Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa

(Dân trí) - Hàng trăm năm nay, giếng cổ động Chùa đã trở thành điểm sinh hoạt, giao lưu văn hóa của người dân vùng cát xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Người dân nơi đây luôn trân trọng những gì mà thế hệ trước đã dành tâm huyết xây dựng và truyền lại cho đời sau.

Theo nghiên cứu của giới khảo cổ thì giếng nước ở động Chùa có từ thời Chăm, cùng loại hình với hệ thống giếng cổ ở vùng tây Gio Linh, do người Chăm Pa xây dựng khoảng từ thế kỷ 10 – thế kỷ 15.

Giếng cổ hàng trăm năm ở động Chùa

 

Di sản trời đất ban tặng

Người dân làng Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh bao năm qua luôn giữ gìn và bảo vệ giếng cổ ở làng mình như một “báu vật” mà ít nơi nào có được. Bởi giữa những đồi cát mênh mông, điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa hè thì bỏng rát như vậy lại có một giếng nước mội trong vắt, nước chảy ra quanh năm mát rượi. Giếng nước này nằm ở dưới chân động Chùa nên người dân địa phương quen gọi là giếng động Chùa.

 

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 1

Giếng cổ nằm dưới chân động Chùa, làng Nhĩ Thượng, được giới nghiên cứu đánh giá có niên đại hơn 500 năm

Đặc biệt, giếng cổ này còn gắn với một sự tích mang đậm tính chất ly kỳ, đấy là một câu chuyện tình yêu đẹp của một vị hoàng tử Vương quốc Chăm với một thôn nữ vùng này mà người dân nơi đây vẫn thường truyền tai nhau. Chuyện kể rằng, có một vị hoàng tử Vương quốc Chăm trên đường lãnh binh ra biên ải, khi dừng chân nghỉ lại vùng đất này đã rung động trước nhan sắc của một thôn nữ gần rú cát động Chùa (làng Nhĩ Thượng). Tình yêu của họ ngày càng trở nên gắn kết, bất chấp những đối nghịch về danh phận, xuất thân gia đình. Và, vị hoàng tử này đã dám đánh đổi mọi vinh hoa phú quý để cùng sống với người mình yêu, dẫu cuộc sống của họ cũng khá bình dị, đơn sơ. Về sau, vùng đất này gặp một trận thiên tai nên đã xóa đi mọi dấu vết của sự sống. Khi gây dựng lại cuộc sống nơi đây, người dân địa phương biết được đã cảm thấy thán phục tình yêu cao đẹp của vị hoàng tử nọ và như để tưởng nhớ đôi vợ chồng này, họ đã đục đá thành bi để làm giếng bên chân động Chùa.

 

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 2

Cụ Nguyễn Văn Tự, một người con xa quê hương đã lâu nhưng về thăm quê lần nào cũng đến giếng này nghỉ chân và uống nước

Chẳng biết giếng có thật sự gắn liền với sự tích cảm động và linh thiêng đó hay không, hiện cũng không có ai kiểm chứng được, nhưng điều đặc biệt là giếng nước này chảy quanh năm. Dù nằm trong vùng cát khắc nghiệt như vậy nhưng nước lại rất trong vắt, không hề bị nhiễm phèn. Lấy nước này uống mọi người cũng cảm nhận được độ mát rượi, cùng vị ngọt ngào so với những nguồn nước xung quanh.

 

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 3

Giếng chỉ sâu chừng chưa đầy 1m, nước trong vắt và chưa bao giờ cạn

Theo cụ bà Phan Thị Thẻn (83 tuổi, người dân làng Nhĩ Thượng) cho biết, khi được sinh ra và sống ở đây bà đã thấy giếng nước này rồi. Bà cũng đã từng nghe các thế hệ trước truyền tai nhau về câu chuyện tình yêu đẹp đẽ đó nhưng bà cũng không khẳng định nó có thật hay không?

“Câu chuyện kia thì tui không dám chắc vì đã trải qua vài trăm năm rồi, dân làng đều thuộc thế hệ sau cả. Nhưng nguồn nước ở giếng này thì khỏi phải nói, nước chảy liên tục chưa bao giờ cạn nguồn hết, không chỉ trong và ngọt mà mùa đông lấy nước này sử dụng thì rất ấm, mùa hè mát rượi. Bấy lâu nay, bà con trong làng vẫn sử dụng nguồn nước ấy để nấu ăn, sinh hoạt thường ngày” - bà Thẻn nói.

 

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 4

Cụ Phan Thị Thẻn lấy nước từ giếng cổ về để dùng

Để kiểm chứng lời của mình, bà Thẻn cùng chúng tôi tìm đến giếng cổ. Giếng nước này chỉ sâu chừng gần 1m so với mặt đất, thân giếng được làm bằng bi đá tổ ong hình tròn, đường kính khoảng 75 cm, lòng bi khoảng 55 cm. Bên cạnh độ trong vắt thì nước giếng không hề có vị chua phèn mà rất mát mẻ.

