Ra mắt cuốn tự truyện “Không thể mồ côi”

(Dân trí) - Tác giả Minh Vân cho ra mắt cuốn tự truyện “Không thể mồ côi”. Đây là một món quà ý nghĩa, để tưởng nhớ 45 năm ngày Anh hùng, Liệt sỹ Đào Phúc Lộc hy sinh (24/12/1969- 24/12/2014) và tiến tới chào mừng 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2015).

Tác giả Minh Vân là một người có số phận đặc biệt: Bà tên đầy đủ là Đào Thị Minh Vân, được sinh ra ở Hà Nội vào đúng “Đêm lịch sử toàn quốc kháng chiến” 19/12/1946. Mới 14 tháng tuổi, cô bé Minh Vân đã mồ côi mẹ và cũng chưa một lần được gặp cha. Cha và mẹ của Minh Vân đều hy sinh trong kháng chiến. Được sự bao bọc của người dân, sự yêu thương chăm sóc của 5 bà mẹ, sự giúp đỡ, quan tâm của Đảng, của Nhà nước, bà được đi học đầy đủ.

Bà Minh Vân nghẹn ngào nhớ lại quãng thời gian dài tìm kiếm thông tin về cha mình, cụ Đào Phúc Lộc

Bà Minh Vân nghẹn ngào nhớ lại quãng thời gian dài tìm kiếm thông tin về cha mình, cụ Đào Phúc Lộc

Học xong bà vào làm cho cơ quan nhà nước, khi đó Minh Vân cũng là một người phụ nữ có đã có vị trí nhất định. Nhưng khi đất nước bắt đầu chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường bà lại chuyển sang kinh doanh thương mại. Là một người đàn bà gồng gánh nuôi con, bà chỉ nghĩ mình phải làm sao để có đủ khả năng nuôi con mình cho đàng hoàng, con cái phải được ăn học tử tế, khi đó bà lao vào công việc, lao vào kiếm tiền. Bà nhận lời làm Giám đốc cho một công ty nước ngoài lúc bấy giờ.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều khi đó, nhưng ủng hộ bà thì ít mà trách cứ bà thì nhiều. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh vốn có, bằng sự nhạy bén bà đã chấp nhận tất cả. Và sau ngần ấy năm, bà đã chứng minh được quyết định lúc bấy giờ của mình là hoàn toàn chính xác.

Cuộc sống khó khăn, bộn bề, có biết bao nhiêu điều phải lo toan, suy nghĩ, bà không còn nhớ, hay nghĩ quá nhiều về cha mẹ thân sinh ra mình. Nhưng trong một lần vô tình bà nghe được những đứa con của mình nói chuyện có hỏi nhau: “Sao chúng mình không biết tí gì về ông bà ngoại mình nhỉ?” lúc ấy lòng bà như quặn lại. Chính bà cũng chưa một lần được gặp cha thì sao có thể miêu tả hay kể cho các con mình nghe, mẹ bà mất khi bà còn quá nhỏ bà cũng không thể nhớ gì! Và lúc đó, như có một điều gì mách bảo, bà quyết tâm đi tìm thân thế của người cha ruột bà- ông Đào Phúc Lộc tức Hoàng Minh Đạo. Đây là người cha mà đến tận năm 16 bà mới biết tên thật, vì trong kháng chiến ông sử dụng nhiều tên gọi, bí danh khác.

Phải có một động lực lớn lắm, phải có một tình yêu sâu đậm, người phụ nữ nhỏ bé này mới có thể vượt qua những khó khăn, những “cản trở” để tìm cha mình. Và cuộc hành trình tìm cha của mình đã được bà kể toàn bộ, chi tiết và chân thực trong cuốn tự truyện Không thể mồ côi.

Bà chưa bao giờ nhận mình là nhà văn, bà nhận mình là một người kinh doanh, vậy nên những gì bà viết ra trong cuốn sách này là những dòng vắn tắt về cuộc đời bà, về người cha của bà, ngôn từ dung dị, không văn hoa, dài dòng và đặc biệt là không có một chi tiết nào được hư cấu. Bà có nói, cuốn sách này được bà viết nên theo lời kể của các cô, chú đồng đội chiến đấu cùng bố bà, bà tôn trọng từng câu từ họ nói ra, vậy nên không được sửa chữa hay thêm bớt gì, có thế nào bà chép lại như thế.

Buổi ra mắt cuốn tự truyện <span style=mso-bidi-font-style:
normal>Không thể mồ côi

Buổi ra mắt cuốn tự truyện "Không thể mồ côi" sáng 23/12 tại NXB Công an nhân dân, Hà Nội thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Ai cũng muốn đến gặp và nghe những câu chuyện chia sẻ của người con gái liệt sỹ Đào Phúc Lộc- một chiến sĩ tình báo xuất sắc

Không cầm nổi những giọt nước mắt khi nhớ đến cha của mình, nhớ đến quãng thời gian dài tìm kiếm thông tin về cụ Đào Phúc Lộc, bà có tâm sự: “Đã 23 năm tôi đi tìm thông tin về cha mình. Tại sao lại kéo dài như vậy? Thời gian của tôi cũng còn để kinh doanh, kiếm sống nuôi con và gia đình. Thứ hai, như một điều tâm linh, tôi đến chú A thì chú A lại cho địa chỉ chú B, đến chú B thì bảo để nhớ lại rồi cho tôi địa chỉ cô C, rồi cứ dẫn dắt như vậy, thành ra tôi cũng đi gặp tới 463 người cho đến ngày hôm nay…”

Bản thảo của cuốn tự truyện được viết bằng tiếng Việt không dấu, tác giả tạm đặt tên là Vòng đời. Bà Minh Vân đã nhờ nhà văn Đặng Vương Hưng tổ chức bản thảo và chắp bút. Sau một quá trình đọc và nghiên cứu, nhà văn Đặng Vương Hưng đã chia phần, đặt chủ đề các phần trong cuốn tự truyện của tác giả Minh Vân, cũng cùng tác giả suy nghĩ đổi tên tác phẩm cho hợp lý.

Trong Lời thưa của người chắp bút in đầu cuốn tự truyện, nhà văn, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã viết: “Cuốn sách này được chia làm nhiều phần nhỏ, nhưng nội dung tập trung vào chủ đề chính là tự truyện của tác giả về cuộc đời mình, từ thuở ấu thơ tới khi trưởng thành, với những ký ức và ấn tượng sâu đậm nhất về những người mẹ nuôi, những người thân yêu trong gia đình và cả những người bạn; xen kẽ với thực tế cuộc sống của tác giả hiện nay. Đặc biệt cuốn sách còn có một phần nội dung quan trọng nữa là góp phần khắc hoạ chân dung  Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc, thông qua những câu chuyện, lời kể, hồi tưởng xúc động của nhiều nhân vật, từng là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta, các tướng lĩnh, Sĩ quan cao cấp của công an và quân đội.”

Viết cuốn tự truyện này, tác giả muốn gửi gắm một thông điệp tới mọi người: “Không ai được phép quên quá khứ, và hiện tại phải được đánh giá công bằng để cho tương lai tốt đẹp hơn”.

Bài và ảnh: Trúc Diệp