Quyền tác giả ở Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề
(Dân trí) - Lĩnh vực quyền tác giả ở Việt Nam đang phải đối mặt với nạn xâm phạm quyền dưới nhiều hình thức mặc dù đã có văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ và Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về quyền tác giả.
Xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại lớn.
Đó là khẳng định của họa sĩ, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến – Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam trong cuộc Hội thảo: “Quyền sao chép tác phẩm và vai trò quản lí tập thể” diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả đang ngày càng “lộng hành” một cách trắng trợn gây thiệt hại nặng nề không chỉ về giá trị kinh tế mà còn là tinh thần của người sáng tạo ra tác phẩm. Các hành vi xâm phạm phổ biến như sao chụp (sao chép bằng máy sao chụp) để sử dụng nội bộ hoặc sao chép bằng công nghệ số và sử dụng tác phẩm trái phép trên mạng Internet đang là một thách thức lớn cho toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, bà Đoàn Thị Lam Luyến khẳng định: “Ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp của các hoạt động sao chụp trái phép là làm mất đi khoản thu nhập quan trọng mà các tác giả và nhà xuất bản lẽ ra phải được hưởng theo quy định của pháp luật. Điều này đặc biệt bất lợi với các nước sử dụng ngôn ngữ không phổ biến trên thế giới như Việt Nam, bởi lẽ thị trường trong nước gần như là nơi duy nhất để người sáng tạo và nhà xuất bản tạo được thu nhập.
Nạn xâm phạm còn tạo rào cản lớn đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài khiến họ e ngại trong việc muốn đầu tư để đưa tác phẩm vào Việt Nam. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công chúng nước ta bởi sẽ mất đi cơ hội được tiếp cận, học hỏi các tác phẩm của những người nổi tiếng trên thế giới”.
Khẳng định đây là một “vấn nạn” cần phải ngăn chặn và chấm dứt, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của mọi người trong việc tìm ra giải pháp thích hợp.
Thách thức lớn với các tổ chức, hiệp hội quyền tác giả
Có mặt tại Hội thảo, chuyên gia sở hữu trí tuệ, ông Bùi Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời câu hỏi của mọi người về quyền bảo hộ quyền tác giả và những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Về phía Việt Nam, ông cho biết: “Về lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả, hiện tại ở nước ta có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (thành lập 2002); Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (thành lập 2003); Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (thành lập 2004) và Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (Vietrro, thanh lập 2010) có chức năng và nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo tác phẩm và khai thác giá trị kinh tế từ chính tác phẩm đó”.
Về hoạt động của Vietrro, bà Đoàn Thị Lam Luyến nhấn mạnh: “Hiệp hội sẽ đóng vai trò là người trung gian trong việc kết nối, cung cấp tác phẩm đến người sử dụng một cách hợp pháp và đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.Theo đó người nắm quyền sao chép (tác giả, nhà xuất bản) sẽ ủy thác “đứa con tinh thần” này cho Vietrro, Vietrro sẽ cấp phép cho người dùng (trường học, cơ quan, xí nghiệp…), đồng thời sẽ thu khoản thù lao mà người dùng phải trả, số tiền này sẽ được đền bù cho người nắm quyền tác giả”.
Sau gần 3 năm hoạt động, hiện nay Vietrro quản lí trên 32.000 tác phẩm và trở thành thành viên của Liên đoàn quốc tế các tổ chức quyền sao chép (IFRRO) từ tháng 6/2011.
Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và viễn thông ngày càng làm gia tăng quy mô hoạt động sao chép, vì thế việc ngăn chặn vẫn là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng. Điều này đòi hỏi sự chung tay, góp sức không chỉ của những nhà chức trách mà còn là những “người bố, người mẹ” trong việc ý thức bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.
Phạm Oanh