Rực rỡ sắc màu Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên khai mạc lúc 20h ngày 30.11, do tỉnh Gia Lai tổ chức đăng cai.
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu, lãnh đạo các bộ ngành của Chính phủ và T.Ư, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, lãnh đạo tỉnh Ratanakiri của Vương quốc Campuchia...
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Võ Ngọc Thành cho hay, từ bao đời nay, cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, linh thiêng và đã trở thành bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ngày nay, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã lan tỏa, không chỉ là di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, của các dân tộc Việt Nam mà còn là di sản phi vật thể của nhân loại.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng và gió với con người mộc mạc chất phát cùng sinh sống tạo nên cộng đồng với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo.
Gia Lai là vùng đất cổ xưa, lưu giữ nền văn hóa truyền thống, đặc trưng với địa danh lịch sử và kho tàng sử thi hùng tráng vô giá. Cùng với thời gian, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn, vượt qua khỏi biên giới Quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại.
Tiếng cồng chiêng trở thành tiếng nói của tâm hồn, khát vọng diễn tả những niềm vui, những nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên. Lễ hội Festival cồng chiêng lần này là sự tôn vinh những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng.
Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên cùng nhau gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên; giữ gìn văn hóa cồng chiêng đậm chất sử thi.
Festival do Gia Lai tổ chức diễn ra từ ngày 30.11-2.12, quy mô hoành tráng với khoảng 1.100 người tham gia lễ hội.
Các nghệ nhân đến từ các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai sẽ biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, trong trang phục truyền thống diễu hành trên các tuyến đường trung tâm của thành phố Pleiku, Gia Lai. Các nghệ nhân sẽ trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm, diễn xướng sử thi, hát dân ca; triển lãm tranh, ảnh tư liệu về văn hóa cồng chiêng. Đến với Festival, người dân trong cả nước sẽ được thưởng thức cà phê đường phố, ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền hội tụ.
Những hình ảnh tại Lễ khai mạc:
Festival chính là nơi tụ hội các dân tộc anh em trình diễn nghệ thuật cồng chiêng. Ảnh Đình Văn
Theo Đình Văn
Lao Đông