Rạp chiếu phim Việt: Cá lớn nuốt cá bé?
Với dân số trẻ chiếm ưu thế, thị trường rạp chiếu phim tưởng chừng sẽ là “miếng bánh” ngon để nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chia phần. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của những cái tên mới trong lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu, việc tìm nguồn phim cũng như thể loại phim để thu hút khán giả đến mua vé vẫn là bài toán khó giải với đặc thù của thị trường chúng ta.
Rạp chiếu phim không thiếu
Hiện nay, mỗi khi nhắc đến rạp chiếu phim, khán giả đã có nhiều lựa chọn hơn theo những cụm rạp nổi bật như CGV, Galaxy, Lotte, BHD hay mới đây có thêm Cinestar và GSCinema... Trong đó, ba “ông trùm” là CGV, Lotte và Galaxy mới thật sự có được mật độ rạp chiếu phủ khắp các thành phố lớn, đặc biệt là có sự thu hút lớn về khách du lịch. Nói vậy không có nghĩa khán giả của phim ảnh ở những thành phố nhỏ hơn không có điều kiện đến rạp. Ở nhiều nơi đã có không ít các rạp chiếu phim theo quy mô địa phương, hay có khi có cả tính chất “cá nhân” theo hộ kinh doanh... Vậy, ở góc độ cung thì rạp chiếu phim chưa hẳn là thiếu đối với nhu cầu khán giả hiện nay.
Cùng với sự lựa chọn và phân khúc thị trường, rõ ràng trong mấy năm trở lại đây, rạp chiếu phim chiếm ưu thế thường là những cụm rạp có nguồn vốn đầu tư khủng. Đặc biệt, hệ thống CGV luôn có được lượng khán giả rất lớn, vì ở đây mỗi năm, lượng phim bom tấn nhập về không hề nhỏ. Rạp phim tại Việt Nam đang nỗ lực kinh doanh phim theo đúng mùa phim trên thế giới, họ sẵn sàng chi lớn cho những bộ phim bom tấn trong quá trình quảng bá để khán giả biết. Ví dụ, để chiều lòng khán giả và tạo ra phương thức thu hút, hình thức “lồng tiếng” theo nhân vật do các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam đảm nhận cũng đã chứng minh được thành công trong những năm qua. Tuy nhiên, do không ít lượng khán giả có sự lựa chọn cho phim phụ đề để giữ được nguyên gốc về mặt âm thanh và ngữ giọng của diễn viên trong phim, vì vậy, các rạp chiếu phim đã tung ra rất nhiều phiên bản trong một bộ phim để đáp ứng nhu cầu tối đa nhu cầu thưởng thức một bộ phim: Từ phụ đề, thuyết minh, lồng tiếng...
Rõ ràng, các rạp chiếu phim đang mong muốn đi tìm từng cụm khán giả nhỏ hơn để chiếm được nhiều thị phần. Có thể nói, CGV là cụm rạp nhập lượng phim phong phú nhất hiện nay, từ những phim hành động bom tấn, đến các phim tranh giải thưởng Oscar, Quả cầu vàng... Đặc biệt, ở mảng sản xuất phim, Công ty CJ trong năm qua cũng chứng tỏ mình thành công và vượt trội về mặt doanh thu, khi bộ phim “Em là bà nội của anh” cán mốc kỉ lục doanh thu 100 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một cái tên khác cũng có sức cạnh tranh không hề nhỏ trong việc sản xuất phim để tạo ra thế độc quyền, đó chính là Galaxy với phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trong năm 2015 - đem lại khoản doanh thu lớn cho rạp.
Phân hóa trong việc lựa chọn đối tượng, các cụm rạp cũng dần phân chia khán giả của mình ở vài phân khúc nhất định. Ví như hệ thống rạp GSCinema, từ khi thành lập đến nay, đã tạo được điểm nhấn với việc phát hành những bộ phim do Sóng vàng sản xuất. Hay cụm rạp Lotte vẫn luôn ưu ái cho những bộ phim đến từ Thái Lan... Còn CJ lại chuyên nhập những phim Hàn Quốc cùng với nhiều dự án phim Việt.
