Quảng Trị: Độc đáo Tết mừng lúa mới của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều

(Dân trí) - Khi vụ mùa kết thúc cũng là lúc bà con Pa Kô, Vân Kiều tại vùng núi phía tây Quảng Trị lại tất bật chuẩn bị lễ mừng lúa mới, hay còn gọi là Tết A Da. Đây được xem là tết lớn trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây, cùng với Tết Nguyên đán.

Người Pa Kô, Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, họ tin vào các thần linh huyền bí (Yang), họ coi vạn vật hữu linh, thờ thần lúa. Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lụt lớn mà còn mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc họ. Bởi vậy, người Pa Kô, Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới (lúa mới). Các lễ cúng liên quan khá sâu sắc đến hoạt động sản xuất như khâu phát, đốt, cốt, trỉa, tuốt lúa và cất giữ lúa...

Quảng Trị: Độc đáo Tết mừng lúa mới của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều - 1

Một mùa xuân ấm áp đang về trên các bản làng vùng cao. Bà con Vân Kiều, Pa Kô thu hoạch lúa

Mổ bò, lợn để cúng tạ ơn thần linh…

Nhiều lần lên với bà con vùng núi phía Tây Quảng Trị, chúng tôi cũng đã chứng kiến một số ngày hội lớn của người dân Vân Kiều, Pa Kô, như: Tết mừng lúa mới, Tết Nguyên đán…Dịp lễ nào cũng mang những đặc trưng riêng nhưng không kém phần độc đáo, thú vị. Trong đó, phải kể đến lễ mừng lúa mới, là ngày hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Nhắc đến cây lúa thì trước đây đồng bào Vân Kiều, Pa Kô chủ yếu canh tác theo kiểu du canh du cư, đốt nương làm rẫy, nhưng sau này được sự giúp đỡ của chính quyền và bộ đội, lẫn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con nơi đây đã biết trồng lúa nước, cuộc sống cũng dần trở nên ổn định hơn. Và, lễ mừng lúa mới là một trong những nét văn hóa độc đáo mà người dân Vân Kiều, Pa Kô còn lưu giữ đến ngày nay.

Đối với dân tộc Pa Kô, khi lúa chín vàng đầy rẫy, họ cùng nhau gặt về đem tuốt lúa ra khỏi thân. Khi mọi công đoạn đã gọn gàng sạch sẽ, họ bắt đầu tổ chức những nghi lễ cúng Tết lúa mới. Thông thường ở từng gia đình họ tự soạn những mâm lễ theo khả năng của mình, nói chung là theo lòng thành và hoàn cảnh. Nếu như người Pa Kô cúng Tết lúa mới khi đã gặt hái xong thì người Vân Kiều lại làm lễ cúng trước khi tổ chức gặt, chưa cúng mà gặt coi như phạm tục cấm kỵ. Mỗi nhà chuẩn bị những thứ như gà, rượu, các loại bánh nếp, xôi…để đặt lên mâm cúng tạ ơn thần linh đã giúp cho họ có được vụ mùa bội thu.

Anh Hồ Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung, huyện Đakrông, cho biết: Khoảng tháng 10 đến tháng 11 (Âm lịch) hàng năm, sau khi vụ mùa kết thúc thì người dân khắp các bản làng lại rộn ràng, tất bật chuẩn bị cho tết A Da (hay còn gọi là lễ mừng cơm mới). Đối với người Pa Kô thì Tết mừng cơm mới là một lễ hội lớn, chỉ đứng sau lễ hội A Riêu Ping. Lễ mừng cơm mới được tổ chức vào thời điểm gần cuối năm Âm lịch và gần với Tết Nguyên Đán của người Kinh. “Từ khi người Pa Kô theo Đảng, theo Bác Hồ thì mỗi năm thường có 2 tết, đó là Tết mừng cơm mới và Tết Nguyên đán” – ông Nhâm nói.

Cùng anh Nhâm đến dự Tết mừng lúa mới của bà con tại bản Cu Tai, xã A Bung, chúng tôi có cơ hội hiểu sâu hơn về ngày lễ lớn này của người dân địa phương. Vừa đặt chân đến đầu thôn Cu Tai, chúng tôi đã nhận thấy không khí náo nhiệt, tất bật, lẫn tiếng nói cười sảng khoái vang vọng từ trong gian bếp các mái nhà sàn vững chãi. Trước những ngôi nhà sàn, đàn ông con trai làm lợn, mổ bò, còn chị em phụ nữ thì nấu xôi, nấu cơm.

