Quảng Nam: Người dân hiến đất làm đường để... bảo vệ di tích
(Dân trí) - Giếng cổ gần 200 năm tuổi ở thôn Trà Châu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị Ban dân chính thôn phá để làm đường bê tông nông thôn. Tuy nhiên, người dân địa phương đã hiến đất làm đường để bảo vệ giếng và kiến nghị phục hồi lại giếng.
Văn bia gắn trong giếng nói lên tất cả
Đầu tháng 4/2017, một giếng cổ ở thôn Trà Châu bị phá để làm đường giao thông nông thôn. Khi giếng cổ vừa bị phá, ông Nguyễn Trường Ngợi (SN 1966, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, Duy Xuyên, một người dân địa phương có trình độ Hán học), đã đến khảo sát, phiên âm, dịch nghĩa văn bia gắn trên giếng.
Câu chuyện trên văn bia hiện ra sinh động: Cách đây 194 năm, tại ấp Thặng Lộc, xã Trà Kiệu (xóm Hoàn Châu, thônTrà Sơn ngày nay) đã diễn ra cuộc đào giếng. Đó là một ngày tốt đẹp của tháng 6 năm Nhâm Ngọ (năm 1822) mà văn bia ghi: Minh Mạng tam niên, tuế thứ Nhâm Ngọ, lục nguyệt, kiết nhựt.
Thời đó, việc đào giếng trên gò cao như đất Hoàn Châu thì việc tìm ra mạch nước rất khó, phải đào đến vài chục mét bằng thủ công. Cho nên, người trong ban quản lý công trình là ông trùm Loan và ông trùm Tịnh phải ăn chay, kiêng cử và yêu cầu hết thảy người trong ấp làm theo mong cho việc đào giếng thành công; văn bia ghi: Trà Kiệu xã, Thặng Lộc ấp, Trùm Loan trai giới trùm Tịnh bổn ấp đẳng (Trùm – người có danh tiếng).
Tại Trà Kiệu, tộc Nguyễn Trường là một gia tộc có địa vị, uy tín, là dòng dõi của Mạc Cảnh Huống (1542-1677) - một trong người khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Lăng của Mạc Cảnh Huống và nhà thờ tộc Nguyễn Trường ngày đó được cử người bảo vệ thường xuyên. Văn bia ghi: Cử thủ sơn lăng từ đường, đội trưởng Cửu, Ngọc Bá, thẩm trác nhận thành. Đội trưởng Phương, danh Bá, bố minh quái mộ.
Theo đó, làng cử người giữ lăng (thống thủ Mạc Cảnh Huống) và người giữ nhà thờ của tộc (Nguyễn Trường), gồm đội trưởng Cửu - tự Ngọc Bá, người có kinh nghiệm trong việc xây dựng xác nhận đã hoàn thành và đội trưởng Phương - tự Danh Bá, người có uy tín, báo tin mừng rộng khắp, cho bà con mến mộ về công trình có tầm tâm linh đặc biệt.
Văn bia ghi: Từ Đường tư thổ. Nghĩa là, tộc Nguyễn Trường đã hiến đất tư trong vườn nhà thờ để đào giếng. Sau khi hoàn thành cuộc đào giếng, bà con tổ chức tiệc khánh thành, mà văn bia ghi: khởi công quật tỉnh lạc thành.
“Dòng cuối cùng văn bia ghi “đồng lập thạch bi”, thể hiện sự đoàn kết của bà con trong làng. Văn bia chỉ có tổng cộng 64 chữ mà nói lên tất cả những gì muốn nói, ngày hội đào giếng đầy khí thế của năm xưa hiện lên từ bia đá”, ông Nguyễn Trường Ngợi nói.
Giếng cổ bằng đá, hình tròn, đường kính khoảng 1,6m, sâu 25m. Văn bia được gắn vào thành bên trong của giếng. Lâu nay người dân vẫn chỉ biết giếng có từ rất lâu, trên bia có ghi dòng chữ “Minh Mạng tam niên” (năm Minh Mạng thứ 3 – 1822), ngoài ra không biết gì thêm.
Dân hiến đất làm đường để bảo vệ giếng cổ
Ngày 8/4/2017, Ban Dân chính thôn Trà Châu tổ chức mở rộng đường giao thông nông thôn đã đập thành giếng để mở đường bê tông đủ tiêu chuẩn 3m. Trước khi sự việc trên xảy ra, người dân sống quanh giếng đã có những giải thích về giá trị của di tích cho chính quyền và kiến nghị giữ lại giếng.
Tuy nhiên, giếng cổ vẫn bị phá. Sau đó, anh Nguyễn Văn Vĩnh Điền – một người dân địa phương - đã đưa thông tin lên mạng xã hội, cùng với những người con địa phương sống ở TPHCM tìm cách giữ lại di tích, rồi anh tự đứng ra tổ chức thợ mở rộng đường tránh giếng cổ; còn ông Nguyễn Trường Ngợi thì dịch văn bia, nêu lên giá trị của di tích.
Còn bà Nguyễn Thị Hường (80 tuổi, nhà ở cạnh giếng), đã tình nguyện hiến 20m2 đất của nhà mình nhằm mở rộng đoạn đường đi tránh giếng cổ; bà không mặc cả bất cứ một điều kiện gì, mặc dù gia đình bà là hộ cận nghèo.
Ngày 10/4, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam cử nhân viên khảo sát giếng cổ. Cuộc họp ngày 11/4 gồm đại diện Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, UBND xã Duy Sơn, Ban dân chính ban công tác mặt trận đã thống nhất giao cho Chi Ủy Ban dân chính ban công tác mặt trận phối hợp với các đoàn thể và ban trị sự xóm Hoàn Châu thực hiện việc phục lại giếng cổ, kinh phí phục hồi giếng cổ thì tiếp tục vận động xã hội hóa, người dân địa phương nhiệt tình rất hưởng ứng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (Cán bộ phụ trách bảo tồn Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên) cho biết, Phòng VH-TT huyện đã tham mưu đề xuất với các cơ quan chức năng để được công nhận là di tích lịch sử.
“Văn bia trên giếng cổ được bảo vệ và giếng được phục hồi lại nguyên trạng là nhờ vào ý thức giữ gìn văn hóa, truyền thống của người dân trong vùng. Đó là tinh thần rất trân quý trong việc bảo tồn di sản”, bà Tuyết nói.
T.Dũng-C.Bính