Khán giả là ẩn số
Ngoài hai yếu tố là rạp chiếu phim và phim thì khán giả chính là vấn đề quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư kinh doanh rạp chiếu phim, buộc họ phải tìm cho mình những lời giải. Với những bộ phim bom tấn, đặc biệt là những thể loại như hành động, hoạt hình và kinh dị - thể loại khán giả Việt Nam dường như rất ưa chuộng, đôi khi không cần biết phim hay dở ra sao - thì doanh thu của những dòng phim này với khán giả Việt tương đối ổn định. Ngược lại, những bộ phim đến từ các giải thưởng lớn như Oscar, Quả cầu vàng lại gần như không tìm được lượng khán giả đại chúng lớn như vậy... Do đó, rất khó nắm bắt tâm lí người xem để phân tích sự thắng thua về mặt doanh thu giữa các rạp chiếu phim Việt. Nó luôn là “ván bài” của nhà sản xuất phim.
Trong 3 năm trở lại đây, thị trường phim chiếu rạp rộ lên phương thức làm phim mới - “chọn mặt gửi vàng” cho các nghệ sĩ đến từ làng hài. Việc một vài cái tên ngôi sao bảo chứng cho doanh thu không xa lạ gì với thế giới, nhưng dựa vào sự quan tâm của khán giả đến rạp hiện nay thì diễn viên đôi khi không nằm trong hàng ngũ những cái tên có thể thu hút người xem, ngay cả đạo diễn cũng không tạo được sức hút mà chính là các nghệ sĩ hài. Những cái tên đã tạo nên cơn sốt phòng vé không hề nhỏ cho phim chiếu rạp đó chính là Thái Hòa (rất thành công qua những bộ phim như “Để mai tính” 1 & 2, “Tèo em”...), hay nghệ sĩ hài Hoài Linh, Việt Hương liên tục thu hút được khán giả đến rạp... Cơn sốt của các nghệ sĩ hài lên phim khiến khán giả choáng ngợp và thị trường phim Việt gần như trở nên đảo lộn với những cái nhìn không “bình thường” chút nào với tâm lí người xem hiện nay.
Có những bộ phim được đánh giá rất cao nhưng sức chịu đựng trong các suất chiếu không quá một tuần, trong khi đó, nhiều bộ phim được xem là hài nhảm lại có doanh thu kỉ lục. Vậy, liệu có thể đo được tâm lí khán giả Việt Nam hiện nay có xu hướng chọn phim như thế nào không? Không ít nhận định cho rằng, khán giả hiện nay dễ dãi, sẵn sàng chọn một bộ phim hài nhảm dễ hiểu hơn là một phim có chất lượng nghệ thuật khó hiểu... Bởi khán giả hiện nay có sự lựa chọn chung là giải trí, đến rạp để xả stress chứ không phải khó nhọc để hiểu một bộ phim. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, tâm lí khán giả bắt đầu có sự thay đổi khiến cho nhiều nhà sản xuất phim phải nhìn lại.
Trong một loạt phim tết vừa qua, nhiều bộ phim quy tụ không ít những danh hài đình đám lại không nổi bật về doanh thu. Trong khi đó, những bộ phim nhập từ nước ngoài như “Mỹ nhân ngư” của Châu Tinh Trì, “Tôn Ngộ Không: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”... lại mang đến nguồn doanh thu lớn cho các rạp trong mùa phim tết. Hay gần nhất, phim “Gái già lắm chiêu” cũng sớm thành công về mặt doanh thu bước đầu. Rõ ràng, hiện nhu cầu thưởng thức của khán giả đã cao hơn, không chỉ đến rạp để xem thần tượng mà họ quan tâm nhiều hơn đến kịch bản, mức độ đầu tư hoành tráng của phim, cùng với các yếu tố hấp dẫn về mặt diễn viên...
Có thể nói, số lượng rạp chiếu phim hiện nay là không hề thiếu để đáp ứng lượng khán giả, tuy nhiên, để nắm bắt những đặc điểm lựa chọn của khán giả Việt là không dễ dàng. Đã có nhiều thành công về doanh thu ngoài dự kiến và không ít cơn sốt chạy theo đã trở thành thoái trào trong khoảng thời gian chưa tới 3 năm. Trong năm nay, phim Việt hứa hẹn tiếp tục ồ ạt ra rạp nhiều mức độ đầu tư lớn nhỏ khác nhau, có thể kể đến như “Truy sát” do CGV phát hành, “White Valentine” do Lotte phát hành, “Nắng” hay “Bảo mẫu siêu quậy 2” do Galaxy hợp tác sản xuất phát hành...
Theo Huyền Minh
Lao Động