Quảng Trị: Độc đáo Tết mừng lúa mới của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều - 2

Gìa làng Vỗ Nghìn làm lễ khấn các vị thần linh, tiên tổ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhiều sức khỏe trong năm tới

Già làng Vỗ Nghìn, Trưởng một dòng họ ở thôn Cu Tai 1, cho biết: “Tết mừng cơm mới của người Pa Kô là một phong tục tập quán có từ xa xưa, thường được tổ chức sau khi mùa vụ đã vãn, lúa ở ngoài đồng ruộng đã được gặt về. Tùy thuộc vào thời gian gặt lúa mà ở mỗi xã, mỗi thôn và mỗi dòng họ tổ chức vào từng thời điểm khác nhau. Cách thức cúng bái và bày trí mâm cỗ cũng khác nhau. Tết mừng cơm mới không tổ chức chung cho toàn thể cộng đồng như A Riêu Ping mà chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, họ tộc. “Trước khi cúng, các trưởng họ sẽ triệu tập con cháu lại để họp bàn và chọn ra ngày giờ đẹp nhất, tốt nhất để tổ chức cúng cơm mới. Theo quan niệm của người Pa Kô, thời gian tốt nhất để cúng Giàng, cúng thần linh là vào buổi sáng vì lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày”, già Nghìn nói.

Lễ vật của các mâm cỗ tùy thuộc và điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình. Nhà nào có điều kiện thì cúng một con lợn, con bò, nhà nào năm nay mất mùa thì cúng một con gà, dĩa xôi…Nhưng các mâm cỗ đều có đặc điểm chung là có một dĩa cơm nếp mới do chính nhà mình làm ra, các ống cơm nếp trắng và cơm nếp than được bỏ trong ống tre lồ ô rồi nướng trên bếp than hồng, bát nước trong và những bông hoa được làm từ cây tre tượng trưng cho những bông lúa. Điểm đặc biệt là luôn có một ché rượu cần được ủ lâu năm đặt tại nhà trưởng dòng họ.

Sau khi con cháu đã bưng mâm cỗ đến bày biện đầy đủ trên chiếu, già Vỗ Nghìn bắt đầu nghi thức cúng bái. Gìa cúng theo thứ tự cho người lớn tuổi trước và người nhỏ tuổi nhất trong họ được cúng cuối cùng. Gìa làng Vỗ Nghìn mặc trang phục truyền thống của người Pa Kô, rồi bắt đầu khấn vái Giàng, các thần linh và ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, mùa màng năm sau tốt tươi hơn năm trước, cái bụng được no hơn và không còn cảnh phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm nữa. Các vị thần được già làng nhắc đến trong lễ cúng như thần nước, thần núi, thần đất đai, thần mùa màng,…

Khi lễ cúng được tổ chức xong, các hộ gia đình bưng mâm cỗ của mình về nhà riêng rồi tiếp tục cúng ở nhà hoặc để lại một vài lễ vật như con gà, ống cơm, dĩa xôi tại nhà trưởng họ để cùng góp vui với bà con họ hàng.

Mùa Xuân no ấm

Lễ cúng Tết lúa mới ngoài nghi thức báo cáo với Trời đất, Tổ tiên, thổ thần về kết quả của một mùa thì nó còn mang ý nghĩa để người dân cầu cho mùa màng luôn tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhà nhà, người người trong thôn bản đều dồi dào sức khỏe.

Già Nghìn chia sẻ: “Cứ theo lệ xưa, ai cũng vậy có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều. Thường bà con khi đón Tết lúa mới mà có được khách quý đến nhà chung vui là mừng cái bụng lắm. Như rứa là Giàng đã nghe được những lời của dân bản nói và nhất định những mùa vụ tới sẽ tốt tươi”.

Gìa Căn Nghệ (55 tuổi) ở thôn Cu Tai 2, cho biết, tết A Da là dịp để ông bà, bố mẹ và con cháu tổng kết công việc làm ăn, học tập trong một năm và thông báo với ông bà tổ tiên và các vị thần linh, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ con cháu ngày càng làm ăn khấm khá hơn, lúa ngày càng xanh tốt hơn. Trong bữa cơm mới đầm ấm, sum vầy, sau những lời chúc sức khỏe, những tiếng cười giòn tan, những ly rượu cần ngọt lịm là những câu chuyện về quá khứ đã qua, những lời nhắn nhủ, răn dạy của trưởng họ, các già làng, và của bố mẹ dành cho con cháu của mình.

Quảng Trị: Độc đáo Tết mừng lúa mới của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều - 3

Phụ nữ huyện Đakrông giã gạo

Nhìn thấy sự vui tươi thể hiện trên từng nét mặt của mỗi người dân, chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng vì sau một vụ mùa vất vả, bà con nơi đây đã đón một cái Tết của dân tộc trong sự vui vẻ, đủ đầy. Và càng hy vọng rằng, mùa Xuân này bà con sẽ được đón Tết cổ truyền trong sự ấm áp, hạnh phúc hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Nhâm nói: “Thời gian gần đây, vì có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các vùng nên những lễ hội truyền thống của người Pa Kô đang dần bị mai một và mất đi những bản sắc riêng biệt. Để khắc phục và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống này, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các già làng, trưởng bản đi vận động, tuyên truyền người dân và truyền dạy cho con em trong xã về những văn hóa truyền thống. Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, người dân và chính quyền địa phương rất cần những chính sách đầu tư, hỗ trợ từ cấp trên để các lễ hội truyền thống của người Pa Kô được lưu giữ đến muôn đời sau”.

Đăng Đức – Trần Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm