.

Kỳ lạ thay, sự tương phản này thảng thốt mang cho "Rượu hồng" một đối xứng và cân bằng, trong bố cục cũng như tâm tình. Hai nhân vật trong tranh cho ta cảm giác đang nói chuyện với nhau. Đối thoại này không riêng của hai người, mà cũng là cuộc đối thoại của hai trường phái hoàn toàn trái ngược trong hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Hiện tại soi trong quá khứ, tương hỗ và hài hòa.

"Rượu hồng" của Thế Anh: đối thoại cùng danh họa - 2

Thế Anh bày tỏ với chúng tôi rằng anh thích gọi đó là nghệ thuật đối thoại hơn là nghệ thuật giễu nhại, anh mong rằng đây là một giao lưu, phản biện, trao đổi với nghệ thuật của người đi trước để bật ra một ý tứ mới, thông điệp mới, mà vẫn tôn trọng nghệ thuật của tiền nhân. Điều khó nhất chính là biến tác phẩm của người đi trước thành tác phẩm của mình, vì bản thân bức tranh của danh họa đã là một thể thống nhất về bố cục, mầu sắc, câu chuyện... Bất cứ một tác động nào không khéo léo đều dễ thất bại, chưa kể cái bóng của danh họa và độ nổi tiếng của tác phẩm, không dễ vượt qua.

"Rượu hồng" là một trong ba bức tranh mà Lê Thế Anh dùng để đối thoại với các danh họa. Hai bức kia là "Táo đỏ" đối thoại với "la Chambre" (Căn phòng) của Van Gogh, "Trò chơi vương quyền" đối thoại với "Guernica" của Picaso.

Tác phẩm "Rượu hồng" hiện thuộc bộ sưu tập Thiên Minh Art Collection 2018 của Quỹ Đầu tư nghệ thuật Thiên Minh Art Ventures.

Ngô Kim Khôi