Hiện nay, giếng nước nằm trong khuôn viên nhà thờ họ Nguyễn. Đây là dòng họ có bề dày truyền thống ở địa phương này. Để lưu giữ nét độc đáo và bảo tồn được giếng cổ đến ngày nay, người dân địa phương đã đổ bê tông xung quanh giếng để sinh hoạt và khơi thông để dòng nước từ giếng chảy ra. Còn kết cấu của giếng cổ vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn như trước. Chính những đặc điểm này càng tăng thêm giá trị của giếng cổ, cho dù đã trải qua hàng trăm năm. Một số loại hình giếng nước thời Chăm được xem là cùng thời với giếng động Chùa đã phần nào bị xuống cấp, hư hại thì giếng nước ở đây vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Điểm sinh hoạt văn hóa của người dân

Người dân trong làng ngày nay đã có nguồn nước lấy từ giếng khoan để sử dụng sinh hoạt cá nhân, hầu như nhà nào có điều kiện cũng đã thuê người đào giếng. Tuy nhiên, không ít người dân vùng này vẫn sử dụng nguồn nước lấy từ giếng cổ về dùng. Mỗi ngày thường có ít nhất hơn chục người đến đây để lấy nước, bởi họ đánh giá nguồn nước từ giếng này ngon hơn.

 

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 5

Các em học sinh dọn dẹp vệ sinh xung quanh giếng nước

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 6

Các bạn trêu đùa, té nước

Còn đối với thế hệ trẻ trong làng, ngày nào các em cũng đến đây uống nước. Khi chúng tôi đến đây tìm hiểu đã chứng kiến một tốp học sinh đang làm vệ sinh, dọn sạch lá khô ở quanh giếng. Một em trong nhóm cho hay, ngày nào em cũng đến đây lấy nước về cho mẹ nấu cơm, giếng nước này rất mát lại trong vắt nữa. Nhà em cũng có giếng nhưng nước có mùi tanh của phèn nên em không uống.

Ông Nguyễn Ngọc, Trưởng họ Nguyễn cho biết, theo nghiên cứu thì giếng nước động Chùa đã có niên đại khoảng hơn 500 năm. Lúc tôi được sinh ra thì giếng nước này đã tồn tại từ lâu rồi, tôi cũng có nghe kể về nhiều sự tích liên quan đến giếng nước động Chùa nhưng không biết là có thật hay không? Trong gia phả dòng họ Nguyễn, các vị tiền bối vẫn đề cập đến giếng nước này.

 

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 7

Ông Nguyễn Ngọc - Trưởng tộc họ Nguyễn nói về việc phát huy giá trị của giếng cổ và biện pháp lưu giữ, bảo vệ giếng cho thế hệ sau

“Bao nhiêu năm qua, bà con trong làng vẫn sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt. Theo đánh giá của cá nhân tôi và người dân địa phương thì nguồn nước này có vị rất riêng mà ít nơi nào có được. Điều khá đặc biệt là giữa vùng cát trắng như vậy nhưng nguồn nước ở giếng này không bao giờ cạn. Người dân sử dụng rất nhiều nhưng nước trong giếng cứ vơi rồi lại đầy” - ông Ngọc nói.

Người dân làng Nhĩ Thượng quanh năm làm nông nghiệp nên họ rất trân trọng những gì thế hệ trước đã để lại. Đối với hạt gạo đã làm ra, nhiều người đem nấu rượu để phát triển kinh tế gia đình, phục vụ chăn nuôi. Và, bên cạnh sử dụng nước để sinh hoạt thì hầu như nhà nào nấu rượu cũng lấy nguồn nước từ giếng cổ. Điểm thú vị là rượu được nấu lên từ nguồn nước lấy từ giếng này rất ngon và họ luôn tự hào về điều đó. Người dân nơi đây đã đúc rút rằng, nguồn nước là yếu tố góp phần làm cho chất lượng của rượu trở nên ngon và thơm hơn.

 

Quảng Trị: Độc đáo giếng cổ hàng trăm năm tuổi ở động Chùa - 8

Để sử dụng giếng lâu hơn, phía bên phải giếng được gắn tấm biển "Nghiêm cấm việc tắm, giặt và chặt phá cây cối"

Nói về phương hướng bảo vệ giếng cổ động Chùa, ông Ngọc cho biết, dòng họ đã đưa vào trong nội quy là bảo vệ giếng cổ để giữ gìn nét văn hóa các đời trước đã truyền lại, nghiêm cấm các hành vi phá hoại làm cho giếng xuống cấp. “Dù là giếng làng, bà con được tùy ý sử dụng sinh hoạt chung nhưng điều may mắn là giếng nằm trong khuôn viên của dòng họ Nguyễn nên chúng tôi tự thấy cần có trách nhiệm để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo hàng trăm năm mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân trong làng. Để giếng tồn tại với thời gian, cung cấp nguồn nước cho bà con sử dụng thì mọi người cần chung tay bảo vệ nó, tránh làm hư hỏng và ảnh hưởng đến nguồn nước. Điều đáng mừng là giếng đã được công nhận là di tích văn hóa nên cần phải có ý thức cao để phát huy giá trị của giếng cổ trở thành điểm sinh hoạt cho bà con và lưu giữ cho muôn đời sau” - ông Ngọc bày tỏ.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm